Hậu Giang tập trung phát triển hạ tầng giao thông

27/06/2014 10:27 GMT+7

UBND tỉnh Hậu Giang vừa phê duyệt đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đây là tiền đề thúc đẩy cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn phát triển đồng bộ trong thời gian tới.

 
Giao thông ở Hậu Giang hiện vẫn còn nhiều khó khăn - Ảnh: Quang Minh Nhật

Hiện trạng còn nhiều khó khăn

Ông Nguyễn Liên Khoa, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết toàn địa bàn hiện có mạng lưới đường bộ dài hơn 4.020 km trong đó quốc lộ (QL) gồm 5 tuyến (121 km), đường tỉnh 13 tuyến (350,6 km), đường huyện 38 tuyến (208,8 km), đường đô thị 115 tuyến (108,6 km), đường xã (giao thông nông thôn) dài 3.227 km. “Mạng lưới đường bộ tuy trải rộng khắp địa bàn nhưng chất lượng và cấp kỹ thuật còn thấp, không đảm bảo phục vụ nhu cầu lưu thông an toàn, thuận lợi, liên tục trong tương lai. Đường có cấp kỹ thuật tốt chỉ tập trung vào các tuyến QL mang tính đối ngoại. Các tuyến này chiếm khoảng 3% tổng số km đường toàn tỉnh. Đường tỉnh và đường huyện chỉ chiếm khoảng 17%. Các đường tỉnh đảm bảo thông xe 4 bánh một cách khó khăn, đường huyện hầu hết lưu thông xe tải trọng nhỏ. Cầu trên các tuyến không đồng bộ, phần lớn là cầu tải trọng nhỏ. Trung tâm các huyện, thị, thành đều có bến xe nhưng chưa được đầu tư đúng cấp”, ông Khoa phân tích.

Trong khi đó, tuyến đường sông quốc gia có 2 luồng chạy qua địa bàn tỉnh Hậu Giang. Luồng thứ nhất từ sông Hậu qua kênh Xà No, sông Cái Nhất, sông Cái Tư đi các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau. Luồng thứ hai từ sông Hậu qua kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp đi 3 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Tuy nhiên, theo ông Trần Công Chánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, những luồng này vừa dài vừa hẹp, mật độ lưu thông của tàu bè khá lớn nên dễ gây mất an toàn giao thông. Hệ thống đường thủy do địa phương quản lý (từ cấp 4 đến 5) gồm 41 tuyến dài khoảng 585 km. Nhiều sông, kênh, rạch bị hạn chế bởi các khúc cong gắt, chiều sâu mực nước thấp, lòng chảy hẹp... Các cảng sông chính của tỉnh nằm dọc theo bờ sông Hậu và kênh Xà No tuy nhiên cơ sở vật chất kỹ thuật vẫn còn nhiều yếu kém. Các thị trấn đều có cầu tàu phục vụ bốc dỡ hàng song cơ sở kỹ thuật bộc lộ nhiều hạn chế.

Phát triển hạ tầng trong tương lai

Cũng theo ông Trần Công Chánh, giai đoạn 2014-2030, Hậu Giang cần nguồn kinh phí hơn 27.080 tỉ đồng để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông. Đây là khoản kinh phí rất lớn, vì vậy, tỉnh đề nghị T.Ư ưu tiên bố trí nguồn trái phiếu Chính phủ, nguồn vượt thu hằng năm, nguồn ODA, WB, hỗ trợ có mục tiêu để đầu tư cho những dự án giao thông trọng điểm tại Hậu Giang... Nhằm thu hút mạnh mẽ nhiều kênh đầu tư, tỉnh sẽ sớm ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp tạo môi trường thuận lợi tối đa để thực hiện đề án; đồng thời khuyến khích các thành phần kinh tế có đủ điều kiện tham gia đầu tư xây dựng các dự án...

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, ông Nguyễn Liên Khoa khẳng định đề án được phân kỳ đầu tư nhiều giai đoạn. Giai đoạn 2014-2016, kinh phí đầu tư (dự kiến) hơn 3.670 tỉ đồng. Theo đó, ở giai đoạn này tuyến QL 1 (đoạn từ ranh TP.Cần Thơ đến TX.Ngã Bảy) dài 21,8 km được nâng cấp mở rộng đạt tiêu chuẩn cấp 2 đồng bằng. QL 61B (từ ngã ba Vĩnh Tường đến thị trấn Long Mỹ dài khoảng 8 km) nâng cấp mở rộng đạt cấp 3 đồng bằng và đoạn còn lại đến cầu Trà Ban đạt tối thiểu cấp 4 đồng bằng. Các tuyến đường tỉnh 925B, 930 được đầu tư xây dựng mới tại nhiều đoạn. Đường ô tô về trung tâm các xã Phú Tân, Phú Hữu A (H.Châu Thành), Vĩnh Tường (H.Vị Thủy) sẽ được đầu tư xây dựng mới. Về đường thủy, kênh xáng Xà No, kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp, kênh 13, kênh Mười Thước sẽ được nạo vét. Bến xe TX.Ngã Bảy cũng được đầu tư xây dựng trong giai đoạn này.

Giai đoạn 2016-2020 (kinh phí đầu tư dự kiến trên 14.000 tỉ đồng) sẽ nâng cấp QL 61, QL Nam Sông Hậu, QL Quản Lộ - Phụng Hiệp đạt tiêu chuẩn cấp 3 đồng bằng. Nhiều đoạn trên các tuyến đường tỉnh 925C, 926B, 927, 927C, 930B, 931 sẽ được nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới. Các cầu Tân Phước Hưng, Lái Hiếu, Xẻo Vẹt cũng sẽ khởi công xây dựng. “Giai đoạn này sẽ dành một khoản không nhỏ để cải tạo, nâng cấp, xây mới các tuyến đường huyện, đường đô thị. Song song đó, cảng Vị Thanh, cảng Hậu Giang, cảng Ngã Bảy, cảng chuyên dùng của các nhà máy trên sông Hậu, bến xe Vị Thanh, bến tàu khách Vị Thanh… sẽ được khởi công”, ông Khoa cho biết thêm.

Được biết, giai đoạn 2021-2030, với kinh phí trên 9.400 tỉ đồng, tỉnh Hậu Giang sẽ tiếp tục hoàn thiện và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy trên địa bàn nhằm góp phần phát triển ổn định, bền vững kinh tế - xã hội, đảm bảo an toàn giao thông... 

Quang Minh Nhật

 >> Hậu Giang: 3 năm xóa hơn 24.000 hộ nghèo
>> Hậu Giang: Bệnh giao mùa đang có chiều hướng gia tăng
>> Nhiều sai phạm tài chính trong ngành y tế Hậu Giang
>> Hậu Giang: Cần 800 tỉ đồng chống sạt lở

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.