Hậu phương của người lính

10/04/2014 09:32 GMT+7

Làm vợ của lính biên phòng, hơn ai hết, các chị cảm nhận rõ sự thiếu vắng “trụ cột” mỗi khi chồng xa nhà công tác. Đó cũng chính là sự hy sinh thầm lặng...

 Hậu phương của người lính
Chị Nguyễn Thị Trang, vợ của thiếu úy Nguyễn Văn Bích (Đồn Biên phòng Axan) cùng đưa con trai kháu khỉnh được sinh ra trên mảnh đất biên giới - Ảnh: Hoàng Sơn

Vợ ở đảo, chồng bám biên giới

Những ngày có chuyến công tác vào Đồn 661 (xã Đăk Pring, H.Nam Giang, Quảng Nam), tôi được nghe nhiều anh em kể về câu chuyện vợ nơi hải đảo, chồng trên biên giới của thiếu tá Bùi Duy Hòa, Chính trị viên của đồn. Anh Hòa vốn là người gốc Bắc, sau khi tốt nghiệp trường biên phòng, anh vào nhận công tác tại tỉnh Quảng Nam. Một thời gian làm việc, bảo vệ đảo Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An), thiếu tá Hòa đã bén duyên với một cô gái. “Lấy vợ, tôi công tác tại Đồn Biên phòng trên đảo Cù Lao Chàm một thời gian rồi nhận được quyết định đi vào đồn biên giới. Tôi lên đường, còn vợ con vẫn ở lại đảo sinh sống”, thiếu tá Hòa kể.

Là lính biên phòng cả đời quen cảnh xa nhà nhưng những ngày đầu, anh Hòa quay quắt nỗi nhớ đảo, nhớ vợ... Dần dà, mọi thứ cũng vào guồng. Chỉ mỗi khi mùa mưa bão đến, lòng anh có phần bồn chồn vì nơi đảo tiền tiêu sóng gió có phần dữ dội hơn. Những cuộc điện thoại từ vợ, những đồng đội từng sát cánh với anh báo tin cũng phần nào làm anh vững chí bám mảnh đất biên cương. “Vợ tôi làm cán bộ địa phương. Những ngày đầu xa nhà đi xa, tôi cũng hơi lo lắng. Nhưng cô ấy là người mạnh mẽ và động viên tôi rất nhiều”, anh Hòa trải lòng.

Thiếu tá Võ Văn Tri, Đồn phó Đồn biên phòng 649 đóng tại xã Axan (H.Tây Giang) nói vui rằng, anh em cùng nhau bám biên, cùng ăn cùng ngủ trong một doanh trại nên có khi đồng đội lại hiểu nhau hơn chứ không phải là những người vợ. “Tôi cùng với trung tá Bùi Đức Hạnh, Chính trị viên của đồn lên Axan cả chục năm trước. Rồi sau đó, mỗi người đi một đồn khác vì luân chuyển công tác. Thế rồi, hai năm trở lại đây, anh Hạnh trở lại đồn Axan. Sau đó không lâu, tôi cũng về lại nhận công tác phó đồn. Tôi thường đùa với vợ anh Hạnh rằng, tôi còn hiểu anh ấy còn hơn cả chị nữa. Chị ấy cũng cười vui vẻ vì như hiểu được sự đoàn kết của anh em”, thiếu tá Tri chia sẻ.

Theo chồng lên biên giới

Cũng tại Đồn Biên phòng 649, tôi còn được nghe câu chuyện cảm động về tình yêu của những người lính biên phòng với những cô gái miền xuôi. Gần 10 năm theo chồng (trung úy Nguyễn Văn Bích, nhân viên quân khí của đồn) lên xã Axan lập nghiệp, chị Nguyễn Thị Trang (30 tuổi, quê Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) đã “thấm” những nỗi khó khăn khi phải vào ở vùng biên. “Đường sá trắc trở, thời tiết khắc nghiệt, kinh tế thì quá khó khăn... Nhưng chồng tôi là lính biên phòng, tôi theo anh ấy lên Axan cũng là cách để chăm sóc gia đình và để anh ấy yên tâm công tác”, chị Trang nói.

Cặp vợ chồng thiếu úy Phan Văn Chiến (lái xe của Trạm Quân dân y Axan) và chị Nguyễn Thị Vững; thiếu úy Nguyễn Văn Như (nhân viên tổng hợp của đồn) và chị Nguyễn Thị Vân cũng là những cặp vợ chồng như thế. Trung tá Bùi Đức Hạnh, Chính trị viên Đồn 649 cho biết: “Chị Vững là con gái đất bắc, quê tận Hưng Yên. Vì thương chồng nên từ đồng bằng, chị Vân đã bàn với anh chuyển nhà lên xã Axan sinh sống. Hằng ngày, chị ở nhà chăn nuôi, bán quầy tạp hóa ngay gần đồn. Vợ chồng họ sống vui vẻ...”.

Theo trung tá Hạnh, nhiều trường hợp cán bộ lên nhận công tác tại đồn rồi bén duyên với gái bản là người C’Tu. Nhiều cặp đã thành vợ thành chồng rồi cùng nhau định cư ngay trên chính mảnh đất biên giới.

Hoàng Sơn

>> Vợ lính Trường Sa với 8.3
>> Khi vợ lính nổi giận
>> Ngày 8.3 của vợ lính DK

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.