Hơn 3 năm chưa xử được vụ tai nạn đường sắt

17/09/2014 08:00 GMT+7

Sau một ngày xét xử, chiều ngày 15.9, TAND TP.Biên Hòa (Đồng Nai) đã quyết định hoãn phiên tòa, trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ tai nạn đường sắt tại cầu Ghềnh xảy ra cách đây hơn 4 năm, khiến 2 người bị thiệt mạng.

Sau một ngày xét xử, chiều ngày 15.9, TAND TP.Biên Hòa (Đồng Nai) đã quyết định hoãn phiên tòa, trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ tai nạn đường sắt tại cầu Ghềnh xảy ra cách đây hơn 4 năm, khiến 2 người bị thiệt mạng. 

Hơn 3 năm chưa xử được vụ tai nạn đường sắt
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm ngày 15.9 - Ảnh: Lê Lâm

Trước đó, TAND và Viện KSND TP.Biên Hòa cũng đã nhiều lần trả hồ sơ cho CQĐT yêu cầu điều tra bổ sung.

Bỏ trực đi ăn cháo

Theo cáo trạng, trong thời gian từ 14 giờ đến 22 giờ ngày 6.2.2011, Nguyễn Văn Lương (57 tuổi) và Trần Viết Hải (23 tuổi) được giao nhiệm vụ trực tại chắn số 3; Trần Văn Thời (30 tuổi) và Bùi Văn Thuấn (43 tuổi, cả 4 cùng là nhân viên của Đội quản lý đường sắt Biên Hòa thuộc Công ty TNHH MTV Quản lý đường sắt Sài Gòn) trực tại chắn số 4 (cầu Ghềnh, TP.Biên Hòa).

Khoảng 19 giờ 10, Thời tự ý bỏ trực vào trạm ngồi ăn cháo. Lúc này, tàu SE2 điện thoại xin đường. Biết tàu sắp đến nhưng Thời vẫn ngồi ăn cháo không ra làm nhiệm vụ để ô tô chạy vào lòng cầu ghềnh. Ở đầu chắn số 4, dù không nhận được tín hiệu đồng ý từ phía chắn số 3 nhưng Lương vẫn cho 5 xe ô tô đi vào lòng cầu dẫn đến đoàn xe này bị kẹt lại. Đến 19 giờ 29, khi điện thoại tàu SE2 xin đường lần thứ 2 thì Thuấn cầm đèn tín hiệu ra đầu cầu, Thời ấn nút chuông và đèn tín hiệu, đồng thời hạ chắn barie không cho ô tô vào trong lòng cầu. Do kẹt xe nên Thuấn yêu cầu Trần Minh Châu (54 tuổi, tài xế taxi) lùi xe nhưng Châu không đồng ý. Sau một hồi cãi nhau, Châu đồng ý de xe thì tàu SE2 cũng vừa đến gây ra vụ tai nạn làm cha con ông Trần Ngọc Khải, Trần Thanh Tuấn chết tại chỗ và 22 người bị thương; hư hỏng nhiều xe ô tô.

Đối với Nguyễn Văn Túy (46 tuổi, lái tàu SE2), Nguyễn Xuân Phú (50 tuổi, phụ lái tàu SE2), mặc dù không nhận được tín hiệu đèn báo cầu an toàn, nhưng vẫn cho tàu vào cầu dẫn đến vụ tai nạn. Riêng Tô Quang Toán (43 tuổi, nhân viên Tổ thông tin tín hiệu Ga Biên Hòa) là nhân viên bảo trì đèn tín hiệu nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc để đèn tín hiệu hư không sửa chữa. Sau khi tai nạn xảy ra, nhân viên đường sắt đã bắt quả tang Toán đang thay bóng đèn trên cột đèn phía nam cầu Ghềnh.

Viện KSND TP. Biên Hòa đã truy tố Nguyễn Văn Túy, Nguyễn Xuân Phú về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt; Trần Văn Thời, Bùi Văn Thuấn, Nguyễn Văn Lương,Trần Viết Hải và Tô Quang Toán bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Trần Minh Châu bị truy tố về tội cản trở giao thông đường sắt.

Lời khai mâu thuẫn, tòa trả hồ sơ

Tại phiên tòa sơ thẩm, trong phần xét hỏi các bị cáo và nhân chứng có nhiều lời khai thể hiện nhiều mâu thuẫn. Cụ thể, bị cáo Thời và Thuấn  khai rằng không bấm nút tín hiệu đèn xanh đồng ý cho tàu vào cầu Ghềnh. Trong khi đó bị cáo Túy và Phú lại khai nhận lúc đó có thấy đèn tín hiệu báo trước màu xanh, tức là được phép vào cầu nên mới cho tàu chạy vào.

Các nhân chứng thuộc Công ty quản lý đường sắt Sài Gòn và Công ty thông tin tín hiệu đường sắt Sài Gòn khai, sau khi tai nạn xảy ra họ đến kiểm tra hiện trường thì phát hiện đèn phòng vệ và đèn báo trước của cầu Ghềnh tối thui, không hoạt động. Trong khi đó, các nhân chứng là quản lý và nhân viên trên tàu cũng đồng loạt khai khi tại nạn xảy ra, họ bước xuống quan sát thấy đèn báo trước đang là màu xanh.

Vì những mâu thuẫn trên đại diện Viện KSND cho rằng cần dựng lại hiện trường và cho các nhân chứng đối chứng. HĐXX đã chấp nhận đề nghị này, tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Bị hại mệt mỏi chờ bồi thường

Sau khi chủ tọa quyết định trả hồ sơ, nhiều bị hại tỏ ra mệt mỏi chờ bồi thường dân sự vì vụ án đã kéo dài hơn 3 năm 7 tháng. Bà Hoàng Thị Hoa (ngụ Bình Phước), một trong số bị hại bức xúc: "Gia đình tôi có 8 người bị thương trong tai nạn, rất nhiều lần từ Bình Phước về Biên Hòa để làm việc cơ quan tố tụng, dự phiên tòa… nhưng đến nay vụ án vẫn chưa kết thúc. Chúng tôi rất mệt mỏi vì tốn kém chi phí, thời gian đi lại”. Còn bà Phạm Thị Thanh Chiêu (ngụ TP.Biên Hòa) nói: "Sau khi chồng và con tôi mất, gia đình rơi vào khó khăn. Giờ tôi chỉ mong muốn vụ án sớm kết thúc để gia đình được đền bù thiệt hại, sớm vượt qua khó khăn như hiện nay".

Hoàng Tuấn - Lê Lâm

>> Lại hoãn xử vụ tai nạn đường sắt tại cầu Ghềnh
>> Vụ tai nạn đường sắt kinh hoàng tại cầu Ghềnh: Hoãn xét xử do thiếu nhân chứng
>> Truy tố 8 bị can gây tai nạn đường sắt tại cầu Ghềnh
>> Xây dựng cầu đường bộ tách khỏi cầu Ghềnh
>> Khởi tố, tạm giam 7 bị can vụ tai nạn trên cầu Ghềnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.