Ít người biết đến hoạt động của thừa phát lại

18/09/2015 09:06 GMT+7

UBND tỉnh Đồng Nai vừa tổ chức Hội nghị tổng kết việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (TPL).

UBND tỉnh Đồng Nai vừa tổ chức Hội nghị tổng kết việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (TPL).

Nhân viên Văn phòng TPL TP. Biên Hòa (Đồng Nai) đang xem xét hồ sơ trước khi tống đạt- ảnh Lê Lâm Nhân viên Văn phòng TPL TP. Biên Hòa (Đồng Nai) đang xem xét hồ sơ trước khi tống đạt - Ảnh Lê Lâm
Theo ông Đinh Quốc Thái- Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, hiện trên địa bàn có 5 văn phòng TPL gồm TP.Biên Hòa, TX.Long Khánh và H. Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch. Trong thời gian qua, các văn phòng TPL hoạt động ổn định, lập được 947 vi bằng, tạo thêm công cụ pháp lý để người dân tự bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của mình trong việc thực hiện các giao dịch dân sự và trong các quá trình tố tụng tư pháp. Dù vậy vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, cụ thể đa số người dân chưa hiểu biết về tổ chức và hoạt động của TPL. “Vì theo kết quả khảo sát của Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) chỉ có 24% người dân biết về chế định TPL”, ông Thái cho hay.
Cũng theo ông Thái, trong quá trình tống đạt văn bản giữa các văn phòng TPL với tòa án và cơ quan thi hành án dân sự còn gặp vướng mắc như chưa thống nhất giữa về phương thức và cách thức lập biên bản; vai trò, trách nhiệm của văn phòng TPL trong việc lập biên bản tống đạt chưa được phát huy khi các cơ quan tòa án yêu cầu biên bản tống đạt của TPL phải có chữ ký và đóng dấu của UBND cấp xã nơi thực hiện việc tống đạt. “Những nguyên nhân vừa phân tích trên là do hoạt động của TPL chưa được phổ biến sâu rộng đến người dân, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể và xã hội biết. Mặc khác người dân còn tâm lý e ngại, không thật sự tin tưởng đối với một số dịch vụ do TPL cung cấp”, ông Thái đúc kết.
Giảm tải cho thư ký, chấp hành viên…
Đại diện TAND tỉnh Đồng Nai nhìn nhận sự có mặt của TPL đã chia sẻ bớt một lượng công việc khá lớn cho thư ký tòa án; thư ký có thời gian tập trung hơn vào chuyên môn và giúp việc cho thẩm phán. Đặc biệt là hạn chế được sự tiếp xúc của cán bộ tòa án với đương sự tại địa phương, ảnh hưởng ít nhiều đến việc xét xử vụ án. Đồng tình với quan điểm này, Phó cục trưởng Cục thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai Nguyễn Văn Sơn nói “Hoạt động của TPL cũng đã giảm tải công việc cho chấp hành viên, tạo điều kiện cho chấp hành viên có thời gian nghiên cứu những biện pháp, giải pháp tổ chức thi hành án.”
Tuy nhiên, đại diện cả hai cơ quan trên và cả Viện KSND tỉnh Đồng Nai đều cho rằng một số nhân viên của các văn phòng TPL còn lúng túng trong tổ chức thực hiện việc tống đạt văn bản do chưa có chuyên môn dẫn đến hiệu quả không cao. Do đó, cần có những lớp tập huấn nghiệp vụ, nâng cao trình độ chuyên môn cho thư ký văn phòng TPL. “Chính vì thế, cần mở rộng quy chế thành lập văn phòng TPL để thu hút những người có kinh nghiệm, đã từng là chấp hành viên, kiểm sát viên… tham gia thành lập văn phòng”, ông Nguyễn Văn Sơn đề xuất
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Hoàng Phú – Phó Cục trưởng Cục công tác phía nam (Bộ Tư pháp) nhận định, trong số các địa phương được chọn để thí điểm chế định TPL, Đồng Nai là địa phương triển khai quyết liệt, bài bản nhất. Kết quả đạt được rất khả quan, chỉ đứng sau TP.HCM. “Mặc dù trong quá trình thực hiện gặp nhiều bất cập, vướng mắc nhưng đây là định hướng của T.Ư, thí điểm là phải thành công. Trong thời gian tới Bộ Tư pháp sẽ có những kiến nghị, tham mưu để Chính phủ có những thay đổi, dần hoàn thiện hoạt động của TPL”, ông Phú kết luận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.