Kênh thủy lợi ô nhiễm, đất lúa bỏ hoang

24/06/2013 10:24 GMT+7

Trên 30 hộ dân ở ấp Vũng Gấm (xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) bỏ hoang hàng chục ha đất lúa vì nước kênh thủy lợi bị ô nhiễm làm cho cây lúa bị quắn lá, cháy thân rồi chết rụi.

Trên 30 hộ dân ở ấp Vũng Gấm (xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) bỏ hoang hàng chục ha đất lúa vì nước kênh thủy lợi bị ô nhiễm làm cho cây lúa bị quắn lá, cháy thân rồi chết rụi.

 Kênh thủy lợi ô nhiễm, đất lúa bỏ hoang
Người dân bỏ hoang ruộng đồng vì nguồn nước bị ô nhiễm - Ảnh Lê Lâm

Sang đến vụ lúa năm nay, số đất ruộng có diện tích gần 19ha vẫn bị người dân bỏ hoang, không dám gieo trồng vì sợ đất còn ô nhiễm. Ông Hồ Mộng Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Phước An (huyện Nhơn Trạch), cho biết từ đầu tháng 3.2013, UBND xã nhận được đơn của 30 hộ dân ở ấp Vũng Gấm trình bày về vụ lúa bị hư hại, cây ngả màu vàng. UBND xã đã kiến nghị UBND kiểm tra, xử lý, khắc phục hậu quả. Sau đó, Phòng Tài nguyên và môi trường, Phòng Kinh tế huyện Nhơn Trạch đã xuống xã kiểm tra và có kết luận: “Diện tích trồng lúa trên cánh đồng là 50 ha, trong đó lúa bị ảnh hưởng do nguồn nước là 18,59 ha, lúa lép, cháy lá, sản lượng thu hoạch bằng không. Lúa không có bị ảnh hưởng do sâu bệnh hại; diện tích trồng dưa hấu 1.000m2 lấy nguồn nước từ rạch Vũng Gấm cũng bị ảnh hưởng, lá bị héo, cháy, trái không đạt yêu cầu; 3000m2 trồng bắp lấy nước từ rạch Vũng Gấm bị ảnh hưởng, bắp cho trái nhưng không có hạt”.

Kênh thủy “hại”

Ông Nguyễn Văn Giáo, người có hơn 1ha đất lúa bị thiệt hại cho biết: “Lúc mới bơm nước từ kênh thủy lợi vào thì không sao, cây lúa sinh trưởng vẫn bình thường. Thế nhưng, từ khi làm đòng thì bị xoắn lá, cháy vàng, ngả rạp xuống như cỏ, dưới gốc lúa thấy dính một lớp màng giống như lớp keo”. Ông Giáo cho rằng, hàng chục làm ruộng đến nay ông mới thấy hiện tượng này lần đầu. Không những thế, chỉ có những người dân lấy nước từ kênh thủy lợi và rạch Vũng Gấm để tưới cho cây mới bị thiệt hại. Còn những người dân tưới bằng nước giếng thì không bị sao.

Còn anh Hồ Văn Bằng, người có đến 2 ha lúa, mỗi vụ thu hoạch được trên 10 tấn, bán được khoảng 50 triệu đồng. Tuy nhiên, đến vụ lúa vừa qua, vì nguồn nước ô nhiễm nên chỉ thu hoạch được vài tạ lúa lép dùng để nuôi gà vịt ăn. Trên 25 triệu đồng tiền giống, phân, thuốc trừ sâu mà hai vợ chồng anh Bằng bỏ coi như đã đổ xuống sông. Anh Bằng ngậm ngùi kể: “Khi thấy lúa có dấu hiệu như sắp chết, tôi vội vàng bơm nước từ giếng lên thay, rửa đi nguồn nước cũ nhưng vẫn không cứu kịp. Chỉ một phần mười đám ruộng của tôi là đậu hạt nhưng bị lép, xay ra cả trấu và gạo nát như cám”. Dẫn chúng tôi ra đám ruộng đang bỏ hoang, có con kênh thủy lợi chạy qua, anh Bằng bức xúc: “Đây là kênh thủy “hại”, chứ “lợi” cái gì. Nước bị ô nhiễm, đến mấy con ốc bươu năm trước còn đầy rẫy, nhưng đến bây giờ thì chết sạch. Bây giờ chỉ còn cách đợi cho mưa nhiều rửa trôi bớt ô nhiễm mới tiếp tục trồng lúa”- anh Bằng nói.

Nguyên nhân từ đâu?

Theo người dân ấp xã Phước An, nguồn nước cung cấp cho kênh thủy lợi ở khu vực này được lấy nước từ rạch Vũng Gấm. Trong khi đó, từ nhiều năm nay, nước thải từ KCN Nhơn Trạch 5 đã xả thải ra rạch Vũng Gấm rồi chảy ra sông Thị Vải. Còn ông Nguyễn Việt Lâm, Chủ tịch Hội nông dân xã Phước An thì bức xúc: “Nếu như nguồn nước từ kênh thủy lợi bị ô nhiễm do nước thải trong KCN thì phải bồi thường cho người dân”.

Rạch Vũng Gấm là rạch thủy lợi dùng dẫn nước tưới cho lúa 3 vụ/năm ở cách đồng Vũng Gấm (xã Phước An) rộng hơn 50 hécta. Theo báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nhơn Trạch, kết quả quan trắc chất lượng 5 mẫu nước được lấy dọc theo rạch Vũng Gấm và tại điểm xả nước thải KCN Nhơn Trạch 5 (ngày 5.1.2013) đều không đạt chuẩn. Cụ thể nồng độ và chất nguy hại như: DO, TSS, COD, BOD5, NO2, NO3, NH+4, Fe… đều vượt tiêu chuẩn cho phép, riêng NO2, NH+4 vượt tiêu chuẩn cho phép rất nhiều lần.

Lê Lâm

>> Đồng Tháp: Trồng mè trên đất lúa lãi 22 triệu đồng/ha
>> Không nhất thiết phải trồng lúa trên đất lúa
>> Đề nghị xóa quy hoạch 2 KCN để giữ đất lúa
>> Lo cho đất lúa
>> Còn 3,6 triệu ha đất lúa vào năm 2030

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.