Khó di dời nghĩa địa ra khỏi thành phố

11/12/2013 13:41 GMT+7

TP.Kon Tum có rất nhiều nghĩa địa tự phát của người dân, nhưng vì yếu tố tâm linh và kinh phí đền bù giải tỏa tương đối lớn nên việc di dời các nghĩa địa ra khỏi thành phố còn rất khó.

Khó di dời nghĩa địa ra khỏi thành phố
Nghĩa địa Phương Quý sát khu dân cư xã Vinh Quang - Ảnh: Nguyễn Đắc

Phía bắc TP.Kon Tum có nghĩa địa với hàng trăm ngôi mộ ở giữa làng Kon Drei, xã Đăk Bla. Liền kề chen chúc nghĩa địa này là nhà dân, trường học, nhà thờ, nhà rông của làng. Ông A Khẻo, một người dân làng này cho hay nghĩa địa làng Kon Drei có từ năm 1930. “Mộ ở nghĩa địa và người làng mỗi ngày nhiều thêm, mà đất làng thì chật nên khi hộ nào tách ra là cứ đến làm nhà sát nghĩa địa để ở”, ông A Khẻo nói. Tuy nhiên, do ý thức được vấn đề sống gần nghĩa địa ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khỏe con người nên khoảng 3 năm nay, người Kon Drei không táng người chết ở nghĩa địa này nữa.

Tại xã Vinh Quang, hai nghĩa địa ở làng Phương Quý và làng Kon Rờ Bàng cũng nằm sát khu dân cư. Người dân ở đây cho biết, hai nghĩa địa này có từ khi thành lập làng, đến nay nhiều người ở hai làng có người qua đời đều mang ra an táng tại hai nghĩa địa này.

Bí thư đảng ủy xã Đăk Bla, ông Lê Văn Khanh cho hay, người dân sống ở nghĩa địa Kon Drei đã nhiều lần đề nghị chính quyền di dời nghĩa địa đi nơi khác, xa nơi sinh sống của người dân. Còn ông A Hậu ở xã Vinh Quang thì bảo là khi xã họp dân lấy ý kiến di dời hai nghĩa địa Kon Rờ Bàng và Phương Quý nhưng người dân không đồng tình. Theo ông A Hậu, việc nghĩa địa ở giữa khu dân cư sẽ ảnh hưởng nhiều đến môi trường cuộc sống. Hơn nữa, TP.Kon Tum còn mở rộng không gian đô thị nên việc di dời nghĩa địa là việc nên làm.

Theo Phó chủ tịch UBND TP.Kon Tum, ông Nguyễn Văn Điệu, việc dời các khu nghĩa địa trên địa bàn ra khỏi khu dân cư hiện đang rất khó. Về phía người dân do yếu tố tâm linh còn nặng nề, muốn di dời phải tuyên truyền, vận động không phải một sớm một chiều. Trong khi đó, kinh phí di dời các nghĩa địa này tương đối lớn: 32 tỷ đồng. “Do những cái khó này nên hiện nay chính quyền sẽ vận động bà con thay đổi thói quen an táng tại các nghĩa địa trong thành phố và đóng cửa các nghĩa địa quá gần nhà dân, không cho an táng nữa…”, ông Điệu cho biết.

Theo Thông tư số 31 ngày 10.9.2009 của Bộ Xây dựng, nghĩa địa hung táng phải cách nhà dân gần nhất là 1,5 km và nghĩa địa chôn một lần là 500m. Thế nhưng thực tế, nhiều nghĩa địa ở TP.Kon Tum ở sát nhà dân, có nơi chỉ vài chục mét

Phạm Anh - Nguyễn Đắc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.