Kỹ sư “chân đất”

19/01/2013 09:37 GMT+7

Ít ai ngờ một nông dân sống giữa vùng nông thôn xa xôi lại có thể phát minh ra nhiều máy móc phục vụ gieo trồng và thu hoạch nông sản cho bà con nông dân như vậy.

Sáng chế từ thực tiễn

Theo chỉ dẫn nhiệt tình của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến Xưởng cơ khí Hoàng Liêm (ấp Thới Khánh, xã Tân Thạnh, H.Thới Lai, TP.Cần Thơ) của người kỹ sư “chân đất” Hoàng Thanh Liêm. Được người nhà thông báo, anh Liêm vội vã từ đồng quay về xưởng. Chân tay còn bê bết sình bùn, thấy chúng tôi, anh cười nói: “Đồng ruộng là máu thịt, cơ khí là hơi thở. Tôi không bỏ cái nào được nên vất vả suốt ngày này qua tháng khác”. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết năm 1989, Hoàng Thanh Liêm tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM và đi làm ở nhiều nơi. Bươn chải làm lụng vất vả nhiều năm song anh cũng chẳng dư dả gì. Vì thế, năm 2000, anh  Liêm quyết tâm về quê ở ấp Thới Khánh (xã Tân Thạnh, H.Thới Lai) để làm ruộng cùng cha mẹ. Anh tâm sự: “Nhà có mấy anh em mà ai cũng làm công chức hết bỏ cha mẹ già ở quê một mình, ruộng vườn không ai trông coi nên tôi quyết định quay về”. Sau nhiều năm gắn bó với ruộng đồng, anh Liêm hiểu rất rõ những khó khăn, vất vả mà người nông dân gặp phải, nhất là công đoạn sau thu hoạch. Anh kể có lần gia đình vừa phơi lúa xong gặp mưa lớn bất ngờ xúc vào bao không kịp nên lúa bị ướt hết. Vụ lúa hè thu năm đó, gia đình anh và nhiều hộ nông dân khác bị thiệt hại không nhỏ. Chính điều đó đã thúc đẩy anh quyết định chế ra một loại máy có thể xúc nông sản thay cho con người. Suốt nhiều đêm, anh thức trắng vẽ đi vẽ lại bản thiết kế máy xúc. Dựa vào bản thiết kế, anh mượn người thân gần 10 triệu đồng mua vật liệu về tự mày mò chế tạo máy.

Sau gần 2 năm miệt mài sáng chế, chiếc máy xúc nông sản đã hoàn thành. Hình dáng chiếc máy giống như xe đẩy, có gắn động cơ bằng máy honda hoặc môtơ điện phía trước để kéo bộ phận guồng quạt cào nông sản vào trong khoang. Một trụ đứng có guồng xoáy trôn ốc bên trong sẽ đưa nông sản lên và chảy ra theo đường ống vào trong bao. Máy có thể thu gom nhiều loại hạt được vun đống hay trải trên sân phơi. Một người chỉ cần đẩy chiếc máy đi khắp trên sân, tự động nông sản sẽ được xúc hết vào bao. Máy có hệ thống gạt số tự động nên có thể tự vận hành. Công suất của máy có thể đạt 3 - 4 tấn/giờ, tương đương 2 thanh niên khỏe mạnh làm trong một buổi. Máy có giá thành khoảng 6 triệu đồng.

Kỹ sư “chân đất”
Anh Hoàng Thanh Liêm giới thiệu công dụng chày tỉa hạt

Máy móc cho mọi người

Từ xưởng nhỏ ban đầu, đến nay, anh Liêm đã đầu tư mở rộng cơ ngơi lên 1 ha ở gần nhà để sản xuất máy xúc nông sản nhằm đáp ứng nhu cầu cho bà con. Sáng chế của anh không chỉ phổ biến ở địa phương mà đã được nông dân các tỉnh, thành khác biết tới. Nhiều công ty tổ chức hội chợ trong nước đã mời anh tham gia giới thiệu máy xúc nông sản.

Không chỉ chế tạo thành công chiếc máy xúc nông sản, anh Liêm còn sáng chế ra chày tỉa đậu. Trước kia, việc tỉa đậu cần có 2 người, người đi trước cầm cọc nhọn chọc lỗ, người đi sau bỏ hạt và tro vào lỗ. Nếu sử dụng chày của anh Liêm thì chỉ cần 1 lao động. Chày gồm 1 ống sắt rỗng bằng cùm tay, dài 1 m, trên đầu có hộp đựng hạt. Khi đâm ống xuống đất, hạt từ hộp sẽ rơi xuống lỗ vừa đâm. Chày có bộ phận điều chỉnh cho phù hợp với từng loại hạt cần gieo: đậu xanh, đậu nành, đậu phộng, bắp… Chày tỉa hạt của anh Liêm vừa giúp tiết kiệm sức lao động, vừa hạn chế hạt giống rơi vãi ra bên ngoài. Thấu hiểu hoàn cảnh của bà con nông dân, nên chày tỉa hạt của anh Liêm có mức giá rất “mềm”, chỉ 130.000 đồng/cái.

Không dừng lại ở đó, anh Liêm còn tiếp tục cải tiến chày thành xe đẩy gieo hạt. Anh thiết kế bánh xe có các lỗ nằm cách đều nhau để vừa chọc lỗ vừa tra hạt. Khi xe lăn tới đâu, hạt giống rớt tới đó, đều tăm tắp. Sáng chế chày tỉa hạt và máy xúc nông sản của anh Liêm đã được ghi nhận bằng 2 giải nhì tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật TP.Cần Thơ năm 2007 và 2009.

Đặng Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.