Kỹ sư trẻ đam mê cá tầm

04/01/2013 10:10 GMT+7

Mới 28 tuổi, nhưng kỹ sư Đinh Trọng Hải đã 5 năm ở núi rừng Đa Mi (Bình Thuận) làm bạn với con cá tầm.

Vượt khoảng 120 km, chúng tôi có mặt tại Hồ thủy điện Đa Mi, nơi giáp ranh giữa H.Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) và TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng). Khí hậu Đa Mi mát mẻ không khác gì Bảo Lộc. Đây chính là lý do để con cá tầm từ châu u đến sinh sống ở những hồ nước mát lạnh như thế này.

Gắn bó với vùng cao

Người đưa chúng tôi vào khu vực hồ nuôi cá tầm là kỹ sư Đinh Trọng Hải- Phó giám đốc phụ trách sản xuất của Công ty Tầm Long Đa Mi (thuộc Tập đoàn cá tầm Việt Nam). Với khuôn mặt thư sinh, ít ai nghĩ Hải đã 28 tuổi và từng có 5 năm liên tục gắn bó hồ nước mênh mông giữa triền núi quanh năm không một bóng người. Hải giới thiệu về con cá tầm: “Đó là loài cá cổ, da trơn quý hiếm chỉ có ở châu u và Mỹ. Gần đây xuất hiện ở Trung Quốc và Việt Nam. Việc lai tạo và đặc biệt là sản xuất trứng cá tầm có giá trị kinh tế cực kỳ lớn; nhưng cũng yêu cầu về kỹ thuật rất cao, không phải ai và ở đâu cũng làm được”. Theo Hải, triển vọng nuôi cá tầm ở Việt Nam hiện nay rất lớn và bước đầu đã có hiệu quả kinh tế rõ rệt. “Tất cả quy trình kỹ thuật, tụi em được các chuyên gia bay từ Nga sang hướng dẫn cặn kẽ”, Hải nói.

Kỹ sư trẻ đam mê cá tầm
Kỹ sư trẻ với cá tầm Đa Mi - Ảnh: Diệp Đức Minh

“Nghề nuôi cá tầm phải chấp nhận sống ở vùng xa xôi hẻo lánh anh ạ. Vì hầu hết các hồ nước thủy điện đều ở vùng núi, vùng xa trung tâm. Dù có thiệt thòi đôi chút, nhưng bù lại, tụi em được đam mê với những sáng kiến kỹ thuật. Được áp dụng kiến thức mình đã học vào công việc. Mặt khác, môi trường công tác tạo ra nhiều hứng thú để anh em công nhân phát huy tay nghề”, Hải tâm sự.

5.000 USD/kg trứng cá tầm

Hồ thủy điện Đa Mi có diện tích gần 700 ha, nhưng khu nuôi cá tầm chỉ sử dụng khoảng 50 ha mặt nước. Mỗi lồng cá tầm được thiết kế rộng khoảng 50m2 và có độ sâu chừng 5m. Với độ lạnh của hồ Đa Mi chỉ nuôi được cá thương phẩm và phát triển cá mẹ để đem lên Đà Lạt sản xuất trứng.

Để đảm bảo về môi trường nước, mỗi lồng cá ở Đa Mi nuôi khoảng 500 con. Cá lớn dần được tách ra từng lồng. Theo kỹ sư Hải, trung bình một năm con cá tầm thương phẩm có thể cho từ 3-5kg/con. Hiện nay, mỗi tháng Công ty Tầm Long Đa Mi xuất khoảng 10 tấn cá với giá trung bình là 350.000 đồng/kg.Thị trường chủ yếu là các khách sạn trong nước nhằm phục vụ cho khách du lịch người nước ngoài. Khi cá lớn (khoảng 3-4 tuổi), phải siêu âm từng con để chọn cá cái, nhằm cung cấp cho hồ nuôi ở Đà Lạt sản xuất trứng. Hiện nay trứng cá tầm được xuất sang châu u với giá từ 3.500-5.000 USD/kg. “Phải dùng máy siêu âm cho người để siêu âm phân biệt cá đực và cá cái. Đây là việc cần tính kiên trì vì nó rất cầu kỳ”- Hải kể.

Kỹ sư trẻ đam mê cá tầm
Cá tầm mỏ vịt đang được nhân giống ở hồ Đa Mi - Ảnh: Diệp Đức Minh

Để phát triển cá tầm theo đúng quy trình và chất lượng của Châu u, hiện Tập đoàn cá tầm Việt Nam vẫn chưa chế biến được thức ăn trong nước. Toàn bộ thức ăn cho cá phải nhập từ Pháp. Theo kỹ sư Đinh Trọng Hải, hiện nay trong hồ nuôi Đa Mi có đến 10 giống cá tầm đang được bảo tồn và nhân giống nguồn gien. Ngoài những loài cá tầm phổ biến thì công ty đang bảo tồn một giống cá tầm cực kỳ quý hiếm và gần như sắp tuyệt chủng, đó là cá tầm mỏ vịt. Cá tầm mỏ vịt hiện nay chỉ có ở Mỹ và Việt Nam.

Sau thành công ở hồ Đa Mi, cá tầm đang được nhân rộng ở Đắk Lắk, Bắc Giang và Bình Định. Đầu năm 2013 này, công ty tiếp tục nuôi ở các hồ thủy điện Sơn La và Đồng Nai 3.

“Bình Thuận đã nối mạng thủy lợi nhờ sử dụng triệt để nguồn nước từ các hồ thuỷ điện. Việc Tập đoàn cá tầm Việt Nam nuôi thành công cá tầm ở hồ thủy điện Đa Mi là một tín hiệu đáng mừng cho ngành thủy sản nước ngọt. Chúng tôi nghĩ sự thành công ấy cần được nhân rộng ra các hồ thuỷ điện khác trong tỉnh. Hàng chục hồ thủy điện của Bình Thuận với diện tích hàng chục nghìn héc-ta là cơ hội lớn đang chờ các doanh nghiệp muốn phát triển loài cá quý hiếm này” - ông Huỳnh Thanh Cảnh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận.

Quế Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.