Lấy đam mê để “chế ngự” tiết trời

07/01/2013 10:31 GMT+7

Mặc thời tiết đỏng đảnh, nóng lạnh thất thường, nhưng bằng kinh nghiệm, niềm đam mê và tính cần cù, người nông dân ở làng hoa Phú Mậu (xã Phú Mậu, H.Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) đang tin tưởng vào mùa bội thu năm nay.

 

“Để có những cánh đồng hoa bội thu, không chỉ cần có kinh nghiệm mà phải có niềm đam mê thực sự. Chỉ có đam mê, tính tỉ mỉ mới chăm chút từng tí, nắm bắt kịp thời sự phát triển của hoa để điều chỉnh thời kì trổ hoa sao cho phù hợp” - ông Thống chia sẻ.

Chưa bao giờ, người nông dân Huế lại đối mặt với cảnh thời tiết kỳ lạ như năm 2012. Mùa đông nhưng nắng hạn. Ngay cả khi thời tiết có chuyển sang se lạnh, mưa phùn thì cũng chỉ được vài ngày rồi nắng lại vàng rực. Ông Dương Thống, Phó chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Phú Mậu 2 cho biết, để đối phó với thời tiết thất thường, HTX đã quán triệt cho xây dựng các nhà lưới để trồng hoa, ban đêm chong hàng ngàn bóng đèn sợi đốt ngay trên cánh đồng hoa để “ủ nhiệt”. Ngoài các điều kiện như phân, thuốc kích thích, nhiệt từ bóng đèn không chỉ giúp cho hoa nở sớm mà còn có thể “kìm nén” hoa nở muộn tuỳ theo ý định của người chăm sóc.

Ông Thống hào hứng đưa chúng tôi đến làng Tiên Nộn. Ở đó, ngoài phần lớn diện tích đất vườn trong nhà dân được tận dụng để trồng hoa còn có 30.000m2 trồng hoa tập trung của HTX, trong đó tập trung là giống hoa cúc các loại như vàng mai, sophia, pha lê, nút đỏ… Chỉ một luống hoa dưới đồng, ông Thống giải thích: “Trên cùng một luống hoa người dân phân ra một dòng để cung ứng cho thị trường vào dịp ngày rằm tháng Chạp tới, phần còn lại là thu hoạch vào những ngày cận tết. Bà con ở đây rất có kinh nghiệm khi “can” cho hoa nở đúng dịp”.

Lần đầu tiên có lan Mokara

Kể từ năm 2005 đến nay, sau khi tổ chức cho nông dân đi tham quan học tập một hình trồng hoa ở một số tỉnh, thành phố miền Bắc, Phú Mậu trở thành nơi sản xuất hoa chủ yếu của tỉnh Thừa Thiên – Huế. “Cả xã có 8 thôn nhưng đã có đến 7 thôn trồng hoa, riêng một thôn không trồng được là do đây là thôn tái định cư, không có quỹ đất” - Bí thư Đảng uỷ xã Phú Mậu Nguyễn Văn Giáo cho hay. Từ một địa phương nghèo, đất đai khô cằn, nay Phú Mậu đã trở thành vựa hoa của cả tỉnh với mức thu nhập trên 140 triệu đồng/ha. Toàn xã hiện có 13ha đất trồng hoa, với 560 hộ dân tham gia, trong đó tập trung nhiều nhất tại HTX nông nghiệp Phú Mậu 2.

Nhọc nhằn hoa tết
Ông Lê Văn Lự bên vườn hoa lan Mokara lần đầu tiên trồng thành công ở Huế - Ảnh: Gia Tân

Ngoài hoa cúc là giống chủ lực, được sự giúp đỡ của Viện Rau quả Trung ương, Phú Mậu đã tiến hành trồng thử nghiệm giống thược dược lùn và đã thành công như mong đợi. “Chí ít thì tết năm nay toàn HTX sẽ có 1.500 chậu với 4.500 cây thược dược lùn để bán. Ở Hà Nội giá mỗi chậu khoảng 150 ngàn đồng, nhưng chúng tôi mong bán dưới 100 ngàn đồng/chậu là đã có lãi lắm rồi”, ông Lê Văn Lự, 57 tuổi, 1 trong 3 nông dân được giao trồng hoa thược dược lùn thử nghiệm chia sẻ.

Vườn hoa của ông Lự ngoài 10.000 chậu hoa cúc các loại, 1.200 củ hoa ly, hoa chuông đỏ, thì đây cũng là nơi duy nhất tại Thừa Thiên - Huế xuất hiện loài lan Mokara. “Hay tin ở TP.HCM trồng thành công giống lan Mokara, HTX đã tổ chức đưa người vào tham quan, học tập. HTX đã mua từ huyện Củ Chi 500 cành và về giao tôi trồng thử. Qua hơn một năm có thể xem là đã thành công. Hiện chúng tôi chủ yếu là gầy giống, nhưng gần đây sau khi một số cây ra hoa chúng tôi cũng đã cắt cành bán và đã thu tiền 6.000 đồng/cành. Không bao lâu nữa Phú Mậu là nơi đầu tiên của Huế cung ứng cho thị trường miền Trung loài hoa lan quý này” – ông Lự cười tự tin.

>> Nhọc nhằn hoa tết: Hoa cười, người khóc
>> Nhọc nhằn hoa tết: Hồi hộp chờ thành quả

Gia Tân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.