Lộc rừng tháng chạp

24/01/2014 13:04 GMT+7

Khí trời vùng đông Gia Lai buốt giá những ngày cuối năm. Dẫu vậy, hàng trăm lượt người vẫn đổ vào các cánh rừng ẩm ướt hái lá dong bán cho thương lái.

 Lộc rừng tháng chạp
Lá dong ngược rừng xuống phố - Ảnh: Trần Hiếu

Mặc trời rét buốt, chị Hoàng Thị Hiền ở huyện K’bang (Gia Lai) vẫn cùng chồng lặn lội vào rừng cắt lá dong. Chỉ vào bốn bó lá dong to, chị nói đây là công sức của ba ngày lội rừng. Nếu được giá có thể bán được gần cả triệu đồng. Nhưng để tìm cắt và cõng được số lá dong này ra khỏi rừng quả là một hành trình vất vả và không ít nguy hiểm.

Thường thì những người đi hái lá dong tập trung thành nhóm khoảng 5-10 người, bỏ lại những chiếc xe máy cà tàng ven bìa rừng rồi đi bộ vào sâu trong những cánh rừng già. Nhiều người ví lắm lúc đi tìm lá dong như đi tìm… sâm bởi có khi đi cả hai tiếng đồng hồ mới gặp được một bãi lá dong. Những người bản địa ở khu vực này cũng tham gia vào hành trình tìm lá dong bán kiếm tiền sắm Tết. Và khi cắt được bó lá dong, họ phải vác ra tận bìa rừng. “Phải bấm chặt ngón chân xuống đất, đường trơn ngã chổng gọng là bình thường. Vác được bó lá đến nơi bỏ xe, mệt muốn đứt hơi” - Chị Hlêu, một người bản địa tìm lá dong kể.

Người dân nhiều bản làng xa vắng đổ vào tìm lộc rừng trong tháng chạp này. Ngặt nỗi, dong thường mọc men theo bờ suối, nơi ẩm ướt. Và đây cũng là “địa hạt” của những đàn vắt khát máu. Để lá dong đến với người dùng, thân mình những con người này phải dầm trong giá lạnh, bị vắt, côn trùng cắn. Lá dong đưa về phố phải không rách, không héo. Và đây cũng là kinh nghiệm của những người cắt lá dong nhiều năm.

Đến độ này, nhiều thương lái đã chờ sẵn ở cửa rừng đón người cắt dong về. Theo các thương lái lẫn dân đi cắt lá dong thì lá dong vùng này xanh mởn, dày, khi gói bánh sẽ xanh và thơm hơn. Thương lái cũng là những người chia lộc rừng với người đi cắt dong. Bình thường, họ lãi gần gấp rưỡi từ số lá dong mua được. Anh Bình, một thương lái cho biết để đem được số lá dong này đến tay người tiêu dùng là một hành trình gian nan.

Lá dong ở khu vực này được vận chuyển đến các chợ đầu mối ở khu vực Tây nguyên và dọc dải miền Trung. Cuộc mưu sinh những ngày cận Tết đối với những con người trần lưng một nắng hai sương thật vất vả. Bù lại, họ được tưởng thưởng với những ngày Tết đầy đủ hơn.

Mưa rừng cuối năm vẫn đang rả rích. Trên con đường trơn nhẫy, những con người như chị Bình, Hlêu…và hàng trăm lượt người khác vẫn vất vả tìm lộc rừng.

Trần Hiếu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.