Lớp học của bà nội, bà ngoại

05/01/2015 10:29 GMT+7

Đều đặn tuần 3 buổi, căn nhà chị Nguyễn Thị Tho (tổ 2, P.Hương Hồ, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) lại nghe tiếng ê a đọc bài của các chị, các mẹ.

Đều đặn tuần 3 buổi, căn nhà chị Nguyễn Thị Tho (tổ 2, P.Hương Hồ, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) lại nghe tiếng ê a đọc bài của các chị, các mẹ.

Đều đặn các tối thứ ba, năm, bảy, các chị lại đến lớp để học chữ
Đều đặn các tối thứ ba, năm, bảy, các chị lại đến lớp để học chữ - Ảnh: Tuyết Khoa
Lớp học đặc biệt ấy là lớp xóa mù cho chị em phụ nữ ở khu tái định cư do thầy Nguyễn Văn Trai, giáo viên thuộc Trung tâm giáo dục thường xuyên thị xã Hương Trà, giảng dạy. Cư dân của khu tái định cư đều là những dân vạn đò, được tái định cư năm 2008. Cuộc sống lênh đênh trên sông nước, con chữ là điều xa vời. Mỗi khi làm các thủ tục hành chính chỉ biết lăn tay điểm chỉ. Vì thế, dù đã ở tuổi bà nội, bà ngoại nhưng các chị vẫn cắp sách đến lớp.
Chị Huỳnh Thị Luyện, 56 tuổi cũng là lớp trưởng, chia sẻ: “Ngày xưa ở trên đò, cực khổ, ăn còn chưa có thì ai mơ chi học hành. Dân lao động như chúng tôi mấy ai biết chữ. Đi làm giấy tờ thì chỉ biết lăn tay. Thấy dòng chữ gì muốn biết đều hỏi quanh. Thế nên chừ có lớp thì phải đi học cho biết…”.
Lớp gồm 20 người có độ tuổi từ 32-56. Dù trời mưa lạnh, rét buốt nhưng 7 giờ tối các ngày ba, năm, bảy là các chị vẫn đều đặn đi học. Lớp mở từ đầu tháng 9.2014 nhưng nhiều chị đã biết viết, biết đọc những từ đơn giản. Chị Đỗ Thị Trang, 32 tuổi là học viên nhỏ nhất lớp, cho biết: “Ban đầu, tôi ngại không đến đây học vì xấu hổ. Con tôi năm nay cũng học lớp 1. Vậy là hai mẹ con học cùng một lớp. Còn trẻ mà không biết chữ rất bất tiện. Tôi cứ nghĩ cả đời mình chắc không học được con chữ vì thấy khó lắm nên mấy buổi đầu tôi không đi. Sau thấy mấy chị đi học về viết được tên mình, tôi cũng đi theo học. Giờ tôi đã biết viết tên học đầy đủ của tôi rồi…”.
Lớp học là phòng khách của nhà chị Tho, chi hội trưởng phụ nữ tổ 2. Chị Thọ cho biết chị em ở đây ai cũng muốn biết con chữ nhưng phần vì xấu hổ, phần vì công việc bận rộn nên ban đầu ai cũng ngại đến lớp. Thầy Trai cùng mấy chị em trong hội phụ nữ phải đến từng nhà vận động chị em đi học cho biết con chữ. Thầy Trai cho biết: “Thực sự tôi rất bất ngờ với lớp xóa mù chữ của mấy chị em ở đây. Khi đi vận động đi học thì không ai chịu đi. Thế nhưng sau mấy buổi học thì rất chăm chỉ, nghiêm túc. Tất nhiên, vì mấy chị đã lớn tuổi nên việc dạy phải từ từ và hướng dẫn thật đơn giản. Nhiều chị bày tới bày lui nhưng vẫn không thể cầm bút viết, một chữ cũng không biết. Nhưng nay cũng đã viết và đọc những từ đơn giản. Như vậy là quá tiến bộ. Bản thân tôi đứng lớp cũng thêm hào hứng và động lực…”.
Điều khác biệt là lớp học đặc biệt này luôn đầy ắp tiếng cười, không khí vui vẻ khiến các chị thêm phần thoải mái, không còn ngại đến lớp. Chị Nguyễn Thị Xuân, 39 tuổi, một trong những học viên ban đầu không biết chữ nào nhưng tiến bộ nhanh, rụt rè khoe: “Biết mặt chữ rồi ai cũng vui. Bữa nay đi làm giấy tờ gì là có thể tự ký tên mình. Với lại, ở đây chị em ai cũng thích hát karaoke lắm nhưng không biết chữ nên chịu. Học lớp này xong là có thể hát karaoke rồi…”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.