Mái nhà chung cho người bất hạnh

18/08/2014 09:50 GMT+7

Từ nhiều năm nay, các cán bộ, nhân viên ở Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Kiên Giang (xã Mong Thọ, H.Châu Thành) đã xem đây như ngôi nhà thứ hai của mình.

 Mái nhà chung cho người bất hạnh
Người già tại trung tâm

Ông Lê Minh Luân, Giám đốc Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Kiên Giang, cho biết trung tâm đang nuôi dưỡng nhiều đối tượng bao gồm: 63 trẻ em, 44 người già, 47 người mắc bệnh tâm thần. Trẻ em được chia thành 6 nhóm đối tượng, trong đó khó chăm sóc nhất là trẻ bị bỏ rơi khi mới vài tháng tuổi hay trẻ bị khuyết tật, bại não. Còn người già, đặc biệt là người bị bại liệt cũng rất khó khăn trong việc nuôi dưỡng. Riêng các đối tượng tâm thần qua điều trị đã dần ổn định, phần lớn đã biết tự lo cho bản thân. Vì thế, trong tổng số 69 biên chế tại trung tâm thì có đến 27 bác sĩ - y tá để có thể chăm sóc chu đáo cho từng đối tượng.

Đi một vòng quanh khu nuôi dưỡng trẻ em, chúng tôi mới thấy hết những khó khăn của những người “làm mẹ”. Chị Huỳnh Thị Hoa đang cùng lúc chăm sóc cho 7 đứa trẻ mới vài tháng tuổi nằm trong nôi. Chị Hoa cho biết nhà chị ở xã Vĩnh Thạnh (H.Giồng Riềng), mới lấy chồng hơn 4 tháng nhưng đã “làm mẹ” cả năm rồi. Sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng Y tế Cần Thơ, chị được nhận vào làm việc tại trung tâm. “Lúc mới vào đây, mọi thứ đều xa lạ với mình. Việc chăm sóc sức khỏe đã được học nhưng còn cho trẻ uống sữa, ăn, ru ngủ… thì thua. Thú thật, mấy tháng đầu tưởng chừng như không thể vượt qua nhưng về sau thì bắt đầu “bén duyên” rồi mê luôn nghề nuôi trẻ”, chị Hoa chia sẻ.

Đến khu vực dành cho người mắc bệnh tâm thần, chị Kim, cán bộ Phòng Tổ chức hành chính của trung tâm, cho biết: “Do hiện nay, khu dành riêng cho đối tượng này chưa được nới rộng nên mỗi ngày, khi cho bệnh nhân nam ra ngoài vui chơi thì bệnh nhân nữ được giữ lại và ngược lại. Còn chuyện các đối tượng này quậy cũng thường xảy ra, nhưng được cái là khi có người “lên cơn” thì những người khác lại sợ và chạy trốn nên chưa gây ảnh hưởng gì lớn”.

Theo ông Luân, tất cả cán bộ, nhân viên ở đây lúc mới vào làm việc đều gặp những khó khăn nhất định như xa nhà, ít có thời gian tiếp xúc bên ngoài nhưng bù lại, mọi người được nhận sự chia sẻ rất lớn của cộng đồng. Sau một thời gian gắn bó, hầu hết mọi người đều xem nơi đây là ngôi nhà chung của mình nên không còn ngại khó khăn. “Trung tâm luôn cố gắng tạo điều kiện cho nhân viên khi bận việc gia đình hay đau ốm. Ngoài tiền lương và chế độ phụ cấp, chúng tôi cho nhân viên khi trực 1 ngày, nghỉ 1 ngày; trực 2 ngày cũng được nghỉ liên tiếp 2 ngày”, ông Luân nói.

Bài, ảnh: Hồng Cúc

>> Chuyển toàn bộ trẻ mồ côi tại chùa Bồ Đề vào trung tâm bảo trợ xã hội
>> Nâng cấp Trung tâm Bảo trợ xã hội Lâm Đồng
>> Thủ quỹ chiếm đoạt tiền bảo trợ xã hội
>> Tăng mức trợ cấp cho đối tượng bảo trợ xã hội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.