Mặt nạ tuồng Huế

20/03/2015 09:16 GMT+7

Không chỉ đứng đầu về việc vẽ mặt nạ tuồng, nghệ nhân La Thanh Hùng còn là người biết chi tiết từng nét vẽ trên mặt nạ hàng trăm nhân vật của các vở diễn tuồng Huế.

Không chỉ đứng đầu về việc vẽ mặt nạ tuồng, nghệ nhân La Thanh Hùng còn là người biết chi tiết từng nét vẽ trên mặt nạ hàng trăm nhân vật của các vở diễn tuồng Huế.

Mặt nạ tuồng HuếNghệ nhân La Hùng vẻ mặt nạ tuồng cho diễn viên - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nghệ nhân La Thanh Hùng là một đạo diễn, diễn viên tuồng tài năng với các vai diễn, tác phẩm được công chúng biết đến và đoạt giải cao trong các cuộc thi. Song ít ai biết được, nghệ nhân còn là bậc thầy về việc vẽ mặt nạ tuồng cho diễn viên.
Ông Hoàng Trọng Cương, Phó giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế cho biết: “Nghệ nhân La Hùng xuất thân trong gia đình có truyền thống, được đào tạo bài bản lại có năng khiếu bẩm sinh về nghệ thuật. Đặc biệt, nghệ nhân hiểu khá rõ về mặt nạ tuồng Huế, nhất là những nhân vật trong những vở tuồng cổ. Điều mà rất hiếm người biết. Nghệ nhân không chỉ vẽ cho mình khi diễn còn tham gia vẽ cho nhiều diễn viên khác với những nét vẻ sắc sảo. Ngoài ra còn tham gia khôi phục mặt nạ tuồng, góp phần gìn giữ loại hình nghệ thuật độc đáo này”.
Nghệ nhân La Thanh Hùng sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, 8 tuổi đã tham gia diễn xuất trong các vở tuồng khi tham gia lớp Đồng Ấu để học tuồng và múa hát cung đình. 23 tuổi, ông đã làm Trưởng đoàn tuồng Thanh Bình. Sau đó, tiếp tục ra Hà Nội học đạo diễn sân khấu. Vừa học đạo diễn nhưng nghệ sĩ vẫn tham gia biểu diễn cùng với các nghệ sĩ tuồng và múa hát cung đình ở Đoàn Nghệ thuật truyền thống Huế.
Năm 1993, với vai diễn Châu Xương, nghệ sĩ được trao Huy chương vàng trong Hội diễn các trích đoạn tuồng - chèo hay tổ chức tại TP.Huế. Năm 1995, trong đợt Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, nghệ sĩ tiếp tục giành được Huy chương bạc khi hóa thân vào vai hề Xíu trong vở tuồng Đặng Huy Trứ.
Không chỉ là một diễn viên, đạo diễn, nghệ sĩ còn tham gia giảng dạy tuồng và múa hát cung đình tại Trường trung học Văn hóa nghệ thuật Thừa Thiên-Huế. Tại đây, nghệ sĩ đã biên soạn thành công giáo trình đào tạo giảng dạy tuồng và múa hát cung đình đầu tiên của Huế.
Gần đây, vở tuồng Nỗi niềm đấng quân vương đã được trao Huy chương bạc (không có Huy chương vàng) trong Hội diễn sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc tổ chức tại Bình Định. Năm 2013, nghệ nhân tham gia hợp tác khôi phục 150 mặt nạ tuồng Huế để ứng dụng vào các vở tuồng Huế, làm chuẩn để các nghệ sĩ tuồng vẽ.
“Mặt nạ tuồng có những quy định, chuẩn mực và nguyên tắc riêng. Diễn viên tuồng ngoài múa, hát thì còn phải biết vẽ mặt nạ. Song, vẽ một mặt nạ sao cho đẹp cho đúng không đơn giản. Việc gắn bó với loại hình nghệ thuật này đã giúp tôi rất nhiều trong việc vẽ mặt nạ. Là một diễn viên tuồng nên tôi rất thích tự vẽ những đường nét trên mặt mình để sao nổi bật tính cách nhân vật mà mình thể hiện. Ngoài cha tôi thì nghệ nhân Viêm Bờ và các nghệ nhân khác vốn là diễn viên cung đình dưới triều Nguyễn đã dìu dắt và truyền lửa nghề cho tôi”, nghệ nhân La Thanh Hùng nói.
Nghệ nhân cho biết thêm, mỗi mặt nạ một tính cách. Mỗi mặt nạ tự nó toát lên tính cách như trung hiếu, nhân ái, tinh thần dũng cảm, gian manh xu nịnh hay hiểm ác. Mỗi tông màu gắn với từng mô típ nhân vật cụ thể. Chẳng hạn, mặt đen thường đại diện cho sự rắn chắc. Mặt trắng thường vẽ sự bạc bẽo. Mặt mốc dành cho kẻ xu nịnh, phản trắc. Mặt rằn kẻ tướng mạo xấu xí, tính tình nóng nảy… Mặt nạ tuồng như là một tuyệt tác mỹ thuật được các nghệ sĩ cung đình từ xưa sáng tạo dựa trên từng hình tượng của nhân vật sân khấu. Chiếc mặt nạ là đạo cụ sân khấu quan trọng bậc nhất của loại hình nghệ thuật này…
“Việc vẽ mặt nạ này mình phải tự nhớ, tự học từ lựa chọn màu sắc đến thứ tự, chi tiết các bước. Mỗi vai diễn mình phải tự bắt chước các nghệ sĩ trước để vẽ cho đúng chứ không có tài liệu, sách vở nào cả. Mỗi miền sẽ có một cách vẽ khác nhau. Mỗi nhân vật cũng thế. Nét vẽ mặt nạ tuồng Huế thường sắc sảo, nhỏ gọn thì mới đẹp. 51 năm gắn bó với hàng trăm vở diễn vai diễn, tôi luôn tự mình vẽ mặt nạ cho mình. Chính niềm say mê với sân khấu tuồng đã khiến đôi tay tôi khéo léo hơn…”, nghệ nhân La Thanh Hùng chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.