Mở không gian cho nghệ thuật Tuồng

19/06/2015 09:42 GMT+7

'Chỉ với năm, sáu mươi mét vuông đất ở chùa Cầu (TP.Hội An) mà bài chòi đã đi khắp thế giới. Thế nhưng ở Đà Nẵng có cầu Rồng rộng rãi mà lại không biết tận dụng', NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh trăn trở.

“Chỉ với năm, sáu mươi mét vuông đất ở chùa Cầu (TP.Hội An) mà bài chòi đã đi khắp thế giới. Thế nhưng, ở Đà Nẵng có cầu Rồng rộng rãi mà lại không biết tận dụng”, NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh trăn trở.

  Biểu diễn nghệ thuật Tuồng Biểu diễn nghệ thuật Tuồng  - Ảnh: Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cung cấp

Từ suy nghĩ đến hành động

“Tháng 2.2014, cuộc họp gặp mặt các văn nghệ sĩ đầu năm bàn vấn đề làm sao thúc đẩy phát triển văn hóa thành phố. Du lịch về đêm là nhu cầu cần thiết tại một thành phố năng động nhưng Đà Nẵng vần còn yếu về mặt này. Lãnh đạo thành phố cũng như lãnh đạo Sở VH-TT-DL đã bàn nhiều cách để tăng cường hoạt động về đêm, trong đó có mở không gian hoạt động cho nghệ thuật Tuồng”, ông Tuấn chia sẻ về ý tưởng đưa hát Tuồng đến công chúng.

Tại Đà Nẵng, nghệ thuật Tuồng vốn được bảo tồn và phát huy rất tốt, nhưng làm sao để nó tiếp cận được rộng rãi với công chúng lại là một vấn đề khác. Theo ông, một không gian mở cho nghệ thuật Tuồng là thực sự cần thiết, nhằm lôi kéo khán giả đồng thời để lưu giữ bộ môn nghệ thuật qua nhiều thế hệ.

Theo kế hoạch, bắt đầu từ ngày 5.7, chương trình biểu diễn nghệ thuật Tuồng của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh diễn ra từ 19 - 20 giờ 45 chủ nhật hằng tuần tại phía đông cầu Rồng. Chương trình dự kiến gồm 2 phần: Phần 1 biểu diễn nghệ thuật vẽ mặt nạ Tuồng (vẽ và bán sản phẩm tại chỗ), cho thuê phục trang và tổ chức chụp ảnh cho du khách có thu phí; Phần 2 là chương trình biểu diễn trên sân khấu (hát Tuồng, nhã nhạc cung đình, dân ca VN và quốc tế).

Để thực hiện ý tưởng trên, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã tham gia các chương trình nghệ thuật tổ chức biểu diễn hằng đêm. Ban đầu, có sự tham gia của cả đơn vị nhà nước lẫn tư nhân như: Vũ đoàn Minh Nhật, Vũ đoàn của Hội múa VN, Nhà hát Trung ương... Nhưng, sau quá trình hoạt động thì chỉ còn lại Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.

Đưa Tuồng xuống phố

Làm sao để người dân và du khách có thể thuận tiện vừa thưởng thức Tuồng vừa có thể đi dạo trên các con đường ở Đà Nẵng là câu hỏi thường trực đặt ra cho lãnh đạo nhà hát; rồi còn chợ đêm, ẩm thực, xem rồng phun lửa trên cầu Rồng... nhằm bổ sung thêm các loại hình giải trí vào đêm tại TP.Đà Nẵng. Đây không phải là ý tưởng mới vì ở Nha Trang đã có những buổi biểu diễn Tuồng ngoài trời.

Nhưng theo ông Trần Ngọc Tuấn, buổi diễn Tuồng ở Đà Nẵng sẽ được nâng cấp hơn vì những thao tác chuẩn bị, vẽ mặt nạ cho diễn viên, dàn dựng sân khấu đều trong một không gian mở. Mọi người đều có thể quan sát để hiểu thêm về công việc của các nghệ sĩ Tuồng. Việc này không chỉ cho thấy sự chuyên nghiệp trong biểu diễn mà còn khơi gợi sự thích thú, tò mò của những du khách chưa biết nhiều về nghệ thuật Tuồng, đặc biệt là du khách nước ngoài.

Ông nhận định kế hoạch mà nhà hát đã chuẩn bị chắc chắn sẽ tạo được hiệu ứng nhất định. Việc đưa nghệ thuật Tuồng xuống phố hứa hẹn sẽ thổi một làn gió mát vào đời sống văn hóa của người dân Đà Nẵng với nhiều mới mẻ và bất ngờ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.