Nghệ nhân chạm tranh đồng truyền thống

15/11/2013 09:54 GMT+7

Ở Bình Dương, nghề chạm tranh đồng truyền thống hiện tại rất hiếm người làm vì thị trường tiêu thụ thể loại tranh chạm đồng này rất kén người chơi.

 Tranh đồng Mã đáo thành công
Anh Nhàn đang chạm bức Mã đáo thành công - Ảnh: H.A

Anh Nguyễn Minh Nhàn (40 tuổi, ngụ ấp Chánh Lộc, xã Chánh Mỹ, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương), được mọi người biết đến không chỉ bởi những bức tranh đồng do chính anh làm ra, mà còn là người “say” nghề chạm đồng truyền thống. Hiện tại, anh đang cố gắng giữ nghề chạm đồng truyền thống tại Bình Dương -  một nghề mà không còn mấy người theo đuổi trong thời buổi có nhiều thể loại tranh hiện đại như hiện nay.

Duyên nghề

Năm 1989, anh Nhàn bắt đầu học kỹ thuật chạm bạc và làm cho một công ty vàng bạc tại TP.HCM. Trong những lần đi vào các tiệm trưng bày tranh đồng, anh Nhàn phát hiện ra hầu hết các bức tranh đều chạm theo họa tiết của tranh Đồng Xâm. Từ đây, anh Nhàn đã nuôi ước mơ được chính tay mình chạm ra những bức tranh theo họa tiết của riêng anh. Năm 2004 anh Nhàn quay về Bình Dương và bắt đầu mày mò thực hiện chạm tranh đồng.

 

“Năm 2012, trong đợt bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu bộ sản phẩm tranh đồng Long – Lân -  Quy – Phụng của anh Nhàn được bình chọn là một trong 12 sản phẩm tiêu biểu của tỉnh và nằm trong tốp 6 các tác phẩm tiêu biểu của khu vực phía Nam”

Nhớ lại sản phẩm đầu tay anh Nhàn nói: “Sản phẩm đầu tiên của tôi là bộ tranh đồng “Mai - Lan - Cúc - Trúc” tôi mất hơn 1 tháng mới làm xong nhưng bán được với giá cao cho một tiệm tranh đồng tại TP.HCM . Từ đây, tôi có động lực làm nghề này nhiều hơn”.

Theo anh Nhàn, để biến một miếng đồng thô thành bức tranh tinh tế thì người chạm tranh ngoài sự kiên trì, tỉ mỉ thì cần yêu nghề mới tạo ra họa tiết để mang đến cái hồn cho sản phẩm. Để có một bức tranh chạm đồng, việc đầu tiên người thợ cần làm là nấu xi và cắt tấm đồng theo kích thước bức tranh. Kế đến là cố định tấm đồng bằng xi nhờ sức nóng của đèn khò, rồi tạo hình bức tranh ở cả hai mặt phải và trái sao cho hình ảnh bức tranh nổi lên, rõ nét. Đây là công đoạn khó nhất và đòi hỏi sự sáng tạo rất cao. Để làm tranh giả cổ, người thợ cần xăm nền, dùng đèn khò để xử lý nhiệt hay đánh bóng nhằm tạo độ sáng, tối cho bức tranh. Khi đã hoàn chỉnh việc chạm trên tấm đồng thì sản phẩm được cho vào khung. Một bức tranh chạm đồng đã hoàn thiện.

Yêu nghề nhưng khó giữ nghề

Theo anh Nhàn, để làm ra một bộ tranh đồng đơn giản như: Mã đáo thành công, Long - Lân - Quy - Phụng, Mai - Lan - Cúc - Trúc…người thợ phải mất gần một tháng mới thực hiện xong. Đối với những bộ sản phẩm có nhiều họa tiết tỉ mỉ, người thợ chạm tranh đồng phải mất từ 2 tháng mới hoàn thiện xong. Như vậy, tính trung bình một năm người thợ chạm tranh đồng chuyên tâm cũng chỉ tạo ra không quá 10 bộ sản phẩm. Giá thành một bộ sản phẩm từ 7 - 30 triệu đồng/bộ (giá một bộ sản phẩm phụ thuộc vào độ khó của họa tiết). Giá cả cao cộng với việc tranh đồng rất kén người thưởng lãm nên việc tiêu thụ sản phẩm này rất khó. “Sản phẩm tranh đồng của tôi phải gửi đi các phòng tranh tại TP. HCM để tiêu thụ chứ ở Bình Dương này hiếm có người thưởng lãm loại tranh này lắm”- anh Nhàn nói.

Anh Nhàn chia sẻ, việc tiêu thụ tranh đồng đã bị chậm lại, cuộc sống bị ảnh hưởng nên anh không thoải mái tinh thần để chuyên tâm làm công việc chạm tranh đồng nữa. “Tôi đã buông mũi chạm nhiều lần nhưng rồi lại không buông nổi. Nghe tiếng các vật dụng kim loại va vào nhau là lòng tôi lại nhớ nghề. Tôi muốn sống với nghề mà sao khó quá” anh Nhàn tâm sự.

Huy Anh

>> Khởi nghiệp từ tranh đồng
>> Dung dị làng tranh Đông Hồ
>> Đưa tranh Đông Hồ lên chất liệu đồng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.