Nghịch lý trên vùng nguyên liệu: Mất nghề làm đường thủ công

31/07/2015 10:38 GMT+7

Tại Quảng Nam, một nghịch lý nảy sinh khi nhiều loại cây trồng hoặc nghề truyền thống vốn dĩ có thế mạnh, được đưa vào tầm ngắm quy hoạch thành vùng nguyên liệu tập trung, nhưng sau đó lại sớm “rớt hạng”, thậm chí bị nông dân quay lưng...

Tại Quảng Nam, một nghịch lý nảy sinh khi nhiều loại cây trồng hoặc nghề truyền thống vốn dĩ có thế mạnh, được đưa vào tầm ngắm quy hoạch thành vùng nguyên liệu tập trung, nhưng sau đó lại sớm “rớt hạng”, thậm chí bị nông dân quay lưng...

Nghề làm đường thủ công mai một theo cây mía
Nghề làm đường thủ công mai một theo cây mía - Ảnh: Văn Hào
Tiếc nuối cây mía
Vùng nguyên liệu mía mà tỉnh Quảng Nam theo đuổi từ năm 1996 không chỉ làm “phá sản dây chuyền” phong trào mía đường sau khi Nhà máy đường Quảng Nam (tại H.Quế Sơn) đóng cửa hồi năm 2006. Nghiêm trọng hơn, thất bại của vùng nguyên liệu mía còn gián tiếp làm… mất luôn nghề sản xuất đường thủ công truyền thống. Ông Lê Muộn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, cho biết trước đó mỗi năm có đến 2.500 - 3.000ha mía được trồng ở vùng tây Thăng Bình, Quế Sơn… Vậy mà, kể từ khi tập trung quy hoạch vùng nguyên liệu mía, sau đó nhà máy đường “bể”, người dân bỏ luôn cây mía (do giá không cạnh tranh) để chuyển sang trồng loại cây khác.
Trong số 16 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh Quảng Nam đầu tư tổng cộng hơn 85 tỉ đồng để hỗ trợ phát triển gắn với du lịch giai đoạn 2015-2020, không thấy có tên nghề đường bát danh tiếng Bảo An (H.Điện Bàn), dù trước đó nhiều ý kiến đề xuất ngành du lịch địa phương sớm kết hợp để mở tour tham quan nghề làm đường bát thủ công. Làng nghề này phát xuất từ sớm, khoảng cuối thế kỷ 17 (theo tư liệu gia phả của họ Lương), được đề cập trong các bản tường trình của phương Tây cuối thế kỷ 19; thậm chí có tư liệu ghi nhận vua Minh Mạng từng cho đào sông Câu Nhí nối dài từ sông Thu Bồn ra Ðà Nẵng để hỗ trợ nghề buôn đường. Theo thời gian, nghề truyền thống mai một dần, nhưng cũng được “níu kéo” bởi các lò mía đường thủ công cho đến khi cây mía thực sự mất giá, bị nông dân quay lưng.
Không chỉ tiếc cho một nghề truyền thống, tỉnh Quảng Nam cũng đang “lãng phí” diện tích lớn vốn rất phù hợp với cây mía. Có đến 1.200ha đã chuyển đổi sang trồng lúa gieo (nhưng 2 năm gần đây vụ hè thu phải bỏ hoang vì không có mưa), và một ít dành để trồng sắn. Trong khi lẽ ra vùng này lại hợp với cây mía vì chịu hạn tốt, trồng tháng 12 đến tháng 3 năm sau đã có thể “ứng phó” với các kiểu thời tiết, lại đủ sức ứng phó với ngập úng nếu gặp địa hình trũng thấp. Chỉ cần đạt sản lượng 40 tấn/ha, cây mía cũng hiệu quả hơn nhiều so với loại lúa gieo vốn rất bấp bênh do phụ thuộc nước trời. “Bây giờ, nếu cây mía vẫn còn mạnh thì Quảng Nam khỏi phải lo chuyển đổi cây trồng ở vùng khó khăn về nước tưới, và chúng tôi có thêm cơ hội khi chuyển đổi đất lúa sang cây trồng cạn”, ông Lê Muộn tiếc rẻ.
Tuy nhiên, cho đến cuối tháng 7.2015, ngành nông nghiệp Quảng Nam vẫn chưa chính thức khuyến khích nông dân quay trở lại với cây mía, vì còn phải tổ chức khảo sát, điều tra luồng thị trường của sản phẩm đường thủ công (đường bát) ở Quảng Nam, Đà Nẵng và khu vực lân cận.
Sợ bị “lật kèo”
Trong số các giống cây trồng được xem là thế mạnh ở Quảng Nam, cây dứa cũng từng được quy hoạch rầm rộ (từ năm 2002) để cung ứng nguyên liệu cho các Nhà máy nước dứa cô đặc. Vùng nguyên liệu dứa tập trung phá sản, nhưng khác với mía, cây dứa vẫn không “chết” hẳn. Có thời điểm nhà máy dứa thiếu đến 75% nguyên liệu do cơ chế thu mua và cung ứng giống kém. Tuy nhiên, lỗi không hoàn toàn thuộc về doanh nghiệp. Tại Quảng Nam, khi doanh nghiệp chế biến muốn trồng giống dứa Cayen (vị hơi chua, phù hợp sở thích người tiêu dùng khi xuất khẩu sang thị trường châu Âu) thì nhiều người dân lại “kiên trì” trồng giống Victoria, bởi loại này có vị ngọt, dễ... bán lẻ.
Yếu tố sòng phẳng trong liên kết doanh nghiệp - nông dân cũng rút tỉa nhiều bài học với cây mía, sản xuất lúa giống. Trên thực tế, đã xảy ra nhiều vụ “lật kèo” khi nông dân không chịu bán đủ sản lượng lúa giống hay cung ứng đủ sản lượng rau VietGAP cho doanh nghiệp, gây vỡ hợp đồng cung ứng cho siêu thị; phía doanh nghiệp đôi khi cũng “giở quẻ” như đo lại chữ đường khi thu mua mía, không mua hết sản phẩm lúa F1... một cách thiếu minh bạch. Đầu năm 2015, một doanh nghiệp sữa đề xuất tỉnh Quảng Nam cho thuê đất đủ rộng để trồng bắp cung ứng thức ăn chăn nuôi bò sữa, do từng dính vụ “bẻ kèo” ở một tỉnh phía nam khi nông dân không chịu cung ứng thức ăn đúng hợp đồng, với mục đích... đòi nâng giá.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.