Ngư dân khóc ròng vì giã cào bay

07/10/2014 09:37 GMT+7

Đang chính vụ cá nam nhưng nhiều ngư dân đánh bắt gần bờ ở Bình Thuận không dám ra khơi bởi sự hoành hoành của giã cào bay.

Ngư dân khóc ròng vì giã cào bay
Giã cào bay đánh bắt kiểu tận diệt ở Phan Thiết

Đánh bắt kiểu cướp cạn

Thời gian gần đây, có khoảng 50 cặp giã cào bay đồng loạt tấn công vào vùng biển gần bờ từ  H.Tuy Phong đến TX.La Gi (Bình thuận). Giã cào bay tập trung càn quét nhiều nhất ở vùng biển Phan Thiết khiến ngư dân đánh bắt gần bờ vô cùng bức xúc. Vì lợi nhuận, giã cào bay đã vi phạm tuyến đánh bắt, tiến sâu vào bờ chỉ từ  2 - 3 hải lý để càn quét, hốt hết hải sản vùng tuyến lộng, tuyến bờ, gây hư hỏng, mất mát ngư lưới cụ của ngư dân.

Chỉ vào hàng loạt ghe thuyền đang nằm bờ ở khu vực bãi sau P.Mũi Né, (TP.Phan Thiết), ông Nguyễn Văn Tân, một ngư dân bức xúc: “Chúng tôi chỉ tranh thủ kiếm được chút ít trong vụ cá nam, chứ vài ngày nữa chuyển sang mùa bấc rồi thì cả gia đình chẳng biết lấy gì mà sống. Nhưng vừa thả lưới, rập đằng trước thì đằng sau giã cào bay đã đi càn “nuốt” hết ngư lưới cụ, giờ chỉ biết cho thuyền nằm bờ”.

Nhiều ngư dân dành dụm cả chục năm trời mới mua sắm được ít ngư lưới cụ, bóng, rập khoảng để mong cuộc sống đỡ vất vả hơn. Nhưng chỉ trong vài tiếng đồng hồ, toàn bộ lưới, thúng của họ đều bị giã cào bay “nuốt” đi hết. Không những thế, giã cào bay còn đánh bắt theo kiểu tận diệt. Tất cả cá, tôm, mực lớn bé, sinh vật đáy, giáp xác, rạn san hô, … nằm trong gọng kìm của cặp giã cào đều bị cào xúc đến tận đáy không bỏ sót một thứ gì.

Ông Ngô Nhiệm (65 tuổi, ngụ KP.5, P.Mũi Né) bàng hoàng kể: “Tối hôm trước, tôi chong đèn dụ mực tới câu được khoảng 1 tiếng thì giã cao bay ầm ầm lao tới. Ỷ thế thuyền lớn nên chúng kéo lưới đi qua hốt hết đàn cá, mực mình vừa dụ được. Nhiều hôm chạy không kịp còn bị thuyền của chúng tung cho bể cả hông ghe”.

Ông Trần Văn Thọ, trưởng khu phố 1, P.Mũi Né cho hay khu phố có tới 70% ngư dân làm nghề thúng chai, thuyền lưới rê, rập, chuyên đánh bắt gần bờ. Thế nhưng thời điểm gần đây giã cao bay vào tận trong bờ để hoạt động khiến ngư dân bị thiệt hại rất nhiều.

Khó xử lý

Hiện toàn tỉnh Bình Thuận có 85 /170 tàu hành nghề giã cào bay. Những tàu này đều có công suất từ 168 - 950 CV. Từ đầu năm 2014 đến nay đã phát sinh mới 8 chiếc và có xu hướng phát triển nhiều hơn về số lượng.

Đại diện Đồn Biên phòng Mũi Né cho biết Bộ đội Biên phòng chỉ có thể kiểm tra về giấy tờ, và xử phạt thủ tục hành chính. “Việc mất ngư lưới cụ thuộc về tranh chấp dân sự. Nếu các bên vẫn không tự thỏa thuận được thì sẽ hướng dẫn người dân làm thủ tục khởi kiện”, vị này cho hay.

Trước vấn nạn giã cào bay hoành hoành gần bờ, ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản Bình Thuận cho biết nghề giã cào bay là một nghề đánh bắt tiên tiến ở trên thế giới. Nhưng khi về đến Việt Nam thì bị ngư dân cải tiến theo hướng tiêu cực, đánh bắt theo kiểu “cào sạch” hủy hoại môi trường. “Thường theo quy định thì giã cào bay đánh bắt cách bờ ít nhất là 15 hải lý, nhưng hiện nay có tới 90% thuyền giã cào bay hoạt động sai tuyến”, ông Huy cho biết.

Từ đầu năm 2014, Chi cục quản lý thủy sản Bình Thuận đã xử phạt 22 trường hợp giã cao bay vi phạm hoạt động đánh bắt, thu phạt hơn 1 tỉ đồng. Theo ông Huy, để xử phạt được vi phạm của giã cào bay thì phải bắt được tại hiện trường. Nhưng đánh bắt của giã cào bay là chớp nhoáng, chỉ trong vòng 1 đến 2 tiếng là xong một mẻ lưới. Chỉ cần phát hiện có thanh tra thủy sản là họ thu lưới lên nên không xử lý được.

Bài, ảnh: Tiểu Thiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.