Người 'gieo' giao hưởng cho Hà Nội

15/08/2015 09:07 GMT+7

'Lần đầu tiên gặp, tôi thấy Hà Nội giống bức tranh ấn tượng này', ông T Honna vừa nói vừa chỉ vào bức tranh Van Gogh vẽ quán cà phê ở Arles (Pháp).

“Lần đầu tiên gặp, tôi thấy Hà Nội giống bức tranh ấn tượng này”, ông T Honna vừa nói vừa chỉ vào bức tranh Van Gogh vẽ quán cà phê ở Arles (Pháp).

Người “gieo” giao hưởng cho Hà Nội
Ông T Honna, người “gieo” giao hưởng cho Hà Nội - Ảnh: Trinh Nguyễn
Những cửa hiệu nhỏ, thấp tầng san sát. Những ban công nhỏ uốn cong. Lòng đường lăn tăn sáng. Cây cột điện hoa sắt đẹp cổ kính. Phố của Vicent Van Gogh là thế. Hà Nội phố mà nhạc trưởng Honna Tetsuji hằng gìn giữ trong tâm trí là vậy. Mới đó mà ông tới đây cũng đã 15 năm rồi!
Một dự án mà ông Honna Tetsuji được mời tham gia là Liên hoan âm nhạc Việt - Mỹ, sẽ diễn ra từ 19 - 22.8 tại Phòng hòa nhạc lớn Nhạc viện Hà Nội, 77 Hào Nam, Q.Đống Đa. Liên hoan sẽ giới thiệu hai chủ đề âm nhạc là Baroque và lãng mạn. Nhóm nghệ sĩ biểu diễn gồm các nghệ sĩ Mỹ, Đức. Các nghệ sĩ VN cũng sẽ tham dự, trong đó có khách mời violinist Bùi Công Duy. Các tác phẩm khí nhạc do nghệ sĩ VN sáng tác cũng sẽ được biểu diễn bên cạnh các kiệt tác âm nhạc thế giới. Muốn mở rộng đối tượng khán giả yêu thích nhạc hàn lâm, liên hoan có mức giá 200 nghìn đến 500 nghìn đồng cho toàn bộ các sự kiện.
Trước khi tới Hà Nội, Tet (tên thân mật bạn bè vẫn gọi ông Honna Tetsuji) đâu lạ lẫm gì với những chuyến đi xa. Nhưng tới khi gặp nghệ sĩ Ngô Hoàng Quân, Dàn nhạc giao hưởng quốc gia, ông bén duyên với Hà Nội, để cái duyên, cái số ấy cứ đeo đẳng nhạc trưởng người Nhật này mãi đến tận bây giờ.
“Tôi thích nhạc giao hưởng và hội họa. Nhưng giờ đây, công việc ở Hà Nội nhiều đến mức tôi không còn thời gian nghĩ đến việc vẽ nữa”, ông tâm sự. Nếu như những năm trước, ông còn đi đi về về thì 5 năm nay, ông gần như ở hẳn Hà Nội. Từ căn hộ thuê, ông đều đặn đi bộ đến Dàn nhạc giao hưởng quốc gia, cùng mọi người luyện tập. Những buổi tập mà mọi người nói với nhau tùy hứng bằng cả ba thứ tiếng: tiếng Anh, tiếng Việt và tiếng Nhật. Hội họa, với ông giờ chỉ còn là ngắm nghía tranh của những người bạn họa sĩ VN mà thôi. Bù lại, âm nhạc mà ông gieo vào dàn nhạc giữa lòng Hà Nội này cứ lớn dần, lớn dần thêm. Một giao hưởng khác, mỗi lúc một chuyên nghiệp hơn, cho các nhạc công. Giao hưởng nuột hơn cho người nghe. Và cả nhạc giao hưởng cho trẻ em nữa. Trong buổi hòa nhạc của Yamaha, lũ trẻ 5 - 10 tuổi, vui phát điên lên khi được chính ông trao tận tay cây đũa chỉ huy. Rồi dàn nhạc ê a ề à như người già khề khà rượu khi các em không thể chỉ huy dứt khoát. Cũng dàn nhạc ấy tấu lên thứ nhạc gấp gáp như thể ma đuổi khi các em vung đũa quá nhanh. Khán giả Hà Nội giờ đã quen hơn với ông, qua không biết bao nhiêu buổi hòa nhạc ở thủ đô.
“Tôi thấy từng nhạc công trong dàn nhạc ngày một giỏi hơn. Họ cũng chơi hòa đồng, làm việc nhóm tốt hơn. Vốn văn hóa của họ rộng hơn. Cho dù lương của họ không thể nói là cao, nhưng họ vẫn tiếp tục sống và chơi nhạc. Có điều gì thật đặc biệt trong âm nhạc của họ”, ông nói. Thay đổi đó đến thật chậm rãi, trong suốt 15 năm qua. Điều đặc biệt đó, theo ông chính là khả năng cảm thụ âm nhạc của các nghệ sĩ - thứ giác quan thứ 6 vô cùng tinh nhạy. Giác quan ấy, ở nhiều nơi, do cuộc sống gấp gáp đã biến mất. Còn ở Hà Nội, nó vẫn còn.
Nếu như dàn nhạc đã thay đổi chậm rãi, thì khán giả cũng vậy. Tet đã chứng kiến cách khán giả Hà Nội trưởng thành dần dần ra sao. “Tôi rất hay gặp khán giả. Hàng xóm của tôi cũng là khán giả của tôi”, ông vui vẻ kể. Những người hàng xóm đó hỏi han ông khi gặp nhau ở cầu thang, ngoài hành lang thật nhiệt thành.
Hơn thế, ông còn có một nhóm khán giả “ruột”, đến mức, họ cùng ông và anh em trong dàn nhạc đi nhậu sau mỗi đêm nhạc giao hưởng. Cũng “dô dô” như ai sau mỗi lần chạm chén. Hòa vào bạn bè, Tet đã bắt nhịp văn hóa ở đây thật êm. Mà dễ hòa đồng nhất, với Tet, chính là ẩm thực.
“Hồi về Nhật, tôi còn dạy mọi người ăn sashimi theo đúng kiểu ở Hà Nội. Tức là lấy rau tía tô quấn cá hồi rồi chấm với magi và mù tạt. Ai cũng khen ngon”, vị nhạc trưởng vui vẻ. Nhưng ông còn mê cả mắm tôm, cà pháo, nước mắm nữa. Và nhất là ông cực mê phở Hà Nội, mê hơn cả là phở gà Lê Văn Hưu. Cuộc sống của ông trong lòng Hà Nội giờ đã quen, đã thân như ở chính nước Nhật vậy.
“Chúng tôi cùng nhau thay đổi âm nhạc, cuộc sống. Từng tí, từng tí một. Nhưng điều quan trọng hơn là thay đổi thói quen hưởng thụ nhạc giao hưởng ở đây. Tôi không muốn mọi người đi xem bằng vé tặng cho nữa. Nếu họ mua vé thì tốt hơn”, ông nói về dàn nhạc giao hưởng giữa thủ đô, nơi ông làm việc. Nếu không có gì thay đổi, ông sẽ còn ở đây rất lâu nữa. Bởi, Hà Nội, với nếp sống chậm rãi như trong tranh Vangogh như đã chảy trong người ông mất rồi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.