Người mê xe đạp cổ

25/09/2013 09:48 GMT+7

Hơn 30 năm qua, ông Lê Long Vuông (61 tuổi, ngụ ấp Hòa Trung, xã Sơn Hòa, H.Châu Thành, Bến Tre) vẫn đeo đuổi công việc sưu tầm xe đạp cổ. Bộ sưu tập gồm 31 chiếc xe đạp cổ, hầu hết được sản xuất thời Pháp thuộc của ông khiến người xem không khỏi ngạc nhiên, thán phục.

 Xe đạp cổ
Ông Vuông bên các xe đạp cổ - Ảnh: Giao Hòa

Từ chiếc xe kỷ niệm

Theo lời ông Vuông, năm 12 tuổi, ông bắt đầu đi học cấp hai ở TX.Bến Tre (nay là TP.Bến Tre). Thời đó, đường sá lầy lội, đi lại rất khó khăn. Phần lớn lớp học trò cùng lứa với ông phải đi bộ đến trường vì không dễ gì sắm được chiếc xe đạp. Nhà ông nghèo, mẹ mất sớm, cha một mình chật vật nuôi con. Nhưng cha ông vẫn dám đi vay mượn tiền sắm xe đạp, quyết chí lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Cũng vì điều đó mà chiếc xe đạp trở thành vật kỷ niệm khó quên mỗi khi ông hồi tưởng về người cha thân yêu của mình. Chiếc xe đạp này gắn bó với ông cho đến hôm nay để ông luôn nghĩ tới nó như một người bạn. “Phải nói là tui biết ơn chiếc xe đạp này dữ lắm. Thời bao cấp sau năm 1975, cũng nhờ xe này, tui đi thị xã chở đồ hàng bông về cho vợ bán kiếm tiền nuôi con” , ông Vuông chia sẻ.

 Xe đạp cổ 2
Ông Vuông giới thiệu các phụ tùng xe đạp cổ - Ảnh: Giao Hòa

 
Nhiều lúc tui thấy một vài món đồ đúng nguyên mẫu mình tìm thì quyết mua chiếc xe đó cho bằng được. Mua về chỉ cần gỡ lấy các món mình thích là đủ, phần còn lại dù có bỏ cũng không mấy băn khoăn
Ông Lê Long Vuông

Ông Vuông cho biết truyền thống sắm xe đạp cho con đi học từ đời cha được ông phát huy cho con cái mình. Năm người con của ông, với phương tiện đi lại bằng xe đạp, đã kiên trì gắn bó trường lớp, đều tốt nghiệp đàng hoàng và có công ăn việc làm ổn định. Bởi vậy, việc ông “dính” vào chuyện sưu tầm xe đạp cổ như một lẽ tự nhiên và mọi người trong gia đình đều ủng hộ. Thực ra tâm nguyện sưu tầm đã nảy sinh từ khi ông lấy bằng tú tài (tốt nghiệp THPT) vào năm 1973, là khi ông phát hiện chiếc xe đạp sườn nhôm do Pháp sản xuất khoảng những năm 1940 -1950 do một công chức thời đó sở hữu mà ông thường mê mẩn ngắm nhìn khi có dịp. Nhưng chỉ đến năm 1980, ông mới có điều kiện bắt tay thực hiện ước muốn của mình bằng cách mua cho được chiếc xe trên với giá 7 chỉ vàng (bằng giá 2 công đất vườn lúc bấy giờ).

Mua cả chiếc xe để lấy một món đồ

Ông Vuông cho biết trong 31 chiếc xe đạp cổ ông đang sở hữu có 17 chiếc bằng nhôm, còn lại bằng sắt. Ông kể mình chỉ mua “nguyên chiếc” được 4 cái, còn lại là mua phụ tùng về tự ráp. Để ráp được chiếc xe, có khi ông phải bỏ ra mấy năm trời. Vì thiếu một món đồ gì đó là coi như phải chờ dài dài. Cũng may là nhiều bạn bè, người thân biết ông mê xe đạp cổ nên hễ thấy là giới thiệu. Về phần mình, mỗi khi đi đám tiệc hay công việc gì mà ông thấy một món đồ, hay chiếc xe cổ là ông hỏi mua liền. Ông cũng dặn dò nhiều người mua phế liệu và tự đến điểm thu mua phế liệu để tìm những món đồ mình đang thiếu. “Ráp được 1 chiếc xe hoàn chỉnh là tui mừng dữ lắm. Mừng hơn có được thứ gì hết. Giờ hỏi thì tui cũng không biết diễn tả ra sao”, ông Vuông nói. Ông cho biết dù xe đạp cổ nhưng chiếc nào cũng sử dụng được và mỗi ngày ông lần lượt chọn 1 chiếc để đi lại thăm thú bạn bè hoặc đi công việc gần nhà. Để bảo quản xe được lâu hơn, khoảng nửa tháng ông dắt tất cả ra sân và lau chùi cẩn thận. Sau đó vô dầu, mỡ, bơm hơi cho từng chiếc một.

Điều khiến ông vui là gần đây số người đam mê xe cổ ngày càng nhiều, nên ông có thêm cơ hội chia sẻ. Cũng có người tới hỏi mua, hỏi đổi nhưng ông chỉ mua thêm chứ không bán đi món nào. Có khi gặp khách sành điệu, thực bụng muốn chơi xe cổ, ông sẵn sàng tặng vài món phụ tùng ưng ý mà không tiếc. “Nhiều lúc tui thấy một vài món đồ đúng nguyên mẫu mình tìm thì quyết mua chiếc xe đó cho bằng được. Mua về chỉ cần gỡ lấy các món mình thích là đủ, phần còn lại dù có bỏ cũng không mấy băn khoăn”, ông trần tình.

Khoa Chiến - Giao Hòa

>> Triển lãm xe cổ thời Bảo Đại
>> Triển lãm xe cổ và đấu giá ủng hộ người nghèo
>> Nga điều tra vụ mất tích nhiều xe cổ siêu sang
>> Xe cổ "độc" đất Tây Đô
>> Bán xe cổ để xây nhà trưng bày điện ảnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.