Người vẽ tranh kính cuối cùng ở Lái Thiêu

03/07/2014 09:45 GMT+7

Nghề vẽ tranh kính hiện nay rất hiếm người làm vì không mấy người chơi thể loại tranh này.

Nghề vẽ tranh kính hiện nay rất hiếm người làm vì không mấy người chơi thể loại tranh này.

Người vẽ tranh kính cuối cùng ở Lái Thiêu
 Ông Sáu Thơ đang giới thiệu về việc vẽ tranh kính của mình - Ảnh: Huy Anh

Ông Trương Cung Thơ (còn gọi là Sáu Thơ, 75 tuổi, ngụ thị trấn Lái Thiêu, TX. Thuận An, Bình Dương) không chỉ được nhiều người biết đến qua những bức tranh kính do ông làm, mà còn là một người “say” nghề vẽ tranh kính truyền thống. Hiện tại, ông được xem là người cuối cùng ở Bình Dương còn vẽ tranh kính truyền thống, một loại nghề mà không còn mấy người theo đuổi trong thời buổi có nhiều loại tranh như hiện nay.

Giữ “lửa” cho nghề

Ông Thơ là con trai cụ Trương Tường, người được gọi là “ông tổ” của nghề vẽ tranh kính trên đất Bình Dương.  Ông Thơ cho biết ngay từ thửa nhỏ, ông đã được cha mình truyền nghề bằng cách bắt ngồi trước bàn, nhìn ngắm những bức tranh kính cho quen mắt và phân tích để hiểu cách làm nên một bức tranh kính. Sau khoảng 2 năm ngồi nhìn tranh thì ông được người cha cho sử dụng cọ vẽ tranh trên gỗ, giấy, vải… và sau cùng là vẽ trên kính. Ông Thơ tâm sự: “Trong công việc vẽ tranh kính thủ công truyền thống thì dù là thợ chính hay thợ phụ, dù là người mới bắt đầu vào nghề hay đã là nghệ nhân đi nữa, thì người vẽ luôn  phải có trái tim nghệ sỹ nét vẽ mới đẹp được và bức tranh mới có hồn.”

Theo ông Thơ, với bất kỳ một bức tranh kính nào từ thể loại thờ cũng đến trang trí, việc đầu tiên người thợ cần làm là chọn một tấm kính vừa tầm, phác thảo sẵn bằng bút chì nhám, dùng cọ sắc nét để lấy khuôn, thành hình. Chọn màu phù hợp, chủ yếu là những màu tươi, sáng để bắt mắt, hợp tình và hợp ý người mê tranh kính. Những nét vẽ có khi phải đánh bằng dao lam cho sắc nét. Tiếp đó, dùng keo kết khảm xà cừ, phun bụi kim tuyến. Điểm đặc biệt của tranh kính là người vẽ phải vẽ từ phía sau mặt kiếng. Khi vẽ xong tấm kiếng được lật lại, phía không có nét vẽ mới là mặt chính của tranh. Vì thế các chi tiết đáng lẽ vẽ sau cùng, thì ở tranh kiếng phải vẽ trước tiên. “Chính điểm này mà nghề vẽ tranh kính đòi hỏi ở người thợ vẽ không chỉ có niềm đam mê hội họa, óc sáng tạo mà còn cần tính cẩn thận, sự tỉ mỉ và khéo léo”, ông Thơ nói.

Theo những người lớn tuổi ở Bình Dương, tranh kính du nhập vào Việt Nam cuối thế kỷ 19. Những năm đầu của thế kỷ 20 được coi là thời kỳ hưng thịnh của nghề này tại Lái Thiêu. “Tính riêng vùng Nam Bộ, tranh kính chính là một loại hình nghệ thuật dân gian và là một nét văn hóa độc đáo của vùng. Những năm đầu thế kỷ 20, ai mà làm công việc này thì vui và tự hào lắm. Tranh kính Lái Thiêu được xuất lên Sài Gòn rồi xuống khắp cách tỉnh miền Tây và đôi khi chúng tôi cũng có những đơn hàng đi ra miền Trung”, ông Thơ nhớ lại thời đã qua một cách nuối tiếc.

Không còn cơ hội truyền nghề

 Theo ông Thơ, sau năm 1945 nghề vẽ tranh kính không còn thịnh hành tại Lái Thiêu. Các cơ sở sản xuất ngưng hoạt động, thợ vẽ tranh thì chuyển qua làm những công việc khác, duy nhất chỉ có cơ sở nhà ông còn hoạt động cho đến bây giờ và cũng chỉ có một mình ông vẽ tranh kính. Hiện tại, tranh kính đa phần được sử dụng công nghệ để phun, màu sắc sinh động, giá thành chỉ bằng 1/3 tranh kính truyền thống.

Ngước mắt nhìn lên bức tranh kính Cửu Huyền Thất Tổ, ông Thơ tiếc nuối nói: “Giá như thời gian quay ngược lại, tôi sẽ cố gắng hoàn thành luận án về giá trị văn hóa của tranh kính đối với người Nam Bộ và nghề vẽ tranh kính truyền truyền thống để lớp trẻ sau này có cơ hội hiểu hơn về tranh kính và văn hóa trong tranh kính truyền thống Việt Nam”.

Huy Anh

>> Vẽ tranh trên thực phẩm
>> Hai đoạn phim vẽ tranh cát được yêu thích
>> Vẽ tranh bằng khói
>> Vẽ tranh ấn tượng
>> Robot vẽ tranh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.