Nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ĐBSCL

07/11/2014 06:55 GMT+7

Hội nghị xúc tiến thương mại, đầu tư nông nghiệp, nông thôn diễn ra ngày 6.11 trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC - Sóc Trăng 2014) đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế khu vực.

Ký kết bản ghi nhớ giữa nhà đầu tư với UBND tỉnh Sóc Trăng
Ký kết bản ghi nhớ giữa nhà đầu tư với UBND tỉnh Sóc Trăng - Ảnh: Trần Thanh Phong

Nghịch lý xúc tiến đầu tư

Theo ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, xúc tiến thương mại, đầu tư nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL là sự kiện quan trọng, một hoạt động có ý nghĩa nhằm tạo cơ hội giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, tìm hiểu môi trường, cơ chế chính sách trong hợp tác đầu tư của vùng. Với lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, nguồn lao động dồi dào, môi trường đầu tư được cải thiện đã và đang tạo thuận lợi để nhà đầu tư xúc tiến hợp tác với các địa phương trong vùng.

 

Tại hội nghị, các tỉnh, thành ĐBSCL đã công bố danh sách 67 dự án kêu gọi đầu tư trọng điểm trong lĩnh vực nông nghiệp, với tổng vốn khoảng 22.000 tỉ đồng và 1,4 tỉ USD. Đã có 3 nhà đầu tư ký bản ghi nhớ với UBND tỉnh Sóc Trăng.

Tuy nhiên, ông Quang cũng cho rằng hoạt động xúc tiến đầu tư nói chung và xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại ĐBSCL thời gian qua chưa được như mong muốn; phương pháp xúc tiến chưa mang lại hiệu quả cao. Đó là nghịch lý của vùng đất với nhiều tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp. Giai đoạn 1993 - 2014, tổng giá trị vốn ODA cho vùng ĐBSCL đạt khoảng 5,7 tỉ USD, chiếm 8,2% tổng vốn ODA của cả nước. Trong đó, các dự án ODA đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ đạt khoảng hơn 500 triệu USD. Riêng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong vùng cũng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, kinh doanh bất động sản, thấp nhất là lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Ông Đoàn Duy Khương, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, đánh giá vùng ĐBSCL chiếm hơn 40% sản lượng nông nghiệp, thủy sản cả nước và giữ vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Kinh tế các tỉnh, thành trong khu vực phát triển nhanh và ổn định. Năm 2013, tăng trưởng GDP đạt 9,1% năm, cao gần gấp đôi so với cả nước. Nhưng ông Khương cho rằng kinh tế ĐBSCL chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và còn nhiều khó khăn về điều kiện để phát triển như: giao thông, giáo dục, thương mại, dịch vụ…

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, đánh giá kinh tế của vùng phát triển chưa bền vững, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản. Hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp chưa cao. Chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm giảm mạnh phản ánh sự suy giảm sức mua trên thị trường và tạo sức ép hàng tồn kho của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Đầu tư những lĩnh vực thế mạnh

Trước những khó khăn của hoạt động xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại ĐBSCL thời gian qua, ông Nguyễn Phong Quang cho rằng cần tập trung kêu gọi các dự án, công trình vào lĩnh vực thế mạnh của vùng, nhất là phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng liên kết vùng; ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; cải thiện thu nhập, góp phần nâng cao đời sống người dân. Các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà đầu tư cần nghiên cứu, đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng liên kết vùng, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Theo bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại VN, cần tiến hành đánh giá sâu hơn về thị trường toàn cầu và khu vực cho các sản phẩm dựa vào lúa gạo; xác định các tỉnh tiềm năng trở thành địa điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư gạo chế biến; chuẩn bị tài liệu xúc tiến mô tả địa điểm, mục tiêu cơ hội cho nhà đầu tư; khởi động tiếp cận các công ty chế biến thực phẩm toàn cầu và khu vực... Bên cạnh đó cần chuẩn bị các địa điểm, tạo thuận lợi cho đầu tư.

Còn theo ông Đoàn Duy Khương, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cần đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của ĐBSCL; kêu gọi thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, năng lượng, giáo dục và bảo vệ môi trường; đồng thời nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ và các cơ quan chức năng xây dựng hệ thống các chính sách ưu đãi đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế. 

T.T.Phong - Đình Tuyển

>> Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL diễn ra tại Tiền Giang
>> Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL sẽ diễn ra tại Tiền Giang
>> Bế mạc diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL 2008

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.