Những rào cản

24/10/2013 13:32 GMT+7

Kinh tế vùng ĐBSCL chưa phát triển là do hạ tầng yếu kém. Đó là nhận định của nhiều đại biểu tại hội nghị “Ngành công thương 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL” vừa diễn ra ở TP.Long Xuyên (An Giang).

Kinh tế vùng ĐBSCL chưa phát triển là do hạ tầng yếu kém. Đó là nhận định của nhiều đại biểu tại hội nghị “Ngành công thương 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL” vừa diễn ra ở TP.Long Xuyên (An Giang).

Những rào cản
Đường giao thông xuống cấp gây nhiều khó khăn cho DN

Báo cáo tại hội nghị cho biết tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2012 toàn vùng ĐBSCL đạt 9.814 triệu USD, riêng 9 tháng năm 2013 đạt 7.851 triệu USD, chiếm 8,13% so với cả nước. ĐBSCL hiện có 506/1.299 xã đạt tiêu chí điện, 301/1.299 xã đạt tiêu chí chợ…

Ông Bùi Ngọc Sương, Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, nhận định do hệ thống đường bộ, đường thủy yếu nên ĐBSCL không thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) đến đầu tư, gây lãng phí nguồn lao động phổ thông địa phương. Ngoài ra, do sự chồng chéo về quản lý giữa Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT nên rất khó cho địa phương, mỗi lần muốn xin gì thì phải xin cả hai Bộ. Vì vậy nên có sự thống nhất trong quản lý của hai Bộ, cái nào thuộc về Bộ nào thì giao cho Bộ đó quản lý; đồng thời có chính sách giảm thuế cho DN đầu tư tại vùng.

Ông Huỳnh Văn Gành, Giám đốc Sở Công thương Kiên Giang, nêu thực trạng trên các tuyến quốc lộ còn nhiều cây cầu yếu, có cầu trọng tải 35 tấn hoặc tối đa 40 tấn... gây bất lợi và tăng chi phí cho DN trong vận chuyển hàng hóa. Đặc biệt, trên 90% mặt hàng gạo, thủy sản xuất khẩu thô nên giá trị tăng thêm trong chế biến sản phẩm rất thấp. Đây cũng là điểm yếu của vùng. Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Phan Anh Vũ tỏ ra bức xúc bởi sau cây lúa thì cây ăn trái ở ĐBSCL chiếm diện tích đáng kể, tiềm năng rất lớn. Thế nhưng mặt hàng này gặp khó khăn trong xuất khẩu do tình trạng ngâm hóa chất, khiến thị trường nước ngoài dè dặt.

Ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết sẽ tổng hợp các ý kiến, đề xuất của đại biểu để làm cơ sở hoạch định phát triển bền vững các sản phẩm chủ lực cho vùng ĐBSCL. Thứ trưởng nhấn mạnh, mặc dù có sự ổn định nhưng so với cả nước thì kinh tế vùng ĐBSCL phát triển chậm bởi hạ tầng giao thông, thương mại yếu kém; liên kết vùng chưa tốt; liên kết khu vực chưa được nhà nước quan tâm.

Bài, ảnh: Thanh Dũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.