Ô nhiễm môi trường ở làng nghề - Bài 2: Dân khắc khoải chờ nhà máy xử lý nước thải

21/01/2015 07:00 GMT+7

Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở các xã có làng nghề của H.Hoài Đức, UBND TP.Hà Nội đã có quyết định xây dựng Nhà máy xử lý nước thải tập trung trên địa bàn. Nhưng đã qua 4 năm mà nhà máy vẫn chưa hoạt động.

Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở các xã có làng nghề của H.Hoài Đức, UBND TP.Hà Nội đã có quyết định xây dựng Nhà máy xử lý nước thải tập trung trên địa bàn. Nhưng đã qua 4 năm mà nhà máy vẫn chưa hoạt động.

Hệ thống ao hồ của 3 xã làng nghề bị ô nhiễm trầm trọng Vẫn chưa có nhà máy để xử lý nước thải
Rác vượt quá khả năng thu gom
Cùng nằm bên bờ sông Đáy, 3 xã Dương Liễu, Cát Quế và Minh Khai của H. Hoài Đức đều có làng nghề, cùng chế biến nông sản với quy mô lớn và cùng chung tình trạng ô nhiễm môi trường ở mức trầm trọng. Hiện cả 3 xã có khoảng 4.000 hộ gia đình tham gia chế biến, sản xuất mì gạo, bột sắn dây, miến dong, mạch nha, bánh kẹo… từ nông sản. Mỗi ngày, người dân ở đây phải chung sống cùng hàng tấn rác, hàng nghìn mét khối nước thải.
Để sản xuất, người dân đã nhập các nguyên liệu là sắn, dong từ những tỉnh vùng núi như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai… rồi xay nghiền, tinh chế. Quá trình này, toàn bộ khối lượng nước thải được xả thẳng ra môi trường mà không hề qua xử lý. Theo quan sát của PV Thanh Niên, phần bã sắn lưu cữu lâu ngày tại hàng loạt ao hồ, kênh mương, khiến nước đọng, ruồi muỗi phát triển. Khắp làng trên xóm dưới, người dân đều phải hít thở thứ mùi hôi thối từ bã thải các loại nông sản. Do thiếu diện tích sản xuất, mà thực phẩm làm ra như miến dong, bánh đa, mì gạo… đều được các hộ phơi sấy ngay trên những triền đê đầy bụi đất, hay ngay ở miệng cống, mương nước thải đầy ruồi nhặng…
Trao đổi với Thanh Niên, bà Hồ Thị Huê, Phó chủ tịch UBND xã Dương Liễu cũng thừa nhận, khối lượng rác từ các hộ làm nghề thải ra môi trường là rất lớn. Trung bình mỗi ngày các hộ sản xuất, chế biến tinh bột thải ra môi trường khoảng 1.300 tấn rác và gần 13.000 m3 nước thải, vượt xa khả năng thu gom, xử lý rác của tổ vệ sinh môi trường xã.
Chưa biết bao giờ được xử lý
Để giải quyết tình trạng ô nhiễm, bà Huê cũng cho biết, từ năm 2003, địa phương đã đề xuất với UBND H.Hoài Đức xây dựng làng nghề sản xuất tập trung nhưng hiện nay vẫn chưa được phê duyệt. Cùng chung tình cảnh, tại xã Cát Quế, ông Nguyễn Trọng Long, Phó chủ tịch UBND cũng cho biết, trong nhiều cuộc họp chính quyền xã đã kiến nghị lên huyện việc di dời các hộ làm nghề tới một khu sản xuất tập trung, xa khu dân cư, đồng thời cải tạo lại hệ thống kênh mương… nhưng tới nay mọi việc vẫn không thay đổi.
Đáng lưu ý, năm 2011, UBND TP.Hà Nội có quyết định xây dựng Nhà máy xử lý nước thải tập trung Cầu Ngà (tại xã Dương Liễu). Với tổng mức đầu tư lên tới 270 tỉ đồng, công suất 13.500 m3/ngày, hoàn thành vào cuối năm 2013. Nếu nhà máy hoạt động sẽ xử lý triệt để nguồn nước thải tập trung của các xã làng nghề nói trên. Nhưng tới nay, nhà máy này vẫn còn đang trong quá trình xây dựng và chưa biết thời điểm nào sẽ được đưa vào hoạt động.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phùng Bá Nhân, Phó chánh văn phòng UBND H.Hoài Đức cho biết, hiện các đơn vị thi công đang gấp rút xây dựng để sớm đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, đến thời điểm nào, thì một lãnh đạo Phòng Kinh tế của huyện này trả lời: “muốn biết bao giờ hoàn thành thì phải hỏi phía đơn vị thi công mới rõ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.