Phát triển kinh tế biển trước thách thức biến đổi khí hậu

14/07/2015 09:38 GMT+7

Ngày 11.7 vừa qua tại Bình Thuận, Tạp chí Cộng sản và Tỉnh ủy Bình Thuận phối hợp tổ chức hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững trước thách thức biến đổi khí hậu ở các tỉnh, thành phía Nam”. Tham dự hội thảo, các nhà khoa học, nhà quản lý đã đề xuất nhiều giải pháp có giá trị thực tiễn.

Ngày 11.7 vừa qua tại Bình Thuận, Tạp chí Cộng sản và Tỉnh ủy Bình Thuận phối hợp tổ chức hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững trước thách thức biến đổi khí hậu ở các tỉnh, thành phía Nam”. Tham dự hội thảo, các nhà khoa học, nhà quản lý đã đề xuất nhiều giải pháp có giá trị thực tiễn.

Phát triển kinh tế biển trước thách thức biến đổi khí hậu BĐKH đang là thách thức lớn trong phát triển thủy sản ở huyện đảo Phú Quý, Bình Thuận
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Vũ Văn Phúc- Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, cho rằng với diện tích hơn 1 triệu km2 mặt biển, chiều dài bờ biển từ Khánh Hòa trở vào trên 3.000 km là tiềm năng vô cùng to lớn trong phát triển kinh tế đối với các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu (BĐKH) đang là thách thức đối với các tỉnh, thành trong phát triển kinh tế biển. “Thế kỷ 21 là thế kỷ của đại dương”, do vậy kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế của mỗi tỉnh, thành có bờ biển. Hiện nay lao động các vùng biển có thu nhập bình quân cao hơn gấp hai lần so với mức trung bình của cả nước. Vì vậy tìm ra các giải pháp bền vững trước thách thức về BĐKH để ổn định và phát triển kinh tế biển là nhiệm vụ quan trọng hiện nay.
Phát biểu tại hội thảo, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thành Phong, cho biết hiện nay H.Cần Giờ là nơi có đặc điểm kinh tế riêng biệt ở TP.HCM. Nơi đây có nhiều khu rừng ngập mặn, lại giáp với vùng biển Vũng Tàu, Bình Thuận nên hội tụ nhiều yếu tố để phát triển kinh tế du lịch. TP.HCM đang quy hoạch để Cần Giờ trở thành đô thị du lịch sinh thái biển, thu hút ngày càng đông du khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Phong cho rằng phát triển các khu du lịch sinh thái biển cần đi đôi với bảo vệ môi trường biển, đặc biệt là các khu sinh quyển. Trong đó, phải chú ý giảm thiểu các mâu thuẫn với lợi ích sinh kế của người dân địa phương.
Giữ môi trường biển trong lành
PGS.TS Bùi Cách Tuyến, nguyên thứ trưởng Bộ TN-MT cho rằng vấn đề ô nhiễm môi trường biển hiện đang ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế biển ở hầu hết các tỉnh ven biển. Bên cạnh đó, tài nguyên biển đang bị khai thác vô tội vạ. Chịu ảnh hưởng xấu trực tiếp từ vấn đề ô nhiễm môi trường biển chính là ngành du lịch. Việc quản lý khai thác biển đang chồng chéo nhau giữa các bộ, ngành. Nếu như không giải quyết ổn thỏa các vấn đề trên, sẽ trở thành rào cản lớn trong việc khai thác lợi thế biển để làm kinh tế.
TS Nguyễn Hữu Huân- Viện Hải dương học thì cho rằng, hiện nay nhiều dự án ven biển được đánh giá tác động môi trường (ĐTM) một cách thiếu khoa học, thiếu nghiêm túc. Cụ thể là gần đây nhiều dự án gặp phải sự phản kháng của người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng. “Phát triển kinh tế biển bền vững cần đặc biệt chú ý đến cuộc sống và nguồn thu nhập của người dân địa phương. Đây là một trong những yếu tố quyết định cho phát triển kinh tế biển bền vững”, ông Huân nói.
Tuy nhiên, việc triển khai các dự án chống BĐKH hiện nay đang gặp nhiều khó khăn về nguồn kinh phí. Phó giám đốc Sở TN-MT Bình Thuận Lê Hùng Việt, cho biết tại Bình Thuận đang gặp khó khăn này. Ông Lê Hùng Việt đề nghị cần phân bổ kinh phí kịp thời đối với các dự án có chức năng chống BĐKH. Đây là yếu tố quan trọng đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế biển trước thách thức ngày càng lớn về BĐKH.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.