Phóng viên đài huyện: Lội suối, băng rừng, đối mặt hiểm nguy

19/06/2014 10:33 GMT+7

Nhiều anh em làm báo ở Đà Nẵng, Quảng Nam hay nói vui nếu lên huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam) mà không gặp PV Hoàng Thọ, Đài PT-TH Nam Trà My thì mất khối đề tài hay, nóng về miền núi. Nói vui, nhưng mà rất thật...

Phóng viên đài huyện: Lội suối, băng rừng, đối mặt hiểm nguy

Hoàng Thọ (phía ngoài) tác nghiệp ở những xã núi của H.Nam Trà My, Quảng Nam - Ảnh: H.T

Yêu nghề

Gắn bó với Đài PT-TH Nam Trà My đã 11 năm nay, những chuyến đi núi dài ngày đối với Hoàng Thọ là quá đỗi quen thuộc. Mỗi khi vượt qua chặng đường gần 200km lên đến trung tâm huyện miền núi Nam Trà My đã là điều không quá dễ dàng bởi đường rất khó đi, nhất là vào mùa mưa. Nhưng từ trung tâm huyện lên đến các xã vùng cao là một việc càng khó hơn. Có những chặng không thể đi bằng phương tiện gì khác ngoài đôi chân của chính mình. Vậy mà Thọ, gắn bó với các xã miền núi vùng cao này như cơm bữa. Có những đợt đi rừng, lội bộ cả ngày trời mới vào được với xã. Rồi ở lại cả tuần để đi xuống các thôn thu thập tư liệu. Cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt để nắm bắt đời sống khó khăn của những người dân ở vùng núi cao này, để kịp thời phản ánh... Đi một thân một mình leo núi đã khó, riêng Thọ phải khiêng thêm một ba lô lỉnh kỉnh đồ nghề máy quay phim, chụp ảnh, máy vi tính, máy thu phát thanh... “Toàn là máy móc có cũng... lâu đời rồi, nên nặng kinh khủng. Mỗi lần đi như vậy mình đều ước giá như được trang bị máy móc gọn nhẹ hơn thì những chuyến đi núi dài ngày của anh em đài huyện sẽ đỡ cực nhọc hơn rất nhiều”, Thọ chia sẻ.

Khó khăn là vậy, tưởng chừng sẽ dễ dàng làm cho chàng “thư sinh” của những ngày đầu tiên lên với miền núi thử thách với nghề sẽ dễ nản lòng, nhưng càng theo nghề, Thọ càng say và yêu nghề... Mỗi khi có PV từ nơi xa đến viết về Nam Trà My, Thọ đều hăng hái giúp đỡ, từ việc giúp gợi ý những đề tài, đến việc cung cấp tư liệu. Hòng Thọ thậm chí giúp phân tích cả độ khó dễ của từng đề tài để anh em có thể thực hiện thuận tiện hơn. Khi không có chỗ ở, Thọ nhường luôn căn phòng tập thể của mình ở đài, rồi đi ngủ nhờ...

Đối mặt hiểm nguy

Nhiều anh em gọi Hoàng Thọ là PV đa năng, vừa viết phát thanh, vừa quay phim để làm truyền hình, vừa dựng, thậm chí viết bài để cộng tác cho các báo... “Chỉ có đọc phát thanh với hiện dẫn là em không dám, vì giọng khó nghe quá, còn lại là làm tất”, Thọ cười dí dỏm nói về công việc của mình. Nghe Thọ nói tưởng chừng công việc của một phóng viên đài huyện rất nhẹ nhàng. Nhưng không phải vậy, Thọ gặp không ít những hiểm nguy trong quá trình tác nghiệp. Không kể những chuyến đi rừng đã ẩn chứa quá nhiều nguy cơ, mà ngay cả việc say nghề, muốn đấu tranh vì công bằng, những việc Thọ đối mặt hiểm nguy trong công việc là không ít.

Nhớ năm 2009, khi Hoàng Thọ cùng các đồng nghiệp tham gia tác nghiệp viết bài về hiện tượng phá rừng tại thác 5 tầng (Nam Trà My), khi đang ăn cơm, bị một nhóm người đến hành hung. Một trong số đó dùng chai bia đánh Thọ, làm PV này bị thương, phải đưa đến bệnh viện huyện cấp cứu, khâu 18 mũi, thương tích 6%. Dù vậy, nhưng tại phiên tòa, Thọ vẫn nhẹ nhàng xin tòa giảm án cho đối tượng hành hung mình, và tòa xử phạt đối tượng 6 tháng tù giam. Cũng năm 2009, khi xảy ra vụ sập hầm ở xã Trà Giác khi đang mưa lũ ồ ạt, Thọ đã là PV đầu tiên liều mình, đu dây vượt hơn 100m sông đang cuồn cuộn lũ để vào nơi xảy ra sự cố để ghi lại những hình ảnh tang thương. Từ những thước phim quý báu của Thọ, việc cứu trợ, cứu nạn những nạn nhân đã được thực hiện cấp bách. “Lúc ấy chỉ nghĩ đến việc vào hiện trường để đưa thông tin, chứ đâu có nghĩ đến hiểm nguy gì đâu!”, Thọ nói.

Niềm vui đối với nghề báo của Thọ là những chuyến đi thực tế để nắm bắt hiện thực cuộc sống, là những bài viết được phát trên đài truyền hình, đài phát thanh, trên các trang báo. Giải thưởng Huy chương vàng năm 2012 trong lĩnh vực truyền hình về lễ hội đâm trâu của người dân vùng cao Nam Trà My cùng nhiều giải thưởng khác là phần thưởng cho những PV vùng cao như Hoàng Thọ.

Diệu Hiền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.