'Sống khỏe' nhờ học mót

28/04/2014 09:20 GMT+7

54 tuổi, cao chưa đầy 1 m như một đứa trẻ lên 3 nhưng 'chú lùn' Đoàn Duy Thái, ở xã Hợp Thành, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, vẫn 'sống khỏe' nhờ niềm tin yêu cuộc sống.


 
Ông Thái phải rướn người khi cắt tóc cho khách - Ảnh: Mạnh Quang

Ông Thái là con thứ 4 trong một gia đình có 6 anh em. Năm 3 tuổi, bệnh sởi khiến thân hình của Thái không thể cao lên được nữa. Những khó khăn, cực nhọc cũng bắt đầu từ đó.

Ông Thái tâm sự: "Đi học, chúng bạn cứ nhìn tôi cười, cảm thấy xấu hổ phải đội nón rơm nhưng rồi cũng quen dần. Năm lớp 2 bị ốm, không đi học được nữa nên Thái nghỉ học. Năm 10 tuổi, một đoàn xiếc về đón đi nhưng bố mẹ tôi thương con còn bé, vả lại hồi đó chiến tranh không biết sống chết thế nào nên không cho đi".

Vào đời không sức khỏe, không học vấn, không tiền bạc, Thái chỉ có duy nhất một niềm tin, rằng nếu cố gắng mình sẽ làm được. Cái đầu của một người trưởng thành và đôi tay nhỏ bé như của một đứa trẻ đã giúp anh tự nuôi sống mình và nuôi sống gia đình bằng đủ mọi nghề học “mót” từ pha cà phê, bán hàng, làm kim hoàn, trồng cây cảnh và cắt tóc.

Ông kể: "Bố mẹ đi làm hợp tác nhưng nhà vẫn nghèo, không đủ ăn, quần áo không có. Tôi bắt đầu tìm cách kiếm tiền. Năm 10 tuổi, tôi đã biết làm nhẫn bằng đũa xe đạp, bán cho các phụ nữ mỗi cái một hai hào. Sau vào hiệu vàng bạc thấy người ta làm, mình cũng học mót dần dần. Chỉ có điều rất vất vả vì hồi đó đèn khò dùng hơi xăng đạp chân, mà chân mình thì ngắn".

20 tuổi, ông Thái ra Móng Cái, Quảng Ninh, bán cà phê và trở thành người đầu tiên bán cà phê ở Móng Cái. "Hồi ấy thì ở Móng Cái gần như chưa ai biết uống cà phê, họ chỉ thấy mình nhỏ người mà bán được hàng nên kéo đến đông, mình cũng xấu hổ. Nhưng dần dần cũng quen và càng đông khách. Nhưng lúc đang đắt hàng, bố tôi bị ốm nên lại phải về quê. Về 1 năm không biết làm gì, một lần sang thằng cháu chơi trông thấy nó cắt tóc và cho mình thử một cái đầu trẻ con. Chỉ thử một hai cái thì thấy có thể làm được, thế là mình sang thành phố sắm đồ về mở tiệm, chứ không đi học cắt tóc ở đâu cả". Tiệm “Tóc Thái” đơn sơ và chỉ rộng 10 m2 nằm trên đường vào làng do xã cho mượn đất. Làng có đến 6 hiệu tóc nam nhưng chỉ "Tóc Thái" là đông khách nhất khi luôn có 5 - 6 người chờ đợi, từ đứa trẻ 5 tuổi đến cụ già 90.

53 tuổi nhưng ông Thái chưa một lần được đi đôi tất, xỏ đôi giày của người lớn, càng chưa một lần được nắm tay của một người con gái. "Nhiều lúc cũng tủi thân và muốn được yêu, muốn có một gia đình hạnh phúc", ông nói với vẻ mặt hơi chùng xuống. Nhưng có lẽ cuộc sống cũng công bằng khi những người dân trong xã đều rất quý mến ông Thái. “Ai cũng thích cắt ở đây vì bác Thái có nghề, lại vui tính và thích trẻ con, trẻ con cũng thích bác Thái. Người nào thật già còn được cắt tóc miễn phí nên cả làng cùng quý bác ấy”. Anh Nguyễn Thanh Hiếu, một khách quen của "Tóc Thái" nói. Có mặt tại cửa hàng nhỏ của ông, chúng tôi cũng chứng kiến một không khí vui vẻ của những người đến cắt tóc.

Hàng ngày, sau khi ở tiệm cắt tóc nhỏ bé của mình, ông lại về nhà đi chợ, nấu cơm, chăm sóc bố mẹ già gần 90 tuổi. "Được chăm sóc cha mẹ, cũng là một hạnh phúc của mình", ông Thái nói.

Mạnh Quang

>> Chú lùn thời hiện đại
>> Hơn 100 ca mắc bệnh sởi đều chưa tiêm vắc xin
>> Rối với tiêm ngừa bệnh sởi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.