Tết về làng mứt

23/01/2014 11:28 GMT+7

Nép bên dòng Ô Lâu, có một ngôi làng chuyên làm mứt gừng, truyền thống dễ đến cả trăm năm, đó là làng mứt Mỹ Chánh (xã Hải Chánh, H.Hải Lăng, Quảng Trị)...

Tết về làng mứt

Những ngày này, những hộ làm mứt gừng ở Mỹ Chánh đang khẩn trương vào mùa - Ảnh: N.P

Việc Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học-Công nghệ) mới đây chứng nhận thương hiệu “Mứt gừng Mỹ Chánh” khiến dân Mỹ Chánh ai cũng tự hào. Khắp vùng Bình Trị Thiên này, nhắc “mứt Mỹ Chánh” ai cũng biết, thậm chí có người mới nghe tên đã thèm chảy miếng. Dù chẳng ai tường, cái nghiệp làm mứt vận vào ngôi làng này tự bao giờ. Nhưng cá nhân người viết đồ rằng, chắc ngày trước, các cụ cũng chỉ làm để ăn trong nhà cho vui, nhân buổi tết đến xuân về. Dần dà, cứ “xưa bày nay làm”, việc sản xuất mứt ở làng Mỹ Chánh đã đi vào nề nếp, có kỹ nghệ và bản sắc riêng. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng thôn Mỹ Chánh không khỏi tự hào: “Làm mứt đã trở thành một nghề đối với người dân bản địa. Nhờ nghề này mà nhiều gia đình trong thôn đã có thu nhập cao, có khi bằng cả năm làm nghề khác”.

Ghé thăm cơ sở sản xuất mứt gừng của gia đình anh Hồ Văn Tuấn-một trong những hộ làm mứt có quy mô lớn nhất nhì trong thôn. Trong không khí những ngày cuối năm, anh Tuấn cùng những người làm “tăng ca” làm mứt để kịp đưa ra thị trường. “Mấy ngày nay khách hàng liên hệ lấy hàng liên tục. Hầu như cả tuần nay mứt làm ra đều được xuất bán sạch trơn dù mỗi ngày cơ sở của gia đình tôi làm khoảng 5-7 tạ mứt thành phẩm. Cơ sở của tôi đang tiếp tục thu mua gừng củ số lượng lớn cũng như huy động mỗi ngày từ 15-20 nhân công để chế biến mà vẫn không đủ bán. Mùa Tết năm nay gia đình tôi dự định làm khoảng từ 15-20 tấn mứt gừng để xuất bán. Với giá bán hiện nay tại lò khoảng trên 32 triệu đồng/tấn, sau khi trừ các chi phí mỗi ngày gia đình tôi cũng có thu nhập từ 2-3 triệu đồng. So với các nghề thời vụ khác thì hiện nay nghề làm mứt gừng cho thu nhập khá cao”, anh Tuấn phấn khởi cho biết.

Không khí tất bật cũng hiện rõ tại cơ sở mứt gừng của gia đình chị Võ Thị Huế. Lúc chúng tôi đến, trong cơ sở của chị Huế đang có khoảng 12 lao động đang làm việc. “Hầu như buổi sáng đến trưa chủ yếu là làm khâu thái, rửa, luộc gừng, đến chiều mới tập trung đưa gừng vào lò than tẩm đường và sấy khô. Đến tối, khi lượng mứt thành phẩm đã nhiều thì sắp xếp vào bao bì, hộp để sáng mai khách lấy sớm. Bữa nay có thương hiệu rồi nên chúng tôi đóng gói, hộp rất đẹp mắt mà giá cả lại cao hơn và bán rất chạy. Mong rằng nghề làm mứt sẽ tiếp tục phát triển và mang lại thu nhập bền vững cho người dân chúng tôi”, chị Huế tâm sự.

Trao đổi với chúng tôi về hướng đi sắp tới của nghề mứt gừng Mỹ Chánh, ông Hồ Đình Thái, Chủ tịch UBND xã Hải Chánh cho biết: “Chất lượng mứt gừng của chúng tôi cũng đã được khẳng định, thị trường tiêu thụ cũng đã dần ổn định. Tuy nhiên, để thương hiệu mứt gừng Mỹ Chánh có thể tiếp tục vươn xa thì còn nhiều việc phải làm. Đó là phải quảng bá sản phẩm, hình thành, mở rộng mạng lưới các đại lý đầu mối phân phối...”.

Chia tay làng Mỹ Chánh, đi khuất một đoạn xa, ngoái lại vẫn thấy khói bếp những ngôi nhà vẫn tỏa, hương mứt cay nồng vẫn vương vấn đâu đây. Mới thấy mùa xuân đang vây quanh ngôi làng bé nhỏ này.

Nguyễn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.