Thông đường vào trung tâm TP.Đà Nẵng

30/03/2015 09:53 GMT+7

Sáng 29.3, Nút giao thông khác mức ngã ba Huế (hay còn gọi Cầu vượt ngã ba Huế) do Trung Nam Group đầu tư đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Sáng 29.3, Nút giao thông khác mức ngã ba Huế (hay còn gọi Cầu vượt ngã ba Huế) do Trung Nam Group đầu tư đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. 

Thông đường vào trung tâm TP.Đà NẵngCầu vượt ngã ba Huế khánh thành mang lại niềm vui cho người dân TP.Đà Nẵng - Ảnh: H.T
Quyết định hợp lòng dân
Có mặt từ sáng sớm, anh Lê Minh Hào, nhà ở P.Hòa Minh (Q.Liên Chiểu) cứ trầm trồ, xuýt xoa khi tận mắt chứng kiến công trình Cầu vượt ngã ba Huế: “Nhà tui ở gần đây, khu Trung Nghĩa này nè. Từ lâu lắm rồi, hồi trước giải phóng TP.Đà Nẵng, ngã ba Huế đã là một điểm giao cắt, chướng ngại cho lưu thông. Giờ được đầu tư nhìn sang trọng hẳn, bà con đi qua đi lại khỏe re, khỏi lo tàu lửa, ô tô. Vào trung tâm thành phố cái ào, nhẹ tưng cái đầu”. Cũng trong tâm trạng phấn chấn, bà Trần Thị Duyên, nhà ở P.Hòa Khánh Nam bảo rằng bà đã qua lại ngã ba Huế suốt 40 năm qua, nhưng đây mới là lần đầu tiên bà có cảm giác nhẹ nhõm, thư thái khi “mình đi trên đầu còn xe lửa rầm rầm phía dưới”.
Ngã ba Huế từ rất lâu rồi và cho đến tháng 9.2013 (thời điểm khởi công dự án) vẫn là điểm đen nguy hiểm nhất, nơi thường xảy ra ùn tắc, tai nạn giao thông trên địa bàn TP.Đà Nẵng. Ngoài ra, công trình này hoàn thành cũng là điểm nhấn kiến trúc, hoàn chỉnh kết nối hạ tầng giao thông khu vực tây bắc với các khu đô thị mới tại TP.Đà Nẵng... Chính vì vậy, việc đầu tư xây dựng Cầu vượt ngã ba Huế được lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và UBND TP.Đà Nẵng hết sức quan tâm. Khi phát lệnh khởi công, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đây là công trình hợp lòng dân. Chính vì vậy, hàng trăm hộ nằm trong vùng dự án đã di dời nhà cửa, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Phát biểu tại lễ khánh thành, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của công trình Cầu vượt ngã ba Huế đóng góp vào sự phát triển hạ tầng giao thông của TP.Đà Nẵng. Còn ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng cho rằng công trình này mang nhiều ý nghĩa thiết thực đối với đời sống dân sinh không chỉ cho Đà Nẵng nói riêng mà cho cả khu vực và cả nước. “Việc đưa công trình vào sử dụng đúng thời hạn, đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật còn là động lực cho các địa phương khác dọc QL1 hoàn thành 80 nút giao thông trước năm 2015”, ông Đinh La Thăng nói.
Lưu thông qua cầu vượt thế nào?
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đề nghị TP.Đà Nẵng phối hợp với Bộ GTVT triển khai một số dự án lớn của ngành trên địa bàn như mở rộng Cảng Tiên Sa (giai đoạn 2), mở rộng Nhà ga quốc tế Sân bay Đà Nẵng, di dời Nhà ga xe lửa ra khỏi trung tâm thành phố... Cũng trong sáng 29.3, UBND TP.Đà Nẵng đã tổ chức khởi công Trục I-Tây Bắc và 2 khu dân cư mới. Việc khởi công Trục I-Tây Bắc và khánh thành Cầu vượt ngã ba Huế tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các khu đô thị, khu dân cư mới ở Q.Cẩm Lệ và Q.Liên Chiểu như: Khu đô thị Yên Thế-Bắc Sơn, Khu đô thị Phước Lý, Golden Hills...
Nút giao thông khác mức Ngã Ba Huế được tổ chức giao thông theo 3 tầng, gồm: Tầng mặt đất, Tầng 1 (vòng xuyến) và Tầng 2 (cầu dây văng).
Tầng 2 có bề rộng cầu 17 m, tốc độ thiết kế 60 km/giờ, gồm 4 làn xe chạy (4x3,5 m), mỗi hướng xe chạy gồm 2 làn xe, cho phép tất cả các loại phương tiện xe cơ giới lưu thông qua cầu từ đường Tôn Đức Thắng đến đường Điện Biên Phủ và ngược lại.
Tầng 1 (gồm 1 cầu vòng xuyến và 4 nhánh cầu dẫn nối tầng mặt đất với vòng xuyến. Trong đó, cầu vòng xuyến rộng 15 m, đường kính 150 m, gồm 3 làn xe (xe cơ giới lưu thông 2 làn trong, xe thô sơ lưu thông làn ngoài cùng), tốc độ thiết kế 40 km/giờ.
Đây là cầu vượt đi được tất cả các hướng (Tôn Đức Thắng, Điên Biên Phủ, Trường Chinh và Trục 1-Tây Bắc). Cầu nhánh dẫn mỗi hướng rộng 8 m, gồm 2 hướng lên và xuống, vận tốc thiết kế 40 km/giờ (loại xe lưu thông là xe cơ giới và xe thô sơ). Tầng mặt đất là đường gom rộng 7 m với 2 làn xe chạy không giao cắt đường sắt để phục vụ giao thông đi lại theo hướng từ đường Tôn Đức Thắng về hướng tây bắc và ngược lại; hướng từ đường Điện Biên Phủ về Trường Chinh và ngược lại (cho phép tất cả các loại xe cơ giới lưu thông một chiều trên mỗi hướng xe chạy, người đi bộ đi trên vỉa hè). Ngoài ra còn có cầu đi bộ vượt qua đường sắt dành cho người đi bộ và xe đạp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.