Tiểu thương kêu trời vì chợ ế ẩm

01/12/2014 09:00 GMT+7

Hàng trăm tiểu thương đang buôn bán tại chợ mới Tam Kỳ (Quảng Nam) đòi trả ki ốt, lấy lại tiền thuê trước đó do chợ ế ẩm thê thảm.

Ông Trần Nam Hưng, Phó chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ ghi nhận ý kiến của chị em tiểu thương
Ông Trần Nam Hưng, Phó chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ ghi nhận ý kiến của chị em tiểu thương - Ảnh: Hoàng Sơn

Đến chợ đuổi ruồi

Đã đóng trước 40 triệu đồng để thuê sạp bán giày dép trong vòng 3 năm tại chợ Tam Kỳ, nhưng bà Trương Phan Thi Thi đang có ý định lấy lại tiền đã đặt cọc trước đó vì do nơi buôn bán mới ế ẩm thậm tệ. Bà Thi cho biết, gần 2 tháng chuyển về buôn bán tại chợ này, mỗi ngày, bà chỉ bán được hàng cho vài người khách. “Trước đây, khi ở chợ tạm An Sơn (thuộc P.An Sơn), có lúc chợ kém đông khách nhưng không đến nỗi như bây giờ. Từ khi chuyển về chợ Tam Kỳ, mặc dù là chợ mới, khang trang, sạch đẹp nhưng khách không tìm tới. Tôi cùng hàng trăm chị em tiểu thương hàng ngày ngồi đuổi ruồi, nhìn nhau. Số tiền bán hàng thu được không đủ để trang trải cuộc sống và nợ nần…”, bà Thi than thở. Nhiều tiểu thương khác cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng ế ẩm là do BQL chợ Tam Kỳ chưa chuyển hết số hộ kinh doanh ở chợ tạm An Sơn về. Theo đó, lẽ ra phải chuyển hết khoảng 1.000 hộ kinh doanh tất cả các mặt hàng về chợ mới để tiện buôn bán thì BQL chợ mới Tam Kỳ chỉ chuyển 50% số hộ chủ yếu buôn bán giày dép, áo quần. Số còn lại tại chợ An Sơn là các sạp buôn bán ngoài trời như: hàng ăn uống, rau, củ, quả…

 

Chợ mới Tam Kỳ được đầu tư với tổng mức gần 80 tỉ đồng, tổng diện tích sàn hơn 10.000 m2, công trình gồm 3 tầng và 2 khu dịch vụ ngoài trời tại tầng 3. Chợ được đầu tư hiện đại, với khoảng 500 điểm bán hàng trong nhà.

Anh Nguyễn Trọng Nghĩa, chủ gian hàng tạp hóa tại chợ Tam Kỳ cho rằng, đã gọi là chợ truyền thống thì phải đầy đủ các loại mặt hàng thiết yếu. “Người đi chợ mua miếng thịt, con cá, khi đó họ tranh thủ ghé qua các gian hàng khác thì chúng tôi buôn bán áo quần, giày dép mới có cơ hội bán hàng. Đằng này, khách vẫn tìm tới chợ An Sơn để mua thức ăn, các loại gia vị… thì chúng tôi biết bán hàng cho ai”, anh Nghĩa đề nghị: BQL chợ Tam Kỳ cần chuyển hết các hộ buôn bán tại chợ An Sơn về và đóng cửa chợ tạm này để tạo điều kiện cho tiểu thương…Trong khi đó, nhiều tiểu thương khác phản ánh, mặc dù chưa chuyển hết hàng trăm hộ đang buôn bán tại chợ tạm An Sơn, nhưng tại chợ này đã có thông báo cho thuê lô lại. Việc này càng khiến những bức xúc của các hộ kinh doanh đẩy lên cao vì họ cho rằng mình đang bị BQL chợ Tam Kỳ “lừa về nơi ế ẩm”.

5.12, xóa chợ tạm An Sơn

Các tiểu thương khác cho biết, đã 2 lần họ có ý kiến hoặc kéo trực tiếp đến UBND TP.Tam Kỳ để phản ánh nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Vì quá bức xúc, sáng sớm 27.11, hàng trăm tiểu thương đã kéo đến trụ sở UBND TP.Tam Kỳ để phản ứng. Ông Trần Nam Hưng, Phó chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cùng lãnh đạo BQL chợ Tam Kỳ đã có cuộc đối thoại với các hộ buôn bán. Mở đầu cuộc đối thoại, ông Hưng đã nhận khuyết điểm: các ngành hàng: rau, củ, quả, thịt cá… chưa về chợ Tam Kỳ kịp thời vì nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do Cảnh sát PCCC chưa đồng ý vì hạ tầng chưa đảm bảo. Tại buổi đối thoại, bà Lê Thị Trâm, một chủ ki ốt vải đề nghị UBND TP.Tam Kỳ chuyển hết các hộ đang buôn bán tại chợ An Sơn về chợ Tam Kỳ để tạo điều kiện kinh doanh cho những hộ tại chợ mới. Nhiều tiểu thương khác cũng có ý kiến, nếu không giải quyết được thì BQL chợ Tam Kỳ phải trả lại tiền thuê mặt bằng mà họ đã trả trước. “Chợ đẹp mà làm gì khi buôn bán ế ẩm. Tiền nợ ngân hàng đến kỳ trả, rồi tết nhất gần đến nơi. Không làm được thì trả tiền cho chúng tôi để chúng tôi ra ngoài buôn bán”, bà Trâm bức xúc.

Ông Nguyễn Văn Duyên, Phó BQL chợ Tam Kỳ cho hay, trong thời gian tới, đơn vị này sẽ đốc thúc thi công để chuyển toàn bộ các hộ đang buôn bán tại chợ An Sơn nhằm giải quyết tình trạng ế ẩm như hiện nay. Trước sức ép của hàng trăm tiểu thương, ông Duyên cũng cam kết đến ngày 5.12, sẽ chuyển xong các hộ về chợ Tam Kỳ, đồng thời sẽ dùng thép B40 rào chợ tạm An Sơn lại. Phó chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ Trần Nam Hưng cũng “tuyên bố”: “Hết ngày 5.12, nếu làm không được, sẽ kỉ luật BQL chợ Tam Kỳ… Nói được là làm được, chúng tôi giao trách nhiệm cho BQL chợ Tam Kỳ phải làm được, không có hứa, không thay đổi nữa”. Kết thúc cuộc đối thoại, ông Hưng giao Văn phòng UBND TP.Tam Kỳ có cam kết bằng văn bản với các tiểu thương.

Hoàng Sơn

>> Dự án chợ mới Tân Bình: Chưa ra quyết định cuối cùng
>> Tiểu thương 'ngại' về... chợ mới
>> Chợ 'cóc' ép chợ mới
>> Chợ Tam Kỳ ế ấm, tiểu thương kéo nhau đến UBND thành phố phản ứng
>> Ế ẩm chợ Viềng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.