Từ Kim Đình đến Memory

09/01/2014 14:25 GMT+7

Những ai đến sống ở Đà Nẵng từ giữa những năm 60 thế kỷ trước cho đến ngày giải phóng, sẽ còn nhớ mãi một nhà hàng nổi duy nhất trên sông Hàn: Kim Đình Restaurant.

Từ Kim Đình đến Memory
Kim Đình xưa - Ảnh: tư liệu

Đó là ngôi nhà sàn dựng trên những cột bê tông, mái tôn, vách gỗ (sau thay bằng ghe ghép), đối diện với khách sạn Đà Nẵng (Bạch Đằng ngày nay). Chỉ có những sĩ quan Mỹ, viên chức cao cấp hoặc các phi công quân sự người Việt mới ra vào tại đây. Bên ngoài, trên đường Bạch Đằng, luôn tấp nập những chiếc xe jeep nhà binh. Ngồi ở Kim Đình những năm chiến tranh, có thể nhìn những chiếc tàu Hải quân, những chiếc bo-bo tuần tiểu trên sông. Bên kia sông, một căn cứ Hải quân Mỹ và một bãi trực thăng gần cầu Đen thỉnh thoảng bốc bụi mù trời khi máy bay lên xuống…Chiều chiều, ẩn hiện giữa những chiếc xe Quân cảnh đi tuần tiểu là những tà áo dài nữ sinh chạy những chiếc Yamaha, Candy đi hóng mát sau giờ tan học. Tất cả nhìn vào nhà hàng Kim Đình với ánh mắt xa lạ, cách biệt. Đó là một thế giới khác, không thuộc về giới lao động nghèo Đà Nẵng.

Từ sau năm 1975, Kim Đình vẫn dược giữ lại tên cũ, nhưng đó là cửa hàng mậu dịch quốc doanh, bán cà phê, bánh bao buổi sáng và bán thức ăn “kèm bia” vào buổi chiều. Trong vài chục năm sau, đây cũng là nơi tụ hội, hẹn hò của anh chị em văn nghệ. Thấp thóang phía thượng lưu, những chiếc phà ngang cũ kỹ vẫn chở những dòng người qua lại đôi bờ sông Hàn. “Đùng một cái” cái bến phà ngang biến mất khi người ta xây dựng chiếc cầu đầu tiên qua sông Hàn, sát nách với nhà hàng Kim Đình. Những xóm nhà chồ lần lượt lên định cư ở các khu phố mới. Con đường bờ sông phía đông được mở ra và thêm những chiếc cầu mới: những Thuận Phước, Tuyên Sơn, Đò Xu, Cẩm Lệ…Đất đai phía bờ đông lên giá vùn vụt cùng với các dự án khách sạn du lịch, trường học, bệnh viện và chung cư cao tầng…Bên ni và bên tê sông Hàn phát triển cân đối trong một đô thị rộng mở.

Từ Kim Đình đến Memory
Memory nay - Ảnh: TĐT

“Đùng một cái”, người ta thấy Kim Đình bị phá dỡ. Một nhà hàng xây dựng mới ngay chỗ cũ và vẫn còn giữ lại tên cũ trong cái “Hana Kim Đình”. Người bình dân Đà Nẵng cũng như xưa, khó vào đây vì giá cả đắt đỏ. Sau Hana Kim Đình, nhà hàng một lần nữa chuyển chủ cho mấy doanh nhân địa phương với dự án táo bạo, tạo ra ở đây một địa chỉ sang trong hơn, hiện đại hơn, làm chỗ dừng chân thư giãn cho du khách, doanh nhân với cái tên tiếng Anh đầy hoài niệm: Memory. Ở đó, một cốc cà phê giá cao gấp 10 lần cà phê quán cóc. Với một chiến dịch tiếp thị gắn liền với tên tuổi của Nguyễn Cao Kỳ Duyên, Memory thoáng chốc đã được ghi dấu ấn trong bộ nhớ nhiều du khách đến Đà Nẵng.

Memory hay Kim Đình cứ vẫn là kỷ niệm của nhiều người dân Đà Nẵng. Chỉ cần bỏ ra một buổi chiều, lang thang trên hai bờ sông Hàn thoáng đãng, để nghĩ về ý nghĩa đằng sau sự thay đổi cái tên của một nhà hàng nổi trên sông: Kim Đình- Memory. Đằng sau sự thay đổi đó là số phận của một thị xã nghèo khó, cam chịu trong chiến tranh và vươn lên với một tốc độ phi mã trong thời bình...

Trương Điện Thắng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.