Uốn lại những chồi cong

27/05/2014 10:55 GMT+7

Sau 5 năm thực hiện chỉ thị 24 của Thành ủy Đà Nẵng giúp đỡ gia đình đặc biệt nghèo, học sinh bỏ học và thiếu niên hư, đã có 431/499 em tiến bộ.

Uốn lại những chồi cong
Ông Võ Công Trí, Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng trao bằng khen cho thượng tá Ngô Đình Thu, Phó trưởng Công an Q.Ngũ Hành Sơn có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác cảm hóa thiếu niên hư - Ảnh: D.M

Đại tá Nguyễn Văn Chính, Phó giám đốc Công an TP.Đà Nẵng cho biết, giai đoạn 2008 - 2013 trên địa bàn có 2.524 vụ phạm pháp hình sự, khởi tố 4.369 em, riêng người chưa thành niên phạm pháp là 1.701 em (1.086 vụ), trong đó đáng báo động là trẻ dưới 16 tuổi phạm pháp chiếm 46,8%, bất ngờ hơn là có 148 em dưới 14 tuổi (8,7%) phạm tội, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Về hành vi, vi phạm nhiều nhất là trộm cắp tài sản, gây rối trật tự, ma túy, cướp, cưỡng đoạt tài sản, và đặc biệt nghiêm trọng có cả những vụ giết người, hiếp, cưỡng dâm rất đau lòng. Về trình độ văn hóa, trong số trẻ vị thành niên phạm tội có 59,31% đã bỏ học.

Tháng 8.2009, Chỉ thị 24 ra đời với sự tham gia của các ngành ban thành phố, trong đó chủ lực là công an, cựu chiến binh và đoàn thanh niên. Từ 2010 đến nay thành phố đã chi 4,6 tỉ đồng giúp các em trở lại trường, học nghề, vay vốn làm ăn, mua sắm sinh kế, đồng thời tặng quà cho các em tiến bộ. Năm 2012, 3 ngành Công an, Cựu chiến binh và Đoàn thanh niên thi đua cảm hóa bằng cách nhận giáo dục từng trường hợp cụ thể, bên cạnh đó cũng có nhiều mô hình sáng tạo về công tác này, như mô hình 5 + 1 (gia đình, tổ trưởng dân phố, đoàn thể, công an khu vực, công an phường cùng quản lý 1 thiếu niên hư), 3 + 1 (cán bộ Thành đoàn, quận huyện đoàn và Bí thư Đoàn xã phường kèm cặp 1 em), các CLB giúp nhau cùng tiến, vùng giáo 3 không (không tội phạm, không con nghiện, không có người phạm pháp)... Kết quả 5 năm qua, liên ngành đã quản lý 597 trẻ phạm pháp, ngoài 98 em bị đưa ra khỏi danh sách do bị khởi tố, rời khỏi địa phương, quá tuổi, tử vong... còn lại 499 em thì đã có 431 em tiến bộ. Các em tiến bộ đa phần đã trở lại trường học, học nghề, có việc làm và chưa tái phạm.

Bên cạnh tính nhân văn của chủ trương, được dư luận đồng tình, ủng hộ, thì quá trình triển khai còn thiếu các giải pháp mang tính đồng bộ để công tác cảm hóa thiếu niên hư hiệu quả hơn nữa. Việc quản lý trẻ phạm pháp còn nhiều bất cập, phân công quản lý cho rất nhiều ban ngành, đoàn thể nhưng vừa chồng chéo vừa có lỗ hổng như không quản lý được trẻ rời địa phương hoặc bỏ nhà đi lang thang. Thực tế tại một số địa phương đã có trường hợp cứng nhắc đưa các em vi phạm bỏ học vài lần để chơi game vào diện chậm tiến, khiến bản thân em mặc cảm với bạn bè, gia đình dễ có nguy cơ trượt dài theo hành trình sa ngã.

Trong năm 2014, Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu chung về thiếu niên hư, phạm pháp, công an các địa phương khảo sát nắm tình hình tội phạm do người chưa thành niên gây ra hằng tháng, quý để rút ra nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm để phòng ngừa hiệu quả, qua đó mới thể hiện được vai trò của từng ngành và sự phối hợp giữa các ngành, tránh tình trạng một số cán bộ được phân công còn ngại tiếp xúc để cảm hóa trẻ hư.

Nguyễn Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.