Viêm khớp vảy nến

06/11/2013 08:11 GMT+7

Thưa bác sĩ. Tôi 42 tuổi (nữ), bị sưng đau các đầu ngón tay chân cả 2 bên đã 3 năm, gần đây da tay chân bị bong rất nhiều kèm theo hư móng. Tôi điều trị ở Cần Thơ, bác sĩ nói bị viêm đa khớp nhưng uống thuốc không hết, khi lên Sài Gòn bác sĩ chẩn đoán tôi bị bệnh psoriatic arthritis, nhưng uống cũng chưa thấy giảm. Vậy xin hỏi bệnh tôi là bệnh gì? Điều trị ra sao? Cám ơn bác sĩ.(luhoangoa…@gmail.com)

Ths-BS Trịnh Kiến Trung, Chuyên khoa Nội xương cơ khớp - Bộ môn Nội  Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, Phòng khám Nội xương cơ khớp Y - Nha khoa Vạn Phước.

Chị O. thân mến, những dữ liệu chị cung cấp cho chúng tôi chưa đủ để chẩn đoán được bệnh. Tuy nhiên, chị đã được chẩn đoán là psoriatic arthritis (viêm khớp vảy nến) thì tôi sẽ nêu lên một vài biểu hiện xem có phù hợp với biểu hiện của chị hay không. Nếu không thì chị nên đến bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán xác định bệnh.

Viêm khớp vảy nến được xếp vào nhóm bệnh lý cột sống huyết thanh âm tính. Tuổi mắc bệnh thường gặp từ 30 - 55 tuổi. Tỷ lệ nam và nữ như nhau.

Về triệu chứng tại khớp: thể viêm một khớp hoặc vài khớp ở ngoại vi không có tính chất đối xứng hai bên thường gặp nhất (khoảng 2/3 bệnh nhân). Biểu hiện bởi viêm một khớp lớn như khớp gối, kèm theo viêm một hoặc hai khớp ở ngón tay - ngón chân làm ngón bị sưng to lên có hình khúc dồi. Khi bệnh tiến triển, bệnh nhân sẽ bị viêm các bao gân và viêm thêm nhiều khớp ngón gần hoặc ngón xa khác. Về biểu hiện ngoài da: có những ban đỏ, nổi cộm lên, gờ cao hơn mặt da, ranh giới rõ, có vẩy dày nhiều lớp màu bạc - dễ bong, xuất hiện ở mặt duỗi của khớp khuỷu, khớp gối, tai, da đầu, vùng trên xương cùng hoặc bất cứ vị trí nào. Khi cạo nhẹ vào các ban đỏ gây chảy máu. Về tổn thương móng: bong móng, móng có các khía dọc và dễ gãy, mất độ bóng, móng bị dày lên và có màu vàng bẩn. Chẩn đoán xác định (theo tiêu chuẩn Moll và Wright - 1973): có 3 yếu tố là viêm khớp (viêm khớp ngoại vi và/hoặc viêm khớp cùng chậu hoặc viêm cột sống), có bệnh vẩy nến và yếu tố dạng thấp trong huyết thanh âm tính.

Về điều trị: tùy thuộc vào vị trí và mức độ tổn thương khớp và da, thường kết hợp thuốc kháng viêm không steroid hoặc corticoid với các thuốc điều trị cơ bản (Methotrexat, Sulfasalazin, Chloroquin, Azathioprin, Cyclosporine A). Ngoài ra còn có liệu pháp quang hóa học hoặc suối khoáng.

Chuyên mục trên do Y - Nha khoa Vạn Phước (số 307F Nguyễn Văn Linh, P.An Khánh, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) tài trợ. Mọi thắc mắc về sức khỏe, bạn đọc có thể gửi email, thư tín về chuyên mục theo địa chỉ: vanphuocclinic@gmail.com, bacsicuaban.tn@gmail.com hoặc Y -  Nha khoa Vạn Phước để được giải đáp và tư vấn. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.