Xây dựng Thừa Thiên - Huế xứng tầm là trung tâm lớn của cả nước

26/03/2015 07:00 GMT+7

Nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng Thừa Thiên-Huế, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có chia sẻ về những thành tựu và định hướng phát triển của tỉnh trong những năm tiếp theo.

Nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng Thừa Thiên-Huế, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có chia sẻ về những thành tựu và định hướng phát triển của tỉnh trong những năm tiếp theo.

Xây dựng Thừa Thiên - Huế xứng tầm là trung tâm lớn của cả nướcDiện mạo đô thị Huế nhìn từ trên cao - Ảnh: B.N.L
Ông Nguyễn Văn Cao cho biết, 40 năm kể từ ngày quê hương giải phóng, Thừa Thiên Huế đã vượt qua nhiều gian nan, thử thách, vừa ra sức khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, vừa tập trung phát triển kinh tế - xã hội. Nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng nhanh và bền vững, bình quân hơn 10% năm. Cơ cấu kinh tế chuyển đổi theo hướng tích cực “du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp”; trong đó, ưu tiên phát triển các ngành kinh tế trọng điểm có lợi thế so sánh, phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Đến nay, du lịch, dịch vụ chiếm 55,3% GDP của tỉnh, công nghiệp - xây dựng chiếm 34,1%, nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 10,6%. Tổng thu ngân sách năm 2014 gần 5.000 tỉ đồng; tổng sản phẩm bình quân đầu người gần 2.000 USD. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,06%. Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông đã được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại, chấm dứt tình trạng chia cắt giữa các vùng đầm phá, vùng núi, vùng sâu, vùng xa... Đô thị Huế - đô thị loại 1, là thành phố di sản thế giới, thành phố Festival đặc trưng của VN, thành phố văn hóa ASEAN, thành phố bền vững môi trường, đang từng bước được xây dựng hiện đại, nhưng vẫn bảo tồn, phát huy kiến trúc truyền thống và các giá trị văn hoá Huế.
Việc tổ chức thành công 8 kỳ Festival Huế cùng với các kỳ Festival Nghề truyền thống đã khẳng định vị thế của một thành phố Festival, một trung tâm văn hóa - du lịch đặc sắc của cả nước. Quần thể di tích cố đô Huế và Nhã nhạc cung đình Huế đã được công nhận là Di sản vật thể và phi vật thể của nhân loại. Lĩnh vực y tế với hệ thống thiết chế đầy đủ, từ trường Đại học Y Dược, Bệnh viện Trung ương Huế cùng với các bệnh viện chuyên khoa… đã thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh cho nhân dân và nhiều thành tựu vượt bậc mang tầm quốc gia và quốc tế, như: điều trị ung thư, ghép tim, ghép tạng phức tạp... Công tác an sinh xã hội gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai đồng bộ; tỷ lệ hộ đói nghèo giảm từ 2-3%/năm; 100% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình và có mạng lưới bưu điện - internet…
Theo ông Nguyễn Văn Cao, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu sau: Tạo đột phá phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh gắn với khai thác tốt tiềm năng thế mạnh của tỉnh; lấy dịch vụ - du lịch làm hạt nhân phát triển; phát triển công nghiệp làm động lực đóng góp cho tăng trưởng kinh tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh để phát triển bền vững; Tập trung đầu tư xây dựng, tạo bước đột phá để hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng, xây dựng Thừa Thiên-Huế theo mô hình đô thị “di sản, sinh thái, cảnh quan và thân thiện môi trường”; cùng các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung làm tốt vai trò thúc đẩy phát triển trong vùng; Tiếp tục xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm lớn, đặc sắc về văn hóa du lịch, trung tâm y tế chuyên sâu, phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học và công nghệ, coi đây là hướng đột phá để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng kinh tế tri thức. Tiếp tục cải cách hành chính, củng cố tổ chức bộ máy chính quyền các cấp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Gắn tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, chủ động phòng tránh và ứng phó với biến đổi khí hậu; giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Từng bước nâng cao nhất lượng cuộc sống người dân và về vật chất lẫn tinh thần.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.