Xem thiên nhiên 4 tỉ năm ở Hà Nội

17/05/2014 09:00 GMT+7

“Bảo tàng Tự nhiên đã gói lại cả 4 tỉ năm của thế giới tự nhiên trong phòng trưng bày tiến hóa sinh giới này”, Phó giám đốc Bảo tàng này, TS Vũ Văn Liên nói.

“Bảo tàng Tự nhiên đã gói lại cả 4 tỉ năm của thế giới tự nhiên trong phòng trưng bày tiến hóa sinh giới này”, Phó giám đốc bảo tàng này, TS Vũ Văn Liên nói.


Một trong nhiều mẫu vật của bảo tàng - Ảnh Phương Thảo 

Bộ xương cá đặt trên giá đỡ tạo cảm giác về chính chú cá ấy khi còn sống và đang bơi. Một bộ xương khác nếu đắp đủ da thịt sẽ thành một loài ếch. Bộ xương rắn hổ mang tạo hình rắn đang ngóc đầu. Vô số vỏ ốc đủ loại, đa dạng đến ngỡ ngàng. Tiêu bản cá mặt trăng loại lớn hiếm có. Chúng đa dạng đến mức khó có thể tin nổi. “Phòng Trưng bày tiến hóa sinh giới tái hiện thế giới tự nhiên từ khi sự sống bắt đầu được hình thành trên trái đất cách ngày nay gần 4 tỉ năm. Có cả sự sống đơn giản nhất đến sự kỳ diệu của thế giới sinh vật ngày nay”, bà Lê Phương Thảo, Phó phòng Truyền thông giáo dục của Bảo tàng Tự nhiên chia sẻ. Ngày 15.5 vừa qua, bảo tàng tại nhà A20, số 18 Hoàng Quốc Việt (Hà Nội) đã ra mắt phòng trưng bày mới tinh này.

Các mẫu vật trong trưng bày phần lớn đều “hiếm có khó tìm”. Phần lớn mẫu rất khó thu thập, chẳng hạn như mẫu cá mặt trăng vì cá ở ngoài đại dương, thỉnh thoảng mới có người gặp. Còn thu thập được mẫu do ngư dân đánh bắt về càng khó hơn. Việc xử lý mẫu vật cũng mất thời gian, vì thế, mẫu cá mặt trăng với hình như mặt trăng (bầu dục nhưng gần như tròn) có chiều dài đến 1m như ở đây là cực hiếm.

Phó giám đốc Bảo tàng này, TS Vũ Văn Liên vừa là nhà nghiên cứu, vừa là nhiếp ảnh gia “chuyên trị” ảnh côn trùng- những sinh vật nhiều chân nhiều tay “mất trật tự”. Một bức ảnh của ông chụp sâu non đã được Hội Côn trùng Hoa Kỳ trao giải nhì ảnh đẹp của năm 2009. Ông từng sẵn sàng cho các trường phổ thông mượn cả bộ ảnh côn trùng 200 bức của mình cho hoạt động ngoại khóa. “Trẻ em, học sinh là đối tượng chúng tôi vô cùng quan tâm khi thực hiện trưng bày. Bởi đó là cách khiến cho các bài học sinh học của các em trở nên dễ nhớ, dễ hiểu hơn”, ông Liên nói.

Bản thân bảo tàng cũng chủ động lấy ý kiến của học sinh về trưng bày thông qua việc mời các trường tới tham quan và cho ý kiến. Theo bà Thảo, sinh viên khối chuyên sinh của Đại học Sư phạm Hà Nội, học sinh chuyên sinh trường Hà Nội Amsterdam cũng đã đến xem. Trường đã bố trí các em học sinh khối chuyên sinh tới. Các em đều rất thích. “Đối tượng trẻ em, học sinh có thể đến tham quan bảo tàng miễn phí. Bảo tàng cũng sẽ miễn vé cho phòng trưng bày này trong năm đầu tiên. Như thế, gia đình có trẻ nhỏ và các em sẽ có thêm một điểm đến để khám phá, để chơi như học. Thông tin cho biết một số công ty du lịch cũng đã liên hệ về phòng trưng bày này”, bà Thảo nói.

Trinh Nguyễn

>> Thăm Bảo tàng kiến trúc nhà cổ Việt
>> Bảo tàng tư nhân cổ vật Chămpa
>> Đưa 20 cá thể trai tai tượng khổng lồ vào bảo tàng
>> Xác lập kỷ lục 'Bảo tàng kiến trúc nhà cổ lớn nhất Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.