Xuất hiện nhiều thiết bị phá sóng xe vi phạm

10/09/2014 12:00 GMT+7

Đó là cảnh báo củaTổng cục Đường bộ VN tại hội nghị đánh giá hiệu quả khai thác, sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình (còn gọi là hộp đen) của xe ô tô diễn ra tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ngày 6.9.

Xuất hiện nhiều thiết bị phá sóng xe vi phạm
Một đơn vị vận tải hành khách kiểm tra TBGSHT trước khi xuất bến - Ảnh: Nguyễn Long

Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Quang Bình, Vụ trưởng Vụ vận tải Tổng cục đường bộ VN cho biết, tại một số địa phương đã xuất hiện tình trạng lái xe lắp thêm công tắt để tắt thiết bị khi phương tiện chạy quá tốc độ. “Ngoài ra, trên thị trường hiện nay đã xuất hiện nhiều thiết bị làm nhiễu, phá sóng GPS được nhập từ Trung Quốc với giá rất rẻ gây khó khăn trong việc theo dõi vị trí và xác định vi phạm của lái xe”, ông Bình cho biết.

Gắn hộp đen làm giảm TNGT

Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, từ khi xe ô tô có lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (TBGSHT) thì vi phạm tốc độ/1.000km xe chạy đến nay giảm 1/3. Kết quả này là rất quan trọng để giảm TNGT. Việc các Sở GTVT nhắc nhở, xử lý các phương tiện vi phạm tốc độ giao thông như rút phù hiệu xe thì tỷ lệ số lần vi phạm tốc độ/1.000km giảm đáng kể, từ 9,4 lần/1.000km trong tháng 4.2014 còn 6,2 lần/1.000km trong tháng 7. Tuy nhiên, trong tháng 7, một số địa phương vẫn có tỉ lệ vi phạm tốc độ cao từ 20 lần vi phạm/1.000km trở lên như: Lâm Đồng, Hà Tĩnh, Cà Mau, Phú Yên…

Chưa thống nhất cách tính vi phạm tốc độ

Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp vận tải, đơn vị cung cấp hộp đen đều cho rằng đã có sự sai lệch lớn về số liệu thống kê vi phạm tốc độ giữa Tổng cục Đường bộ VN. Ông Lê Chí Thành, cán bộ điều hành vận tải xe cố định Bảo Lộc – Hải Dương thuộc Công ty TNHH Ngọc Hùng Văn Nhân (Lâm Đồng) bức xúc: "Trong một tháng, từ ngày 17.7 – 19.8.2014, xe ô tô khách biển kiểm soát 49B – 004.36 của công ty chúng tôi bị Tổng Cục đường bộ VN thống kê số lần vi phạm tốc độ là hơn 2.000 lần để Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng rút phù hiệu khiến xe phải nghỉ chạy. Tuy nhiên, theo thống kê của đơn vị cung cấp TBGSHT thì trong thời gian này xe khách trên chỉ vi phạm tốc độ đúng một lần”. Ông Thành nói tiếp, công ty có 5/8 xe vi phạm tốc độ 177 lần từ ngày 1.7 – 4.8.2004 nhưng Hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ TBGSHT của Tổng cục Đường bộ VN lại “kê” đến 8 xe vi phạm với 11.889 lần vi phạm.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN đưa ra nguyên nhân, trên hệ thống của tổng cục đã sử dụng tốc độ cho phép tối đa là 100km/h trên các đoạn đường cao tốc và tốc độ tối đa cho phép đối với từng loại xe. Tuy nhiên, trong thời gian qua, hầu hết các đơn vị cung cấp TBGSHT đang áp mức tốc độ tối đa cho phép cố định trên thiết bị là 80km/h cho toàn bộ các loại xe, kể cả đường cao tốc. “Phương pháp tính toán vi phạm tốc độ chưa thống nhất. Có đơn vị tính toán vi phạm tốc độ ngay trên thiết bị;  có đơn vị  tính trên máy chủ; có đơn vị xác định cứ vi phạm 30s liên tục được tính 1lần vi phạm, nhưng có đơn vị xác định vi phạm từ 30s liên tục đến khi kết thúc vi phạm được tính là 1 lần vi phạm...Chưa hết, tần suất truyền dữ liệu của các đơn vị khác nhau dẫn đến kết quả tính toán cũng khác nhau. Có đơn vị truyền dữ liệu với tần suất 5 – 10s/bản tin nhưng có đơn vị tuyền dữ liệu với tần suất trên 30/bản tin hay 60s/bản tin…Ngoài ra, còn do lỗi kỹ thuật, mạng chập chờn nên đường truyền mất sóng. Chúng tôi tiếp thu ý kiến này”, ông Quyền cho biết.

Ông Quyền cũng đề nghị các Sở GTVT cần phải tính toán, xem xét để tránh oan sai cho doanh nghiệp, người lái xe. Vì vậy phải lấy dữ liệu của nhà cung cấp TBGSHT để làm cơ sở xử lý, chứ đừng lấy kết quả thống kê tại hệ thống của tổng cục mà cho xe của đơn vị vận tải dừng hoạt động, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, Tổng cục Đường bộ VN đã đề xuất Bộ GTVT thống nhất việc xác định vi phạm quá tốc độ sẽ tính toán trên máy chủ của đơn vị cung cấp TBGSHT và máy chủ của Tổng cục Đường bộ VN.

Nguyễn Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.