Nhọc nhằn nghề gánh rác trên đỉnh thiêng Yên Tử

Lã Nghĩa Hiếu
Lã Nghĩa Hiếu
17/02/2019 16:13 GMT+7

Từ độ cao hơn 1.000 m, Hàng ngày, các công nhân phải nhọc nhằn gánh rác từ đỉnh chùa Đồng, nơi có độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, xuống chân núi để non thiêng Yên Tử (Quảng Ninh) luôn được sạch đẹp.

Bắt đầu từ 5 giờ sáng, chị Triệu Thị Chính (45 tuổi, trú tại xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, Quảng Ninh) lại cùng các đồng nghiệp của mình trong Đội vệ sinh của Công ty CP phát triển Tùng Lâm leo bộ lên chùa Đồng để thu gom rác, quét dọn vệ sinh khu danh thắng Yên Tử.
Đội vệ sinh gồm 100 người, được chia làm 3 tổ: thu gom, quét dọn và gánh rác. Trong số đó, cực nhọc hơn cả là 30 công nhân làm công việc vận chuyển rác từ chùa Đồng - nơi cao nhất của dãy Yên Tử, với độ cao 1.068 m so với mực nước biển, xuống khu vực tập kết rác gần chùa Hoa Yên, với quãng đường khoảng 3 km đèo dốc nguy hiểm.
Mỗi công nhân vừa leo bậc đá vừa phải gánh 50 kg rác trên vai Ảnh N.H
Chị Triệu Thị Chính cho biết: “Chúng tôi hầu hết là những lao động địa phương được ký hợp đồng theo mùa, vụ. Mỗi ngày gánh rác từ chùa Đồng xuống Hoa Yên, mỗi người được 275.000 đồng”.
Cũng theo chị Chính, công việc này rất nặng nhọc khi hàng ngày phải leo bộ qua hàng ngàn bậc đá đường rừng, dốc núi. Ngoài ra còn phải chống chọi với thời tiết khắc nghiệt khi trên đỉnh chùa Đồng hầu như luôn có sương mù dày đặc và thay đổi từng giờ, lúc nắng, lúc mưa. Nhiều hôm lạnh đến 0 độ C, có hôm thì nắng chói chang, nhiệt độ lên đến 35 - 36 độ C.
“Vào giờ nghỉ trưa, chúng tôi phải ăn cơm giữa đường rừng, cơm thì chuẩn bị sẵn ở nhà. Khi đến điểm nghỉ thì tranh thủ ăn, nhiều hôm vừa ăn mà hai hàm răng cứ va vào nhau vì lạnh”, chị Chính nói.
Trên đỉnh chùa Đồng luôn có sương mù Ảnh Lã Nghĩa Hiếu
Mặc bộ trang phục lao động bịt kín từ đầu đến chân, sau khi leo hàng trăm bậc đá, anh Lý Văn Dân (36 tuổi), một công nhân gánh rác, chia sẻ: “Công việc của chúng tôi bắt đầu từ 7 giờ và kết thúc vào lúc 18 giờ hàng ngày, mỗi người sẽ phải gánh khoảng 50 kg rác. Người khoẻ mạnh như tôi trung bình gánh được 18 chuyến/ngày".
Cũng theo anh Dân, việc các công nhân bị trượt ngã là thường tình. “Có lần tôi bước hụt bị ngã dúi dụi, rác đổ tung toé, rồi lại phải nhặt hết và gánh tiếp xuống núi”, anh Dân chia sẻ.
Đã là năm thứ 4 làm công việc gánh rác từ đỉnh chùa Đồng, chị Lý Thị Xuyến (38 tuổi, ngụ xã Thượng Yên Công) chia sẻ: “Hầu hết du khách đều không bỏ rác đúng nơi quy định, nên chỉ sau vài giờ buổi sáng là dọc tuyến đường hành hương đâu đâu cũng thấy vỏ lon nước, bánh kẹo và chúng tôi phải nhặt cho hết. Có rác chúng tôi mới có việc, nhưng ai cũng mong mọi người không xả rác, hoặc xả đúng chỗ để lúc nào nơi đất Phật này cũng sạch đẹp”.
Rác được tập kết về gần chùa Hoa Yên rồi vận chuyển bằng tời xuống chân núi Ảnh Lã Nghĩa Hiếu
Theo ông Phạm Văn Dược, Phó Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử, mỗi ngày tổ gánh rác phải đưa khoảng 8 tấn rác bằng đường bộ xuống điểm tập kết ở chùa Hoa Yên để một tổ khác gom rác vào máy tời và đưa tiếp xuống chân núi.
Các công nhân quét dọn vệ sinh để khu di tích luôn sạch đẹp Ảnh Lã Nghĩa Hiếu
“Yên Tử mùa lễ hội sạch đẹp như thế này là nhờ có họ, chi trả cho các lao động do Công ty CP phát triển Tùng Lâm đảm nhận, UBND thành phố Uông Bí cũng hỗ trợ một phần, trích từ tiền vé tham quan khu di tích”, ông Dược cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.