Những đại gia từ hè phố Lê Công Kiều - Kỳ 3: Phát tài trên đôi nạng gỗ

01/09/2014 09:00 GMT+7

Gặp giới kinh doanh và chơi đồ cổ, cái tên 'Hảo cụt' được nhắc đến là người giỏi, thành đạt, chịu chơi và có nghề.

Gặp giới kinh doanh và chơi đồ cổ, cái tên “Hảo cụt” được nhắc đến là người giỏi, thành đạt, chịu chơi và có nghề.


Ông Lê Mỹ Hảo tại cửa hàng số 48 Lê Công Kiều, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Nguyên Nga

>> Những đại gia từ hè phố Lê Công Kiều - Kỳ 1: Tấm bạt 2m2 trên vỉa hè
>> Những đại gia từ hè phố Lê Công Kiều - Kỳ 2: Phù thủy của chiếc máy ảnh

Từng nhập ngũ rồi sang Campuchia vào năm 1978, đến năm 1980, giải ngũ với đôi chân bỏ lại vĩnh viễn tại chiến trường Tây Nam, Lê Mỹ Hảo trở về quê nhà ở Hà Tây hưởng chế độ thương binh loại 1. Đây cũng chính là lý do ông có thêm biệt danh “Hảo cụt”. Nhưng quê nghèo không níu được chân chàng thanh niên lắm hoài bão, Hảo lên Hà Nội làm ăn, xuôi ngược bắc nam từ năm 1983 trên đôi nạng gỗ. Năm 1992, có chút vốn, ông đưa vợ và 3 con vào TP.HCM lập nghiệp bằng nghề mua bán đồ cổ, thuê nhà kinh doanh tại phố Lê Công Kiều.

 

Tôi không chủ trương giữ tài sản bằng đồ cổ mà làm đồng tiền đó phải hoạt động hết công suất và mang lại hiệu quả cao nhất. Khi nguồn tiền thu về từ việc kinh doanh đồ cổ, tôi đổ vào đầu tư mua bán bất động sản và đã thành công

Ông Lê Mỹ Hảo

Mua 20 bán 200

Theo ông Hảo, thời hoàng kim của nghề buôn bán đồ cổ là khoảng từ năm 1992 - 1999, chủ yếu tập trung khách nước ngoài, mua bán với thị trường Campuchia và Thái Lan. Từ năm 2000 - 2005, thị trường “bình bình” cho đến 2006 sôi động trở lại, chủ yếu là giới săn đồ cổ trong nước nhưng “cực kỳ chịu chơi và có ăn”. Cũng trong giai đoạn này, một đôi chóe cao 1,15 m của Trung Quốc có từ thế kỷ 19 được ông Hảo mua chưa tới 20 cây vàng vào năm 1998, bán lại năm 2007 cho khách người Việt với giá 200 cây vàng.

Khủng hoảng kinh tế thế giới bắt đầu năm 2007, nhưng thị trường đồ cổ của VN lại cực kỳ hưng thịnh trong khoảng từ năm 2006 - 2010, đến 2011 mới bắt đầu bị ảnh hưởng, ông Hảo cho biết. Đặc biệt, với thị trường Trung Quốc, đến năm 2013 mới dần chựng lại và đến nay, theo miêu tả của các nhà kinh doanh trên phố Lê Công Kiều là “vắng bóng hoàn toàn người mua đến từ Trung Quốc”. Ông Hảo lý giải: “Có hai lý do. Thứ nhất là hai năm qua, nền kinh tế Trung Quốc đi xuống, người chơi sẽ thưa đi. Nhưng lý do quan trọng hơn, do chiến dịch chống quan tham nhũng khá quyết liệt mấy năm nay ở Trung Quốc nên thị trường này chựng lại. Do người Trung Quốc mua bán đồ cổ chủ yếu để biếu xén quan chức chứ chưa phải để chơi”.

Bắt đồng tiền phải hoạt động hết công suất

Thực tế, khi bắt đầu có của ăn của để, ngoài việc kinh doanh đồ cổ, đầu tư mua bán bất động sản là hướng kinh doanh mà ông Hảo đã nhanh nhạy nắm bắt được và đã thành công. Ông nói thẳng: “Tôi không chủ trương giữ tài sản bằng đồ cổ mà làm đồng tiền đó phải hoạt động hết công suất và mang lại hiệu quả cao nhất. Khi nguồn tiền thu về từ việc kinh doanh đồ cổ, tôi đổ vào đầu tư mua bán bất động sản và đã thành công. Thật ra đồ cổ có tính thanh khoản rất thấp, nếu chỉ mục đích đầu tư rất dễ chôn vốn vào đó. Có nhiều đại gia trong ngành đồ cổ này phải rời cuộc chơi cũng do ôm quá nhiều món đồ cổ trong thời buổi kinh tế suy thoái”.

Năm 2007, ông Hảo mua tiếp căn nhà tại số 38 Lê Công Kiều và năm 2009 mua căn số 36 kế đó. Kế hoạch mua hai căn liên tiếp là để đầu tư xây khách sạn kinh doanh, nhưng do quy hoạch tại phố này buộc phải xây thấp, nhận thấy hiệu suất kinh doanh sẽ không cao nên ông đã bỏ ý định kinh doanh khách sạn. “Nay để cho thuê cho vui, mục đích giữ lại cho con cái sau này bởi dù sao bất động sản ở trung tâm vẫn có giá và khu vực này sẽ sầm uất văn minh khi các dự án xung quanh hoàn chỉnh”, ông Hảo chia sẻ.

Cách đây 8 tháng, từ mảnh đất đã mua trước đó, ông Hảo đầu tư thêm 12 tỉ đồng kinh doanh karaoke Xinh Xinh trên đường Huỳnh Tấn Phát (Q.7). Ông cũng cho biết hiện cơ sở kinh doanh này là nguồn thu chính, nuôi luôn mảng kinh doanh đồ cổ đang thời ế ẩm. “Kinh doanh karaoke đang là thu nhập chính và tạo việc làm cho con cháu tôi đưa từ quê vào. Còn cho thuê hai nhà ở đây (phố Lê Công Kiều - PV), chỉ chưa tới 5.000 USD chẳng đủ để chi tiêu”, ông Hảo bộc bạch.

Bình luận về thị trường đồ cổ, ông Hảo cho rằng chu kỳ suy thoái thường kéo dài khoảng 2 - 3 năm, phải đến năm 2016 mới trở lại bình thường được. Đại gia chơi đồ cổ vẫn chưa có tinh thần quay trở lại với đồ chơi tốn kém này.

Tài sản hơn trăm tỉ

PV Thanh Niên cũng phỏng vấn nhanh đại gia Lê Mỹ Hảo:

* Tổng tài sản của ông hiện có khoảng bao nhiêu?

- Tạm tính khoảng trên 100 tỉ đồng. Trước đây chắc lớn hơn con số này nhiều.

* Ông sẽ chọn đầu tư vào đâu vào thời điểm này?

- Sẽ đầu tư làm khách sạn, không phải vì lợi nhuận cao mà muốn tạo công ăn việc làm cho lao động trẻ trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ.

* Món đồ có giá trị lớn ông vừa bán trong thời gian gần đây là bao nhiêu?

- 5 tỉ đồng.

* Đại gia Việt có thể chơi đồ cổ với trị giá bao nhiêu?

- Có món lên đến 800.000 USD chỉ để chơi. Dân kinh doanh tối đa mua giá lên đến 500.000 USD (khoảng 10 tỉ đồng).

Nguyên Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.