Những kiểu dạy con... trời ơi

15/08/2015 08:39 GMT+7

Trói con vào cột điện, bắt nằm sấp ngoài vườn, bỏ con vào bao... để hù dọa, dạy dỗ khi trẻ mắc lỗi là cách mà nhiều bậc phụ huynh đang dùng dạy con, cháu...

Trói con vào cột điện, bắt nằm sấp ngoài vườn, bỏ con vào bao... để hù dọa, dạy dỗ khi trẻ mắc lỗi là cách mà nhiều bậc phụ huynh đang dùng dạy con, cháu...

Hình ảnh mẹ đánh con bằng chổi gây phẫn nộ trong cộng đồng mạng - Ảnh: cắt từ clip
Thương cho roi cho vọt ?
Báo Thanh Niên ngày 12.7 thông tin em Phạm Thanh Liêm (14 tuổi, ở ấp Long Thuận B, xã Long Phước, Long Hồ, Vĩnh Long) chỉ vì chọc phá tổ ong mà bị dượng đánh đòn, rồi dùng dây trói gần tổ ong dẫn đến bị ong đốt, phải đưa đến bệnh viện cấp cứu. Câu chuyện đã gây nhiều bức xúc trong dư luận.
Những tưởng cách dạy dỗ này hiếm thấy, thế nhưng thực tế vẫn xảy ra khá nhiều. Trong lúc anh Tôn Văn Phong (H.Giồng Riềng, Kiên Giang) làm vườn thì nghe hai con là Khánh (8 tuổi) và Khả (4 tuổi) cãi nhau. Nóng giận, anh Phong lấy cây đánh tới khi mặt con nổi lằn đỏ.
Chưa dừng lại, anh còn cho con vào bao dọa cột miệng ném xuống sông, may có nhiều người can ngăn nên sự việc tạm dừng lại. Thế nhưng, đến chiều khi đi thăm ruộng trở về, anh Phong vẫn chưa nguôi cơn thịnh nộ, tay cầm một cuộn dây thừng quát lớn, bắt hai con ra sau hè nằm sấp xuống bờ đất. Thấy cháu bị kiến đốt và nguy cơ rắn rết cắn, bà nội của Khánh và Khả bế vào nhà nhưng cả hai nhất định không chịu vì sợ ba về sẽ đánh thêm.
Tương tự là kiểu dạy con của ông Lê Xuân Trường (H.Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc). Sau khi nhận giấy báo của trường về việc con trai thường xuyên nghỉ học không phép, ông theo dõi và bắt gặp con bỏ học, vào quán chơi game. Vậy là ông một tay xách con, một tay cầm cây đánh từ quán game về tới nhà, sau đó lấy dây thừng trói con vào cột điện ở ngoài đường tiếp tục đánh.
Trong lúc chồng đánh con, vợ ông đứng cạnh không ngừng chửi bới, khiến nhiều người chứng kiến không khỏi xót xa. Giải thích việc trói con ở cột điện, ông Trường cho rằng: “Đánh đau nó cũng không chừa thì phải trói ngoài đường cho nhiều người nhìn thấy. Bạn bè chạy tới xem nó xấu hổ lần sau nó mới chừa”.
Đau lòng hơn là trường hợp của Mạnh Khang (H.Dĩ An, Bình Dương). Nhà có hai anh em trai nhưng cha mẹ có sự đối xử thiên lệch hoàn toàn. Khi làm sai bất cứ chuyện gì, Khang đều bị cha mẹ mắng chửi, đánh đập thậm tệ, trong khi em trai Khang luôn được cưng chiều. Nhiều người trong xóm nhăn mặt nhớ lại những trận đòn trút vào Khang. “Cha mẹ đánh con mà còn hơn kẻ thù. Mỗi khi Khang làm chuyện gì sai, cha mẹ nó thường kéo nó tới đống củi dùng cây để đánh. Cây này gãy thì lấy cây khác đánh tiếp. Sau những trận đòn, Khang còn bị treo ngược lên cây, hoặc dìm xuống sông cho tới khi tím tái mới thôi”, anh Nguyễn Trường Rơi (anh họ của Khang) bức xúc.
Về phía Khang, mỗi lần bị cha mẹ đánh xong lại trở nên lì lợm hơn. “Em không biết mình có phải con ruột của cha mẹ không, nhưng em không cảm nhận được tình thương. Em thấy ngôi nhà này chẳng khác gì địa ngục”, vừa nói Khang vừa lau nước mắt.
Trong khi đó, gia đình anh Nguyễn Văn Hằng (Q.Thủ Đức, TP.HCM) thấy con sai ở đâu sẽ phạt ngay tại đó. Trong bữa cơm, chỉ vì con mở nắp làm đổ chai nước ngọt mà người cha này bắt con phải uống ly nước đầy chỉ một hơi, nếu không hết sẽ bị đánh đòn, mặc đứa bé phải uống hết chai nước ngọt trộn cùng nước mắt. Không kém phần khắc nghiệt, trong bữa cơm, thấy con làm vương vãi bà Nguyễn Hoàng Oanh (H.Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) phạt bằng cách bắt con cúi xuống liếm cơm rơi ở dưới sàn.
Con muốn làm gì... thì làm
Ngược với cách dạy con có phần khắt khe ở trên, nhiều người lại coi con như vàng ngọc, sợ con giận, lo con đói... nên để cho con sống theo sở thích.
Như gia đình anh Huỳnh Thế Toàn, ở H.Nhà Bè, TP.HCM. Anh Toàn kinh doanh địa ốc, chị Thái (vợ anh) quản lý cửa hàng thời trang. Con gái anh chị, Ngọc Anh (14 tuổi) thường xuyên quát nạt người làm, mỗi lần có việc không vui thì quăng đồ đạc khắp nhà. Thậm chí, có lần Ngọc Anh còn hất cả tô mì nóng vào người giúp việc chỉ vì bà này bỏ hành vào tô mì. Chứng kiến những việc làm của con nhưng vợ chồng anh Toàn chỉ phẩy tay cho qua, nhiều khi còn mắng người làm vì không biết chiều theo ý “cô chủ”.
Tương tự là trường hợp chị Trần Ngọc Sang (Q.2, TP.HCM). Chồng thường xuyên đi công tác nước ngoài, chị lại bận công việc nên bù đắp cho con bằng cách chu cấp tiền. Chị đưa tiền cho con theo tháng, nhưng có khi chưa hết tuần đầu của tháng, Kiệt (con trai chị) đã tiêu hết tiền và tiếp tục xin mẹ. Những lúc như vậy, chị Sang mắng con rất nặng lời, nhưng Kiệt chỉ cần bỏ nhà đi vài ngày là chị lại nhờ người gọi con về và đồng ý cho thêm tiền kèm theo một câu nói: “Chỉ có lần này thôi nhé!”…
Ý KIẾN
Hãy “xỏ chân” vào chiếc giày của trẻ...
Cấm đoán khắt khe là biểu hiện của sự bất lực. Buông thả không quan tâm là biểu hiện của sự vô trách nhiệm. Cưng chiều chăm chút là biểu hiện của cách dạy con “yếu đuối”. Nếu chúng ta đã khiến những đứa con trở nên “hư” thì chúng ta cũng có thể dạy cho chúng trở thành trẻ tốt. Hãy “xỏ chân” vào chiếc giày của trẻ để cảm nhận những kết quả hay hậu quả mà chúng ta mang đến qua mỗi cách ứng xử của mình. Nếu bố mẹ có thể “đi giày” của con thì đứa con ấy mới thật sự hạnh phúc.
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu
(Khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
Hãy cho trẻ được sống trong một gia đình không có bạo lực
Con trẻ cần được yêu thương, tôn trọng, dùng đòn roi là đi ngược lại điều đó. Các tổ chức trong xã hội, cơ quan truyền thông cần tăng cường các chuyên mục nuôi dạy con để giúp các bậc cha mẹ có thêm kiến thức để áp dụng vào thực tế. Tuy nhiên, cách tốt nhất là hãy giáo dục cho trẻ và hãy cho trẻ được sống trong một gia đình không có đánh đập, thì khi lớn lên làm cha mẹ sẽ ít có nguy cơ sử dụng hành vi bạo lực với con cái.
Thạc sĩ Bùi Hồng Quân
(Sở LĐ-TB-XH TP.HCM)
Nên cho con học từ thực tế
Tôi làm kinh doanh nên thời gian rảnh rất ít. Để tạo điều kiện cho con học tập và giúp đỡ những gia đình khó khăn không có điều kiện lo cho con ăn học, hằng năm tôi đều nhận bảo trợ vài gia đình. Mỗi tháng một lần vào thứ bảy, chủ nhật của tuần cuối cùng trong tháng và kỳ nghỉ hè tôi đưa con tới các gia đình đó cho con cùng ở, cùng phụ việc, cùng học tập với con cái họ... để các con mình tự cảm nhận về cuộc sống và có lối sống sao cho phù hợp.
Trịnh Thế Dân
(Ngụ ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.