Nơi an nghỉ của tông đồ Matthew

07/09/2015 05:25 GMT+7

Tàn tích của một nền văn minh cổ đại đã biến mất vừa được tìm thấy bên dưới vùng hồ ở Kyrgyzstan, nơi được cho là đã chôn cất một trong 12 tông đồ của chúa Jesus là Matthew.

Tàn tích của một nền văn minh cổ đại đã biến mất vừa được tìm thấy bên dưới vùng hồ ở Kyrgyzstan, nơi được cho là đã chôn cất một trong 12 tông đồ của chúa Jesus là Matthew.
Tranh chân dung của tông đồ Matthew - Ảnh: Rembrant
Tranh chân dung của tông đồ Matthew - Ảnh: Rembrant
Theo trang tin The Siberian Times, các thợ lặn Nga đã có phát hiện vô cùng ý nghĩa đối với tín đồ Thiên Chúa giáo tại hồ Issyk-Kul, nơi một thành phố cổ khác từng được phát hiện vào năm 2007. Phát hiện chấn động nhất chính là một mảnh gốm sứ với dấu triện bên trên, khắc bằng ngôn ngữ Armenia và Syria, mà theo trưởng nhóm thợ lặn Dmitry Gorn nhận xét rằng thuộc dạng “độc nhất vô nhị”. Cổ vật này có thể chứng minh rằng từng tồn tại một tu viện Armenia tại khu hồ trên, mà theo huyền thoại là nơi đặt di thể của thánh Matthew và nhiều di vật của ông.
Các thợ lặn của Đại học Quốc gia Tomsk ở Siberia đã tìm thấy hơn 200 cổ vật, được cho là có từ nền văn minh Saka vốn kéo dài khoảng 2.500 năm, ở độ sâu hơn 21 m. Quá trình phân tích cổ vật đang được triển khai, nhưng các nhà khảo cổ học cho rằng phát hiện mới có thể ủng hộ giả thuyết từng có một tu viện từ thời Trung cổ tại đây. Lâu nay, một số giả thuyết xuất phát từ Chính thống giáo tin rằng tông đồ Matthew cuối cùng cũng được an nghỉ sau thời gian dài kể từ khi qua đời. Một quan điểm khác cũng được lưu truyền rộng rãi là nhân vật nổi tiếng trong kinh Phúc âm được chôn cất tại nhà thờ Salerno ở Ý.
Mực nước của hồ Issyk-Kul, vùng hồ lớn thứ 10 thế giới tính theo khối lượng nước và được bao quanh bởi dãy núi Tian Shan, đã dâng lên đột ngột kể từ thời cổ đại và trung cổ, đó là lý do tại sao các tàn tích giờ đây nằm chôn sâu dưới đáy hồ. Issyk-Kul được xem là khu vực vô cùng bí ẩn, không hề có luồng nước thông ra bên ngoài, dù một số chuyên gia cho rằng nó được bơm nước từ sông địa phương thông qua đường dẫn nằm sâu dưới lòng đất. Nó nằm trên tuyến đường Tơ lụa cổ, và là hồ nước mặn lớn thứ hai trên thế giới sau biển Caspi.
Sử gia Hy Lạp Herodotus, sống vào thế kỷ thứ 5 trước CN, đã đề cập đến dân Saka ở Trung Á, rất ưa chuộng thức uống gây chuếnh choáng vào thời cổ đại, gọi là Soma (còn gọi “thức uống của các vị thần”). “Cuộc thám hiểm dưới nước đã cho phép chúng tôi tìm ra một khu định cư Saka chưa từng lộ diện trước đó, với những dấu hiệu rõ ràng về hoạt động đúc đồ đồng từng diễn ra ở đáy hồ Issyk-Kul”, theo trưởng nhóm thợ lặn Gorn. Họ sử dụng ống bơm thủy lực, thiết bị dò tìm kim loại và các đồ dùng khác. Ngay sau khi nhóm của Gorn thông báo về việc phát hiện mảnh gốm sứ được cho là thuộc về nền văn hóa Saka-Usun, hầu như chắc chắn là chỉ sử dụng cho nghi lễ tôn giáo do nó được tìm thấy gần một điểm chôn cất, giáo sĩ Chính thống giáo Vladimir - Tổng giám mục vùng Tashkent và Trung Á - lập tức lên tiếng: “Thánh Matthew đã qua đời tại Syria”. Ông cho biết sau khi thoát khỏi sự áp bức của chính quyền Rome, các tín đồ đã mang theo di hài của Matthew đến mảnh đất này. “Thánh tích được lưu giữ bên trong tu viện, nằm trên bờ hồ Issyk-Kul”, Tổng giám mục Vladimir nhấn mạnh. Một bản đồ từ thế kỷ 14 do nhà vẽ bản đồ Abraham Cresques xác lập đã được dẫn chứng để ủng hộ quan điểm trên. Tuy nhiên, giới quan sát lưu ý cần phải đợi kết quả kiểm tra các cổ vật trước khi rút ra kết luận cụ thể.
Mảnh gốm có dấu triện được cho là từ thời nền văn hóa Saka-Usun - Ảnh: The Siberian TimesMảnh gốm có dấu triện được cho là từ thời nền văn hóa Saka-Usun - Ảnh: The Siberian Times
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.