Nỗi buồn mang tên Zimbabwe

26/06/2016 15:10 GMT+7

Tôi cứ ngỡ với sự nghèo nàn và lạc hậu của Zimbabwe thì những điểm du lịch cũng sẽ xô bồ và nhếch nhác nhưng nó hoàn toàn trái với những gì mà tôi suy nghĩ.

Sau 2 giờ bay từ thủ đô Nairobi của Kenya, tôi đáp xuống sân bay Living Stone, thành phố nằm ở miền nam của đất nước Zambia. Từ đây, chúng tôi tiếp tục hành trình vượt biên giới để đến Zimbabwe. Chỉ vài ngày lưu lại nơi đây nhưng đã để lại trong tôi vô vàn cảm xúc.Thác Victoria - kỳ quan thế giới
Thác Victoria nằm giữa biên giới hai nước Zambia và Zimbabwe. Đây là một trong tam đại thác nổi tiếng trên thế giới. Nếu thác Niagara ở biên giới Canada và Mỹ là con thác có lưu lượng dòng chảy lớn nhất thế giới, thác Igazu giữa biên giới 2 nước Argentina và Brazil là con thác có chiều rộng lớn nhất thế giới thì Victoria là con thác cao nhất thế giới.
Tôi cứ ngỡ với sự nghèo nàn và lạc hậu của Zimbabwe thì những điểm du lịch cũng sẽ xô bồ và nhếch nhác nhưng nó hoàn toàn trái với những gì mà tôi suy nghĩ. Đường vào thác khá đẹp và sạch sẽ.
Thiên nhiên nơi đây được bảo vệ khá nghiêm ngặt. Những điểm dừng chân ngắm cảnh được xây dựng hợp lý và thẩm mỹ. Thác Victoria có thể ngắm từ hai phía, nhưng có thể nói quang cảnh thác nhìn từ địa phận của Zimbabwe thì hùng vĩ và có phần đẹp hơn.
Nỗi buồn zimbabwe 1
Sau khi đi qua đoạn đường hơn 1 km có nhiều cây mọc hai bên khá mát mẻ, chúng tôi nghe tiếng thác đổ ầm ầm vang dội. Đến gần hơn, nhìn xuống vực tôi nhìn thấy dòng thác cao khủng khiếp - khoảng 108 m - đang đổ nước trắng xóa xuống vực sâu. Ánh nắng mặt trời xuyên qua làn hơi nước tạo thành chiếc cầu vồng rực rỡ, vài con chim chuyền cành gọi nhau giữa trưa hè yên ả, dòng nước cuồn cuộn trôi đi về hướng hạ nguồn.
Men theo dọc con thác thêm hơn 1 km nữa, những vực sâu và thác ghềnh lần lượt hiện ra. Một quang cảnh bao la hùng vĩ đến sững sờ, tôi nằm lên tảng đá thò đầu xuống vực sâu nhìn dòng nước chảy giữa hai vách đá dựng đứng. Một cảm giác chơi vơi rờn rợn.
Đêm Phi châu
Con thuyền chầm chậm đưa chúng tôi đi dạo trên đoạn sông của dòng thác Victoria, vài con hà mã khổng lồ bơi trên dòng nước. Hoàng hôn xuống dần, ráng trời chiều nhuộm xuống dòng sông, không gian thật yên bình. Châu Phi thật quyến rũ.
Đêm đó, chúng tôi đến một nhà hàng đậm chất Phi châu có tên gọi Buma để dùng bữa tối. Một hồi trống vang lên, những chàng trai và các cô gái Zimbabwe trong điệu nhảy rộn ràng tiếng trống chào đón khách. Chúng tôi được khoác lên người một chiếc áo truyền thống của Zimbabwe. Buổi ăn tối được phục vụ khá thịnh soạn.
Có rất nhiều những món thịt rừng tươi ngon nướng trên than hồng thơm phức. Nào lợn, bò, gà rừng cùng nhiều món khác. Và cơ man là xà lách tươi giòn cùng hàng chục loại bánh tráng miệng thơm mùi bơ ngào ngạt...
Nỗi buồn zimbabwe 2
Nỗi buồ̀n mang tên Zimbabwe
Nhìn những con phố ngăn nắp, đường sá chỉn chu, tôi cảm nhận rằng đất nước này đã từng có những tháng ngày thịnh vượng. Nhưng điều gì đã khiến cho đồng tiền mất giá thê thảm đến mức trở thành câu chuyện cười của cả thế giới?
Thiên nhiên ở đất nước này cũng rất trù phú và màu mỡ. Hai bên đường, cơ man nào là những cây xoài trĩu quả, những hàng cây hoa sứ xanh mượt nở hoa rợp cả một góc trời. Nhìn lớp đất màu đỏ bazan bên đường khá đậm và màu mỡ, tôi biết rằng cái nghèo đói và khó khăn ở đất nước này trong giai đoạn hiện nay không phải do thiên nhiên mà do chính con người, có thể từ sự điều hành và quản lý đất nước gây ra.
Trước giai đoạn 1975 có khoảng 296.000 người da trắng sinh sống và làm việc tại Zimbabwe. Họ có những đóng góp khá quan trọng cho nền kinh tế của đất nước này. Đa phần họ là chủ các trang trại hoặc đồn điền. Tuy nhiên từ những năm 1980, những chính sách bài xích làm cho số lượng người da trắng sinh sống ở đây ngày càng giảm dần, đặc biệt sau chính sách cải cách ruộng đất những năm 2005, buộc họ phải bỏ nước ra đi hoặc bị bỏ tù.
Nỗi buồn zimbabwe 3
Tác giả (phải) và một người địa phương Ảnh: Trần Văn Trường
Và rồi tham nhũng bắt đầu tràn lan, kinh tế kiệt quệ, ngân khố cạn kiệt nhưng giới chức trách vẫn cứ vô tư in tiền ra mà xài. Hệ lụy của sự điều hành đất nước yếu kém đó đã dẫn đến việc lạm phát siêu phi mã, mệnh giá của đồng tiền Zimbabwe mất giá kỷ lục. Cả tỉ đồng tiền Zimbabwe chỉ đủ mua một ổ bánh mì, thậm chí là tờ tiền hai trăm tỉ cũng không đủ mua một thỏi son.
Ngày tôi đến thì đồng tiền của Zimbabwe chỉ còn là ký ức từ lâu. Nó không còn quyền năng hay giá trị mua sắm nào nữa. Chỉ có những người lữ khách như tôi tìm mua với cái giá thật rẻ để làm quà lưu niệm.
Cầm 10 đô la Mỹ, tôi có thể mua cho mình một xấp tiền Zimbabwe đủ loại mệnh giá mà khi cộng lại là hàng chục tỉ đồng. Nhìn cảnh chúng tôi mua mua bán bán và cười nói về đồng tiền Zimbabwe, có lẽ cô hướng dẫn địa phương cũng hiểu rằng chúng tôi đang cười về các con số “vĩ đại” được in trên tờ tiền Zimbabwe.
Thoáng một nét buồn pha lẫn nỗi đau của một người chủ nhà ở một đất nước đang thời khánh kiệt như Zimbabwe, cô khẽ cúi đầu quay đi không nói gì mà lặng nhìn xa xăm ra khung cửa kính ô tô. Một nỗi buồn man mác trên đất nước Zimbabwe xâm chiếm trái tim tôi...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.