Nỗi buồn nhà ngoại

23/03/2013 08:35 GMT+7

(TNTS) Câu “xuất giá tòng phu” nghe như đã trở thành “di sản” của thế kỷ 20 rồi, thế nhưng với gia đình bà Kết, thì từ khi cô con gái lớn đi lấy chồng, bà thấy như xa cách con thật sự, dù nhà chồng của Xinh, con gái bà, chỉ cách nhà bà một con phố ngắn.

Hôm giỗ ông vừa rồi, bà Kết cùng cô con gái út lui cui nấu nướng, cúng kiếng. Đến giờ chót, Xinh điện thoại qua nhà, nói một câu gọn lỏn: “Con phải đi công chuyện quan trọng với chồng con, muộn con qua thắp nhang cho ba”. Thế rồi chờ mãi, đêm đã khuya, bà Kết cũng không thấy bóng dáng Xinh đâu. Bà thở dài, đành khép cửa đi ngủ.

Sáng sớm hôm sau, chiếc xe hơi xịn đỗ xịch trước cửa, Xinh vội vàng bước xuống, vào nhà, vội vàng cắm nén hương lên bàn thờ ba rồi ngúng nguẩy bỏ đi. Ngoài xe, chồng Xinh có vẻ bực bội vì vợ vô nhà... hơi lâu. Cửa xe sập lại, xe lao vút đi trong cái nhìn buồn bã của bà Kết.


Minh họa: Văn Nguyễn 

Nhà chồng Xinh là ngôi nhà mặt tiền to nhất khu phố bên cạnh, với dãy ba cửa hàng bán bánh kẹo liền nhau. Khi Xinh lấy chồng, ai cũng mừng cho cô, vừa lấy được chồng giàu vừa gần nhà mẹ. Chẳng trông chờ con gái đem của về cho, nhưng bà Kết cũng không giấu niềm hãnh diện khi thấy con gái lấy chồng danh giá như vậy. Điều không ngờ là thái độ của nhà chồng Xinh, họ nhanh chóng quay mặt lạnh lùng, không còn nhiệt tình, quan tâm thể hiện như khi chưa cưới được con gái bà - vốn xinh đẹp y như cái tên bà đặt cho con.

Trước kia gặp bà, họ giả lả hỏi han, biếu cái này cái nọ, luôn tỏ ra không đặt nặng vấn đề môn đăng hộ đối. Nhưng đám cưới vừa xong, bà Kết đã thấy họ thay đổi thái độ ngược lại hẳn. Khi bà thu lại một số phong bì bên nhà gái “để trang trải số tiền mượn lo đám cưới”, thì mẹ chú rể quay sang cô dâu nói mát ngay: “Tiền phong bì cưới bên đằng trai mẹ cho hai đứa hết, cứ giữ cả lấy, chứ đáng bao nhiêu đâu mà thu lại. Lo có cái đám cưới cho con còn thu tiền lại thì...”. Câu nói như gáo nước lạnh dội vào bà Kết. Rồi tiếp đó, mẹ chồng Xinh bắt đầu đưa ra những quy định “con gái lấy chồng rồi phải lo nhà chồng, về nhà mẹ đẻ nhiều không hay”, “việc nhà chồng phải ưu tiên”... Mà bà cũng không phải dạy nhiều, chính Xinh lại rất nhiệt tình quán triệt điều đó.

Cô bắt đầu ngại về sự nghèo nàn, giản dị của nhà mình. Ba mất sớm, mẹ sống bằng lương hưu, em gái đi làm công nhân may lương chẳng là bao, ăn tiêu gì cũng phải tằn tiện. Trong khi đó, nhà chồng Xinh thì giàu có sang trọng, tuần nào cũng tiệc tùng, khách khứa toàn người cũng giàu sang như thế. Cô bận rộn với việc nhà chồng, lo “nâng cấp” chính mình cho sành điệu để không bị chê bai xuất thân nghèo. Hằng tháng Xinh cũng không qua nhà mẹ, tiền bạc chẳng giúp thêm, như cô đã nói thẳng với mẹ: “Con lấy chồng chẳng có của hồi môn đã... nhục, lại còn giấu giếm cho mẹ, người ta biết... cười chết”.

Xinh vừa xinh đẹp vừa khôn khéo nên cố gắng cũng kiếm được cái bằng đại học, trong khi cô em kém hơn phải học may để đi làm công nhân. “Con tự lo tự học, tự kiếm được tấm chồng giàu, may người ta lấy con cho con đổi đời, mẹ chẳng lo được gì nên giờ không thể trách con”, đã có lần Xinh nói thẳng với bà như vậy. Bà Kết tính hiền lành, chỉ giận mình không có phước.

Đỗ Hoàng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.