Nữ "chủ hộ" anh hùng của gia đình hơn 300 người

01/03/2006 22:03 GMT+7

Nữ tu Mai Thị Mậu vinh dự là nữ tu công giáo đầu tiên được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động. Năm nay bà bước vào tuổi 65, nhưng vẫn là "chủ hộ" của một "đại gia đình" gồm trên 300 con người, trong đó 95% là người dân tộc K'ho và Nùng; phân nửa trong đó lại là những người tàn tật do bệnh phong, chỉ biết trông nhờ vào sự chăm sóc của người khác.

Năm 27 tuổi, sau khi tốt nghiệp trung cấp y tá, nữ tu Mai Thị Mậu đã tình nguyện về sống và phục vụ những người phong cùi ở trại phong Di Linh (Lâm Đồng). Có thể nói, sau linh mục Cassaigne là người có công thành lập trại phong (năm 1927) thì nữ tu Mai Thị Mậu là người gắn bó lâu nhất với các bệnh nhân phong suốt 38 năm qua. Bệnh nhân phong vẫn thường gọi bà là Mẹ một cách trìu mến thân thương. Cụ Ka-Pao 67 tuổi, cụt cả 2 chân, có hơn 50 năm là thành viên của "gia đình" xúc động nói: "Ở đây sướng lắm! Được ở nhà đẹp, được Mẹ cho uống thuốc, cho ăn uống đầy đủ, lại còn giặt giũ áo quần cho nữa. Mẹ tốt lắm!". Còn cụ V.S quê mãi Đà Nẵng, cả nhà bị bệnh phong, đã tìm về đây xin nương tựa, cụ thổ lộ: "Thú thật có lúc sống trong tuyệt vọng tôi chỉ muốn chết đi cho nhanh, nhưng được Mẹ Mậu và các nữ tu, cán bộ y tế ở đây động viên tinh thần, đút cho mình từng miếng cơm, miếng cháo, chăm lo từng giấc ngủ… nhờ đó tôi lấy lại được niềm tin cuộc sống. Các con tôi lành bệnh, được cấp nhà cho ở, cấp đất để sản xuất. Ơn này tôi phải mang suốt đời!".


Nữ tu Mai Thị Mậu nhận Huân chương Lao động.

Từ khi thành lập đến nay, Khu điều trị phong Di Linh đã điều trị nội trú cho trên 2.100 người và hàng trăm người được điều trị ngoại trú tại gia. Hiện nay, Khu trực tiếp điều trị và chăm sóc tàn tật cho 130 người; gần 150 người khác sau khi lành bệnh được cấp đất, cấp nhà để sống tự lập. Khu còn tổ chức chăn nuôi, sản xuất tập thể để mọi người giúp đỡ nhau, người mạnh giúp người yếu trong một thời gian đến khi họ có khả năng hoàn toàn tự lập. Đặc biệt, tất cả các con cháu bệnh nhân phong đều được đến trường 100% từ độ tuổi mẫu giáo cho đến đại học, tất cả học phí, chi phí ăn ở nữ tu Mậu đều đi vận động lo cho. Hiện nay, có 9 em đang theo học bậc đại học tại Đà Lạt và TP.HCM, 5 em học trung học y tế, kế toán, thiết kế xây dựng, thú y, cơ khí và một số khác đang được gửi đi học các ngành nghề khác... Nữ tu Mai Thị Mậu cho biết có 14 con em sau khi tốt nghiệp đã tình nguyện về lại Khu điều trị để cùng các nữ tu chăm sóc bệnh nhân phong trong vai trò bác sĩ, y sĩ, hộ lý, nhân viên cấp dưỡng, điện máy... "Chúng tôi quyết tâm em nào học xong 12 đều phải học bậc đại học hoặc cao đẳng, để mong sau này các em có tương lai vững chắc" - nữ tu Mậu tâm sự.


Các y bác sĩ trẻ là con em của bệnh nhân phong đang chăm sóc bệnh nhân.
Năm 2001, Khu điều trị phong Di Linh và nữ tu Mai Thị Mậu vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng III. Năm 2005, bà là một trong 12 chiến sĩ thi đua tiêu biểu đại diện cho tỉnh Lâm Đồng tham dự Đại hội thi đua yêu nước được tổ chức tại thủ đô Hà Nội. Ngày 25.2.2006, tại Khu điều trị phong Di Linh, Sở Y tế Lâm Đồng long trọng tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động cho nữ tu Mai Thị Mậu. Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, nữ tu xúc động: "Chỉ mình bản thân tôi cũng chẳng làm được gì, đây là công sức của tập thể cán bộ công nhân viên của trại, mà tôi chỉ là người đại diện để nhận thôi". Bà nói tiếp: "Được vinh dự như hôm nay phần lớn là nhờ sự hợp tác của anh chị em bệnh nhân phong, các cháu và đội ngũ cán bộ công nhân viên. Hai bên vừa cho và nhận đó thôi, bệnh nhân phong chấp nhận để chúng tôi giúp đỡ, chăm sóc. Chúng tôi xem đây là gia đình của mình, là nơi đem lại niềm tin tưởng cho mọi người, niềm vui tươi hạnh phúc và hơn hết là tình yêu thương nhân loại".

Lâm Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.