Nữ thủ lĩnh Hải tặc đến từ Iceland

13/11/2016 20:02 GMT+7

Iceland vừa khiến thế giới phải chú ý với sự trỗi dậy của đảng Hải tặc trong cuộc bầu cử vừa rồi, làm nóng lại làn sóng chống phản chính thống vốn đã lan ra khắp nơi.

Làn sóng ấy đã làm bệ phóng cho phong trào Five Star ở Ý, cho chiến thắng của Thủ tướng Alexis Tsipras ở Hy Lạp, cho sự xuất hiện của ứng viên tổng thống Mỹ kiểu mới như Bernie Sanders và truyền cảm hứng cho cuộc bỏ phiếu Brexit ở Anh. Còn ở Iceland, làn sóng ấy mạnh mẽ một cách bất ngờ, làm bệ phóng cho một người phụ nữ đặc biệt bước vào vũ đài chính trị.
Chính trị gia… vô tình
Cô bé học trò trong một chuyến đi thăm tòa nhà quốc hội Iceland do trường tổ chức đã chẳng buồn bước vào bên trong, thay vào đó là ngồi trên xe viết một bài thơ về sự hủy diệt hàng loạt của vũ khí hạt nhân. Cô bé ấy không hề nghĩ đến chuyện chính trị nhưng sự sụp đổ nền tài chính ở đất nước này năm 2008 đã khiến cuộc đời cô hoàn toàn thay đổi. Và từ năm 2009, cái tên Birgitta Jónsdóttir được biết đến, lúc này bà ở tuổi 42, được bầu vào quốc hội gồm 63 ghế của Iceland với tư cách là thành viên của đảng Phong trào công dân. Năm 2012, bà tiếp tục giữ được ghế ở quốc hội nhưng dưới một lá cờ mới - đảng Hải tặc mà bà và các nhà hoạt động internet cùng sáng lập. Họ đi theo tiếng gọi của phong trào các đảng Hải tặc vươn ra khắp thế giới với tuyên ngôn “Cả cộng đồng cùng góp sức” nhằm cải tổ nền chính trị ở đất nước này.
Nữ thủ lĩnh Hải tặc đến từ Iceland 1
Tự nhận mình là “một bà mẹ đơn thân thất nghiệp vô tình trở thành chính trị gia”, bà Jónsdóttir cho biết bà cảm thấy một sự thôi thúc lớn lao muốn “thay đổi xã hội” cách đây 7 năm và giải thích quyết định “trở thành hải tặc”: “Tôi thường giao du với những kẻ lập dị mê công nghệ bởi bản thân tôi cũng là một kẻ như thế”. Tự do thông tin và cải cách bản quyền là những nguyên tắc nền tảng của đảng Hải tặc đầu tiên thành lập ở Thụy Điển năm 2006.
Cuộc đời của bà gắn với những nhân vật kiểu “kỳ hoa dị thảo” như Julian Assange và Edward Snowden. Bà từng tình nguyện làm việc cho tổ chức WikiLeaks, gặp gỡ Julian Assange và năm 2010 đóng vai trò quan trọng trong việc tung ra video mật của quân đội Mỹ có tên Collateral Murder (trong đó cho thấy một trực thăng Mỹ bắn hạ các thường dân Iraq và hai nhà báo của hãng Reuters ở Baghdad). Bà cùng với đảng Hải tặc của mình vận động thông qua dự luật cấp quyền công dân cho Edward Snowden - cựu nhân viên kỹ thuật của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ, người đã rò rỉ thông tin về những bí mật của chính phủ Mỹ trong việc theo dõi người dân. “Cả hai người này đã trả ơn nhân loại bằng cách cho chúng ta thấy những thông tin đó”, bà Jónsdóttir nói.
Còn với bản thân, bà cho biết chính việc lớn lên ở một làng chài trong hình hài của một “người bơ vơ quái đản” và một “con vịt con xấu xí” đã nhen nhóm trong bà ý thức về trách nhiệm đối với xã hội. “Là một đứa trẻ sống trong sự xa lánh, tôi phần nào học được cách biến những khó khăn thành sức mạnh”, bà tâm sự. Tuổi thơ của bà nhuộm màu đen tối khi cha ruột bỏ đi lúc bà còn bé. Rồi cha dượng và chồng bà thì tự kết liễu đời họ chỉ trong vòng vài năm. “Tôi đã học cách sống và đối mặt trong tình huống bất định cùng cực và điều này thực sự giúp tôi sau này khi phải giải quyết những tình thế căng thẳng. Chưa có một đêm nào mà tôi mất ngủ”, bà nói.
Nữ thủ lĩnh Hải tặc đến từ Iceland 2
Người đàn bà mắt xanh
Bà mẹ 3 con này từ nhỏ đã được truyền cảm hứng về một xã hội công bằng từ người mẹ - bà Bergpora Arnadottir, thành viên của một đảng chính trị luôn thúc đẩy quyền bình đẳng giới tính. Nữ ca sĩ đồng quê nổi tiếng của Iceland cũng truyền cho người con gái của bà dòng máu nghệ thuật. Nữ chính trị gia có đôi mắt xanh huyền ảo này tự gọi mình là một nhà thơ. Bà phát hành cuốn sách đầu tiên năm 20 tuổi rồi sau đó “lao vào internet và không thể thoát ra từ đó” như lời bà tâm sự. Tuy nhiên, cái tình với văn chương vẫn vậy khi năm 1996 “kẻ mê công nghệ” này đã tổ chức chương trình live stream đầu tiên của Iceland và sự kiện ấy dành cho thơ ca.
Trong một cuộc phỏng vấn với chương trình truyền hình Lateline (Úc), bà Birgitta Jónsdóttir cho biết khoảng thời gian khoảng 1 năm sống ở New South Wales (Úc) tạo cảm hứng cho mong muốn thay đổi xã hội của bà. “Tôi cảm giác đó là cách lành mạnh để tôi nhìn thấy bản thân, đi đến nơi tận cùng của thế giới, để hiểu về cách tôi có thể hoạt động tốt hơn tại Iceland. Tôi cứ ngỡ rằng mình sống rất nhiều năm ở đất nước này”, bà cho biết.
Với tư cách là người đồng sáng lập và là trụ cột của đảng Hải tặc, bà đã đưa đảng này từ một cái tên khiêm tốn chỉ giành được 5% số phiếu và 3 ghế quốc hội trong cuộc bầu cử năm 2013 lên vị trí thứ hai trong quốc hội với 10 ghế. Với tính khác người, bà Jónsdóttir không hề màng đến những lời dự đoán về chuyện bà sẽ là thủ tướng tương lai. Con gái của người đàn bà làm chính trị mê ca hát trước đây cho biết bà không muốn vị trí này: “Đó không phải là điều tôi mơ tưởng đến. Thực sự thì có lúc, cách đây rất lâu rồi, tôi còn gặp ác mộng về điều này và sau đó viết thành một bài thơ. Còn hiện nay tôi thích mang ý tưởng về quyền lực vào quốc hội”.Nhiều người cho rằng bà muốn trở thành người phát ngôn của quốc hội hơn là bước chân vào chính phủ. Trước đây, bà từng xác định vai trò của mình là một nhà lập pháp “chuyên gây áp lực lên những chính trị gia đang làm những điều không thể chấp nhận được”.
Kiểu làm chính trị khác xưa của đảng Hải tặc và tính cách khác người của nữ thủ lĩnh đã thu hút cử tri. Phát biểu tại một cuộc gặp các đảng để chuẩn bị cho một liên minh trong tương lai, bà Jónsdóttir cho biết: “Những lý do mà người dân bỏ phiếu cho những người kỳ lạ như tôi đều giống nhau khắp châu Âu. Người ta cảm thấy không ai lắng nghe họ, thấy họ bị cách ly và lãng quên”. Trước ngày bầu cử chính thức, đảng Hải tặc đi đến từng nhà tù (tù nhân ở Iceland được quyền bỏ phiếu) để vận động sự ủng hộ của các tù nhân. Một nhân vật chủ chốt khác của đảng này cho biết: “Đảng Hải tặc là đảng duy nhất làm điều này. Chúng tôi không muốn các tù nhân có cảm giác rằng họ bị xã hội xa lánh. Chúng tôi muốn họ luôn suy nghĩ tích cực về việc hội nhập”.
Vẫn chưa biết bà Jónsdóttir sẽ chọn con đường nào. Với người phụ nữ ngày xưa từng dửng dưng trước tòa nhà quốc hội thì “tôi vẫn là một nhà hoạt động nhưng vai trò của tôi là mở toang tất cả các cửa sổ của quốc hội để mọi người có thể nhìn vào bên trong”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.