Nước mắt vải thiều

22/06/2007 23:09 GMT+7

Khi ông trèo lên cây vải tổ để hái những chùm quả đầu mùa đãi khách, tôi thấy ông rơm rớm nước mắt. Nước mắt của người làng vải bây giờ chảy ngược vào trong. Loài cây từng được gọi một cách trìu mến là "cây vải, cây vàng" nay mất giá khi một ký vải thiều chưa bằng nửa cân gạo!

Rẽ qua quốc lộ 5, những vườn vải đã hiện ra ngút mắt. Từ Hồng Lạc, qua Việt Hồng, đến Thanh Xá, nơi nào cũng điệp trùng những vườn vải lá xanh, quả đỏ.... Khởi đi từ những năm 1960 ở làng Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, vải thiều phổ biến khắp cả huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương rồi ngược lên Bắc Giang, xuôi xuống Quảng Ninh và bây giờ là cả miền Bắc. 

Mấy thôi đường nữa mới đến Thúy Lâm, chợ vải đã họp đầy đường, nhưng chiếc xe CSGT mang biển số 34 của tỉnh Hải Dương khi đi qua vẫn lặng thinh. Đã có lệnh của trên, tất cả phải hỗ trợ cho vải Thanh Hà được lưu thông thuận tiện.

Những người dân xôn xao "tố cáo" khi biết tôi là nhà báo. Tối qua, một đài truyền hình nói vải Thanh Hà giá chỉ 1.500 đồng một cân làm họ phật ý. "Phải bảo ba bốn nghìn chúng tôi mới bán được chứ", một chị cười oang oang nhưng mặt lại nghệch ra như mếu. "Ai đời phân đạm năm nghìn rưỡi một cân, mà vải chỉ có hai nghìn", chị nói. Đang chất từng buộc vải lên xe, một ông già xưng tên là Vũ Đình Cấn ở Thanh Sơn lau mồ hôi trên khuôn mặt teo tóp, cười: "Hai năm rồi mất mùa, năm nay được thì giá như vầy. Bác cứ chụp, nhưng nói là chúng tôi khuân đất lên xe chứ đừng bảo là khuân đặc sản nhé. Đặc sản gì mà rẻ như đất thế này". Những người khác thì ồn ào mà rằng, năm nay Hà Nội không "ăn" vải, chỉ Quảng Ninh, Hải Phòng "ăn" nhiều. Xe Sài Gòn cũng ra lấy nhưng không có đá ướp vải nên xe chẳng cất hàng. 

Đó là bộ mặt tiêu điều của quê hương vải thiều. 25 xã của Thanh Hà, hầu hết đều trồng vải, năm nay vải được mùa, sản lượng cả huyện sẽ lên đến khoảng 27.000 tấn, không biết người Thanh Hà sẽ bán vải đi đâu. Tôi bất ngờ khi biết người ta phải thuê đến 40.000 đồng cho mỗi tạ vải được "bẻ" xuống, như cách nói của người Thanh Hà. Cây cao, công bẻ nhiều hơn nữa, nghĩa là trong một ký vải đã có đến 400 đồng là công thu hoạch! Mải ghi chép, một người bỗng treo vào xe máy của tôi túm vải. Anh ta tên Tý ở thôn Tráng Liệt, xã Thanh Sơn: "Biếu nhà báo ăn cho nó ngọt giọng, viết bài ủng hộ cho vải Thanh Hà lên giá". Nhưng cũng lại một điệp khúc nửa cười nửa khóc, anh thủng thẳng trong tiếng thở dài: "Nhà tôi có 200 cây. Ước được mười tấn. Trừ phân gio thuốc men, còn chục bạc chứ mấy. Mười triệu cho cả nhà, ăn còn chẳng đủ!".

Đã lún đến đáy của sự khó khăn, nhưng người dân xứ vải còn nhớ như in thời vang bóng của mình. Thời bao cấp, cán bộ thương nghiệp đến tận gốc cây thu mua. Ai mang quá 100 quả vải ra khỏi làng sẽ bị thu giữ. Khi nền kinh tế thị trường khởi động, giá vải có lúc lên tới hơn 30.000 đồng một ký lô! Một cây vải cho tạ quả, mua được cây vàng. Nửa tấn vải, xây được nhà mái bằng. "Giọng nói oang oang, họ có vẻ khinh tiền" là câu mà một nhà báo đã dùng để tả về sự giàu của người Thanh Hà khi đó và tôi còn nhớ đến giờ. Vải Thanh Hà nổi tiếng đến nỗi những người Thanh Hà đi bán vải tứ phương, chỉ cần giơ cái chứng minh thư là hàng bán chạy. Những người nơi khác, muốn làm giả vải Thanh Hà thì về Hải Dương, mua xe máy hoặc ô tô cũ. Chỉ cần có cái biển số 34 (Hải Dương) cũng lợi hại lắm. Lái buôn Trung Quốc đến Lạng Sơn, Lào Cai cất vải cũng biết tìm cái xe biển số 34, đủ biết cái thương hiệu vải Thanh Hà đã từng ghê gớm đến thế nào.

Theo bánh xe lăn, tôi đến tổ 2, thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn để tìm cây vải tổ. Nghe nói cách đây gần hai trăm năm, một người làng tha phương tên là Hoàng Văn Cơm đã mang về Thúy Lâm mấy cái hạt. Ươm, hạt mọc thành cây, ra quả ngọt. Đó chính là cây vải tổ, nay ở trong vườn của ông Hoàng Văn Thu, 77 tuổi và là cháu ba đời của ông Cơm. Dưới gốc cây có hai bia đá, một xác nhận đây là cây vải thiều tổ, cái còn lại là dòng chữ: "Nhân dân huyện Thanh Hà nhớ ơn cụ Hoàng Văn Cơm có công trồng cây vải tổ". Sau bia là ngôi miếu nhỏ thờ ông tổ vải thiều. Trong miếu, tượng cụ Cơm đứng cạnh bức trướng đỏ chói: "Nhân dân các dân tộc Lục Ngạn biết ơn cụ Hoàng Văn Cơm". Ông Thu rầu rầu kể, nhà có 2 sào vải, năm nay sẽ được khoảng 2 triệu đồng, tiền ấy sẽ tiêu cả năm. Còm cõi trong manh áo nâu và chiếc quần đen nhàu nát, nhăn nhúm chắc là của con cháu nào đó thải ra, ông tất bật trèo lên cây vải tổ hái một chùm quả xuống mời khách. Những tưởng sẽ ngọt ngào, nhưng quả của cây vải huyền thoại rất chua, hạt to trong khi quả lại rất nhỏ. Có thể trái còn xanh, cũng có thể vì vải rẻ mà ông Thu không thiết chăm bón cho cây vải tổ nữa. Tôi cảm thấy điều ấy khi thấy ông rơm rớm nước mắt. Đó là những giọt nước mắt của cả làng vải, nước mắt vải thiều...


Hái vải mời khách, ông Thu rơm rớm nước mắt

Một ngày loanh quanh trong vùng vải, tôi gặp những khu chợ đầu mối, những góc chợ miễn phí, chủ yếu để giúp đỡ người trồng vải. Có cả những tấm băng-rôn giới thiệu của Hiệp hội vải thiều Thanh Hà. Theo địa chỉ, tôi gặp được ông Đỗ Văn Vinh, Phó chủ tịch hiệp hội. Câu chuyện với ông Vinh cho tôi hiểu ra "hành trình mất giá" của quả vải thiều. Khi trái vải đắt, người dân Thanh Hà đổ xô nhau trồng vải. Tiền bán vải chuyển thành tiền mua... đất trồng vải. Hỗ trợ phong trào này, từ cấp huyện, cấp xã có chủ trương chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng vải. Thậm chí một vị lãnh đạo cấp Chính phủ khi đó đã về tận Thanh Sơn kiểm tra và động viên việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Cung nhiều hơn cầu, cái gì chẳng mất giá, cứ gì quả vải? "Ở đâu không biết, chứ xã Thanh Sơn này giờ không còn một cây lúa", ông Vinh nói. Giá vải chỉ hơn hai nghìn đồng, gạo thì đã năm nghìn một ký lô. Nhưng quay lại trồng lúa cũng khó, chẳng lẽ lại chặt vải đi. Đất trồng vải phải đào rãnh, khoét luống, trở lại ruộng lúa khó khăn lắm.

Những con số ông Vinh đưa ra làm tôi không khỏi bất ngờ. Khi vải được giá, sào đất vườn Thanh Sơn giá đến 40 triệu, đất chuyển đổi ngoài đồng một sào cũng 25 triệu. Nay thì giá đất chỉ còn non nửa. Từng "có vẻ khinh tiền", nay nếu chỉ trông vào vải, thì có đến năm sáu chục phần trăm hộ rơi vào diện nghèo đói! Ông Vinh cả quyết: "Làm xóm trưởng 25 năm, tôi biết chứ. Năm sáu chục là còn khiêm tốn. Vải vóc thế này, lấy đâu ra thu nhập trên 200.000 đồng một người như tiêu chí xóa nghèo?". Nhà nào có con vào đại học là phải vay ngân hàng. Người dân vùng vải bây giờ không thể trông vào vải. Họ đã phải làm thêm nghề dán giấy vàng mã, đi buôn. Phụ nữ trung niên thì phiêu bạt tứ xứ làm "oshin". "Thanh Hà, hay Lục Ngạn, Chí Linh, Đông Triều, đâu cũng thế thôi. Cứ đua nhau trồng mà không tính đến đầu ra, cách gì cũng chết! Như làng tôi bây giờ, nếu có nhà nào đó bị đói thì không có gì là lạ". Ông Vinh nói "lời cuối cùng" sau khi ra vườn hái cho tôi thêm một chùm vải nữa.

Tôi kết thúc một ngày ở xứ vải sau khi vào một ngôi nhà ba tầng rất đẹp ở đầu làng. Nhìn từ sân thượng, vùng vải trải ngút tầm mắt. Lá xanh ngắt, quả đỏ rực, đúng là một vẻ đẹp huy hoàng. Chỉ tiếc là sau vẻ đẹp ấy, sự no ấm đã hao mòn. Dẫn tôi lên gác, chị chủ nhà tên Quy kể: "Nhà em vừa bán hơn một vạn cành vải lên Ba Vì, Hà Tây. Năm nào em cũng bán được vạn cành như thế". Những cành vải sẽ trở thành những vườn vải, những làng vải trong tương lai. Không biết khi đó giá vải sẽ xuống đến đâu. Và tôi chợt nghĩ đến những giọt nước mắt của ông Thu. Nước mắt của những người dân vùng vải, nước mắt vải thiều...

Phóng sự của  Lưu Quang Phổ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.