“Ông” trách nhiệm ở đâu: Đừng để 'cha chung không ai khóc'

26/08/2016 08:03 GMT+7

Đó là ý kiến của bạn đọc về bài viết “Ông” trách nhiệm ở đâu? trên mục Chào buổi sáng của Báo Thanh Niên ngày 25.8.

Đáng báo động
Nhiều người dân tỏ ra không còn tin vào cái gọi là trách nhiệm của cán bộ, cơ quan nhà nước khi xảy ra sự cố nào đó. Đứng trước một sai phạm, một sự cố nào đó mà cần phải quy trách nhiệm thì người dân lại tặc lưỡi, lắc đầu nói: “Ôi, lại kết luận là… đúng quy trình”; “chắc sẽ… rút kinh nghiệm sâu sắc”, “lại cha chung không ai khóc”… Nói thế để thấy rằng sự thiếu trách nhiệm hiện nay là điều đáng báo động.
Đúng như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, vấn đề là chúng ta có muốn làm hay không chứ không khó để truy trách nhiệm cho ai đó. Như vậy, rõ ràng có sự bao che, bao biện sai phạm giữa cấp trên và cấp dưới, giữa các cơ quan nhà nước với nhau.
Huỳnh Thanh Huy
(TP.Phan Thiết, Bình Thuận)
Xa xỉ
Trách nhiệm, dũng cảm tự chịu trách nhiệm của cán bộ, thủ trưởng cơ quan khi xảy ra sự cố nào đó là điều dường như quá xa xỉ ở VN. Lạ hơn nữa, khi xảy ra sự cố, việc quy trách nhiệm cho cá nhân, cơ quan nào đó có liên quan dường như cũng rất nan giải đối với cơ quan cấp trên. Cuối cùng, bao nhiêu sự việc nghiêm trọng xảy ra, tổn hại vật chất, tinh thần, con người... nhiều vô kể nhưng số lượng cán bộ, cơ quan chịu trách nhiệm chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Nguyễn Văn Thành
(Q.9, TP.HCM)
Không ai chịu trách nhiệm
Chính vì không cá nhân, đơn vị nào chịu trách nhiệm sau những sự cố nên việc sai phạm, nhất là sai phạm về môi trường, xảy ra ngày càng nhiều, càng nghiêm trọng ở các dự án. Hơn ai hết, chủ đầu tư, nhất là các chủ đầu tư nước ngoài họ rất biết, rất hiểu “nội tình” về “trách nhiệm” ở VN. Vì thế, họ cứ sai phạm, nếu lỡ bị phát hiện thì cũng không ảnh hưởng đến các cán bộ, chỉ chủ đầu tư bị phạt, bỏ ra ít tiền đền bù là xong (trong khi lãi to từ việc vi phạm này).
Võ Văn Tạo
(Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Đứng ngoài pháp luật ?
Mỗi cán bộ, mỗi cơ quan chức năng được nhà nước, nhân dân giao phó một số trọng trách. Chỉ có cán bộ, cơ quan nhà nước đó mới kiểm tra, giám sát được các chủ đầu tư (liên quan đến lĩnh vực mà họ phụ trách). Nhân dân không thể làm được điều đó. Tuy nhiên, khi họ không hoàn thành nghĩa vụ được giao lại chẳng chịu trách nhiệm gì là điều khiến người dân bức xúc. Nó thể hiện sự thiếu nghiêm minh của pháp luật đối với cán bộ, đối với cơ quan nhà nước đó. Pháp luật VN không có ngoại lệ nếu cán bộ, cơ quan nhà nước vi phạm, nhưng việc không quy trách nhiệm cho họ sẽ khiến người dân, bạn bè quốc tế nghĩ rằng cán bộ, cơ quan nhà nước ở VN dường như đang đứng ngoài pháp luật.
Đỗ Thị Hương
(TP.Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh)
Trịnh Thành Thông Thái
Tôi đồng tình với ý kiến phải định danh rõ ràng ai, cơ quan nào chịu trách nhiệm đối với một dự án đầu tư nào đó nếu dự án ấy vi phạm. Nếu khâu tiền kiểm lỏng lẻo thì các cơ quan cấp phép ở khâu này chịu trách nhiệm, khâu hậu kiểm lơ là, cẩu thả thì các cơ quan có liên quan phải chịu. Không thể để tình trạng như vụ khủng hoảng môi trường do Formosa gây ra kinh khủng như thế nhưng chẳng thấy “ông” trách nhiệm ở đâu.
Trịnh Thành Thông Thái
(Q.8, TP.HCM)
Nguyễn Thị Mai Thanh
Khó tìm ra được ai, cơ quan nào chịu trách nhiệm khi xảy ra sự cố nào đó là vì có một bộ máy khổng lồ kiểm soát nhiều khâu của mỗi dự án. Mỗi khâu có vài cơ quan có thẩm quyền xem xét hoặc kiểm tra, quản lý. Do đó, khi xảy ra sự cố, chẳng biết quy trách nhiệm cho cơ quan nào, ở khâu nào, tất cả đều rất chung chung nên chịu trách nhiệm cũng chung chung. Muốn quy trách nhiệm có lẽ cần tinh giản cơ quan kiểm soát dự án, mỗi khâu chỉ nên có một cơ quan giám sát, kiểm tra, quản lý mà thôi.
Nguyễn Thị Mai Thanh
(Q.Phú Nhuận, TP.HCM)
An Phong - Duy Khang 
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.