Phụ huynh 'đòi' làm rõ việc con gãy xương đùi tại Trường tiểu học Nam Trung Yên

21/12/2016 10:44 GMT+7

Một phụ huynh có con đang học lớp 2 tại Trường tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) vừa có đơn 'kiến nghị khẩn thiết' tới các cơ quan chức năng đề nghị làm rõ việc con trai bị gãy xương đùi xảy ra tại trường.

Ông Dũng viết trong đơn kiến nghị: “Con trai tôi là cháu Trần Chí Kiên, sinh ngày 14.10.2009, hiện đang học tại lớp 2A4 - Trường tiểu học Nam Trung Yên, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Sự việc bắt đầu vào lúc 10 giờ 30, ngày 1.12.2016, khi gia đình tôi nhận được điện thoại của cô giáo chủ nhiệm năm lớp 1 của cháu (2015) báo rằng “giờ ra chơi con chạy chơi ở sân trường và bị ngã gãy chân, đang được các cô đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương”.
Theo ông Dũng, khi hai vợ chồng đến nơi thì cháu Kiên đã được bác sĩ chiếu chụp X-quang và chẩn đoán là gẫy xương đùi phải. Sau khi được bó bột thì xương vẫn không khớp với nhau, vì vậy gia đình quyết định đưa cháu sang Bệnh viện Việt Đức. Tại đây, bác sĩ Tiến (Khoa chấn thương chỉnh hình 2) xác định trường hợp gãy chân như vậy của một cháu bé 7 tuổi là nặng và chỉ định bắt buộc phải mổ, nẹp vít xương.
Cháu Kiên được mổ vào ngày 3.12.2016, nằm điều trị tại Bệnh viện Việt Đức 5 ngày rồi ra viện để về nhà tiếp tục chăm sóc tại chỗ.

tin liên quan

Phụ huynh lật tẩy hành vi bạo hành trẻ của giáo viên

Khi thấy vết tích trên cơ thể đứa con nhỏ, người cha nghi ngờ con mình bị bạo hành ở trường. Ông đã âm thầm đặt một máy ghi âm vào balo con. Những gì ghi được là tiếng thét, đánh đập và khóc thất thanh của trẻ.

Ông Dũng cho biết, trong tuần đầu tiên sau khi tai nạn xảy ra, gia đình chỉ tập trung lo lắng chăm sóc cho cháu nên chưa có điều kiện tìm hiểu nguyên nhân vụ tai nạn. Bên cạnh đó, do sức khỏe tinh thần của cháu chưa được ổn định sau vụ tai nạn nên khi được bố mẹ hỏi, cháu đều tỏ ra mệt mỏi và không trả lời.
“Đánh giá chuyên môn của các bác sĩ là với chấn thương như của con tôi thì việc chạy và tự ngã mà không có tác động mạnh từ bên ngoài là điều khó có thể xảy ra. Mặt khác, cháu không có bệnh lý gì về xương, và xương đùi là nơi cứng nhất, rất khó gẫy, nếu không có lực rất mạnh tác động. Dự kiến cháu sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ đến việc sinh hoạt bình thường trong một thời gian dài”, ông Dũng viết trong đơn.
Từ nhận xét của bác sĩ trực tiếp mổ và điều trị cho cháu Kiên, anh Dũng cho biết, gia đình đã gặng hỏi cháu và tìm hiểu thêm về nguyên nhân xảy ra tai nạn, thì cháu khẳng định: Trong giờ ra chơi, cháu và các bạn cùng lớp có ra sân sau của trường chơi, đến khi có chuông hết giờ, cháu và các bạn (4 bạn) chạy về lớp. Trong lúc cháu chạy về lớp thì có va chạm vào một chiếc xe “Hyundai màu xanh nước biển đang di chuyển” trong sân của trường và cháu có nhận ra trên xe có cô Hiệu trưởng và một cô giáo khác.
“Sau khi va chạm, cháu được bảo vệ nhà trường bế lên phòng thư viện, sang phòng y tế sơ cứu rồi đưa vào bệnh viện. Qua lời cô giáo thì ban đầu cháu được đưa đến Bệnh viện 198 nhưng cô Hiệu trưởng có nói là chuyển sang Bệnh viện Nhi T.Ư (gia đình chỉ nhận được thông tin về tai nạn của cháu khi cháu đã được chuyển đến viện này)”, ông Dũng phản ánh trong đơn.
Cũng theo ông Dũng, “một số bạn trong lớp cháu có nói lại là con tôi bị ô tô đâm ở sân trường trong giờ ra chơi khi chạy vào lớp. Cháu bị gẫy xương đùi phải nhưng lại có những vết xây xước phía sau của hông bên trái, và tổng hợp nhận xét chuyên môn từ phía các bác sĩ, chúng tôi càng có cơ sở nghi ngờ là cháu đã chạy ở sân trường và bị ô tô đâm vào đùi phải rồi ngã ngửa về phía sau gây xước xát phía sau hông bên trái và gãy đùi phải”.
Nhà trường có hành động "khó hiểu"
“Với những kết luận của bác sĩ và thông tin gia đình thu thập được, cũng như căn cứ vào hiện trạng thương tích của con tôi, tôi khẳng định tai nạn xảy ra đối với con tôi là do va chạm với một xe ô tô đang di chuyển trong trường học”, ông Dũng quả quyết, và cho hay gia đình đã mang những thông tin đó đến gặp giáo viên và nhà trường, nhưng nhận được câu trả lời rằng con tôi tự ngã do chạy nhảy ở sân sau của nhà trường và tự gây chấn thương cho bản thân.
Ngoài gãy xương đùi, gia đình phản ánh cháu Kiên còn bị vết xước bên hông Ảnh gia đình cung cấp
Cũng theo ông Dũng, gia đình đã đưa ra bằng chứng, cùng các đánh giá chuyên môn của ngành Y, rằng cháu không thể ngã mà có thể chấn thương nặng đến như vậy. “Khi đó các cô lại cho rằng con tôi “có thể” chạy và va vào xe của giáo viên đi làm đang đỗ trong sân trường. Gia đình cương quyết không đồng ý với nguyên nhân xảy ra tai nạn do các giáo viên đưa ra và yêu cầu Ban giám hiệu nhà trường tìm hiểu, làm rõ sự thật về nguyên nhân gây ra thương tích cho con tôi để gia đình có hướng điều trị chính xác cho cháu, cũng như rút kinh nghiệm sâu sắc về việc này, báo cáo các cơ quan cấp trên”, ông Dũng cho biết.
Trong đơn, ông Dũng cũng phản ánh về việc 20 ngày trôi qua, Ban giám hiệu nhà trường không những không hợp tác với gia đình học sinh tìm hiểu và làm rõ sự thật về vụ tai nạn xảy ra với cháu, “mà ngược lại còn triển khai thực hiện một số việc như thể muốn bưng bít câu chuyện và bẻ cong sự thật nhằm trốn tránh trách nhiệm”.
Cụ thể, nhà trường có hành động giám sát việc tiếp xúc giữa gia đình và cô giáo chủ nhiệm lớp, như khi gia đình đến gặp giáo viên chủ nhiệm để tìm hiểu nguyên nhân của vụ tai nạn thì luôn có mặt một “vài” giáo viên khác (không phải là thành viên của Ban giám hiệu); sau khi gia đình kiên quyết tìm sự thật nguyên nhân gây tai nạn cho con mình thì vào ngày 14.12.2016, nhà trường đã có hành động phát phiếu khảo sát về vụ tai nạn xảy ra ngày 1.12.2016 đến toàn thể các lớp trong trường.
Anh Dũng chia sẻ: “Ban đầu gia đình tôi suy nghĩ đây chỉ là một tai nạn vô tình, không ai mong muốn, vậy nên chúng tôi cư xử rất đúng mực và trên tinh thần hợp tác để tìm nguyên nhân. Nhưng đến giờ phút này, sau 20 ngày xảy ra chuyện, chúng tôi chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng từ phía nhà trường. Những hành động (có tính phản kháng để bảo vệ) của nhà trường khiến chúng tôi nghĩ nếu sự thật chỉ là con tự ngã, tại sao các cô lại có động thái khảo sát các con? Có quá nhiều điều khuất tất sau cái ngã này của con”.

tin liên quan

Lo ngại ứng xử của phụ huynh với giáo viên
Việc phụ huynh đến trường thóa mạ, chửi bới giáo viên, thậm chí sử dụng bạo lực vì cho rằng giáo viên có lỗi với con mình không còn là chuyện hiếm. Cách ứng xử này nhận được nhiều ý kiến lo ngại.
Chiều 20.12, trao đổi với phóng viên Thanh Niên, bà Ngọc, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Trung Yên đưa ra các bản tường trình cũng như kết quả khảo sát học sinh trong trường về sự việc trên, để một lần nữa chứng minh việc tai nạn cháu Kiên chỉ là một cú ngã trong quá trình chạy của cháu.
Bà Ngọc còn khẳng định, thời điểm xảy ra tai nạn của cháu Kiên, bà đang chỉ đạo chuyên môn ở trường chứ không hề ngồi trên xe ô tô như lời cháu Kiên thuật lại với gia đình. Theo bà Ngọc, bản thân bà không đi xe ô tô, xe của cán bộ, giáo viên trong trường không có chiếc nào màu sắc và thương hiệu như cháu Kiên tả.
Tối 20.12, cùng ngày anh Dũng có đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng và báo chí đến Trường tìm hiểu sự việc thì cô Hiệu trưởng mới đến thăm cháu Kiên lần đầu tiên, từ sau khi sự việc xảy ra tròn 20 ngày.
“Tôi cảm ơn sự đến thăm cháu của cô Hiệu trưởng và các cô giáo, nhưng quan điểm của tôi và gia đình là kiên quyết tìm ra sự thật để không chỉ con tôi mà vì sự an toàn trong trường học của tất cả trẻ em được gia đình yên tâm gửi gắm ở trường”, ông Dũng nói với PV Thanh Niên.
Ông Dũng cũng cho biết: “Trong trường hợp nhà trường không phối hợp, chúng tôi đề nghị các cơ quan hữu quan cho phép chúng tôi mời cơ quan điều tra vào làm việc, xác định nguyên nhân vụ tai nạn và khởi tố vụ án đối với những kẻ gây tai nạn nhưng chối bỏ trách nhiệm”.
Trong đơn, ông Dũng còn khẳng định sẽ “hoàn toàn chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung nêu trong đơn kiến nghị này”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.