'Quản gia' phòng mổ trong các lần tách song sinh

02/10/2016 09:18 GMT+7

Trong không khí căng thẳng của phòng mổ tách một ca song sinh dính nhau, tiếng máy đo nhịp tim “tít, tít” rõ mồn một, tiếng chỉ đạo y lệnh của bác sĩ khá nhanh và gấp gáp.

Một nữ điều dưỡng đứng rất tập trung nhìn chăm chú vào bàn tay của các bác sĩ và liên tục nhận và trao dụng cụ cho phẫu thuật viên.
Có nhiều phẫu thuật viên
chỉ chọn một điều dưỡng dụng cụ trong suốt cuộc đời làm nghề phẫu thuật
của mình
GS-TS Trần Đông A
Vai “quản gia” phòng mổ đó được gọi là điều dưỡng (ĐD) dụng cụ viên. Công việc mà nữ ĐD Nguyễn Thị Thu Nga (56 tuổi), nguyên trưởng nhóm ĐD dụng cụ viên Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2, TP.HCM, từng làm cách đây 28 năm (1988) phụ trách đưa dụng cụ chính cho GS-TS Trần Đông A để mổ tách đôi cặp song sinh dính nhau Việt - Đức tại BV Phụ sản TP.HCM (nay là BV Từ Dũ).
Bây giờ nữ điều dưỡng ấy cũng là vợ của vị phẫu thuật viên tài hoa Trần Đông A.
Gắn với Bệnh Viện Nhi đồng 2 từ lúc lọt lòng Ngày 4.10.2016 là tròn 28 năm tách dính cặp song sinh Việt - Đức (4.10.1988), ca mổ nổi tiếng trên thế giới. Lúc đó ĐD dụng cụ Nguyễn Thị Thu Nga mới vào nghề được 6 năm.
Từ ca mổ Việt - Đức đến thời điểm này thì BV Nhi đồng 2 đã mổ tách dính tổng cộng 4 cặp song sinh dính nhau. Bà là ĐD đưa dụng cụ chính cho tất cả các ca mổ này. Bà nói: “Mình từ trẻ đến lúc về hưu đều được giao đưa dụng cụ cho bác sĩ trong những ca mổ khó và cuộc đời mình gắn liền với BV Nhi đồng 2. Dù về hưu nhưng trong lòng cứ nghĩ về BV, về phòng mổ”.
Bà kể mình được sinh ra ở BV Grall (nay là BV Nhi đồng 2). Lớn lên, đam mê nghề y nên bà thi ĐD và được phân công về làm ở BV Nhi đồng 2 vào năm 1982.
“Cái nghiệp đến với ĐD dụng cụ cũng chỉ vì hoàn cảnh bắt buộc mà nên duyên. Số là tôi làm ĐD khoa truyền nhiễm, sau đó BV chọn về phòng mổ khoa phẫu thuật gây mê hồi sức. Với công việc mới, ban đầu không thích nhưng rồi “bén nghề” rất nhanh”.
Chỉ sau vài năm bà trở thành một trong số các ĐD dụng cụ chính của phòng mổ. Từ đó đến khi về hưu bà đã đưa dụng cụ cho không biết bao nhiêu bác sĩ, bao nhiêu ca mổ. Nhưng bà nhớ nhất là 4 ca mổ tách dính cặp song sinh.
Vợ chồng GS-TS Trần Đông A Ảnh: Duy Tính
Bà kể, sau mỗi ca mổ khó, về nhà viết lại tất tần tật những công đoạn, dụng cụ cần thiết đã làm, những bài học kinh nghiệm. Sau 34 năm miệt mài như vậy, bà có hai cuốn tập dày vài ngàn trang được ghi chép tỉ mỉ, kèm hình rất đẹp. Bà mang hai cuốn tập giấy A4 đã đóng gọn gàng để trên bàn và nhắc lại: Đó là tự học! Lật hai cuốn tập đó thấy có cả ngàn dụng cụ mổ cho các ca mổ khác nhau. Bà nói “mình nhớ hết tên và công dụng của nó”.
“Có một lần khi mới vào nghề được 3 ngày, tôi đưa dụng cụ mổ cho GS-TS Trần Đông A. Tôi chưa biết thầy dùng dụng cụ gì bèn cầm hai tay hai cái, một cái kéo mổ và một cái kẹp. Khi thầy đưa tay ra tôi đưa cái kẹp thì thầy nhìn lên, tôi biết ngay là không phải nên vội vàng chìa tay kia ra, thế là đúng. Vì vậy trước khi phẫu thuật tôi thường xin ý kiến phẫu thuật viên và quan sát sở thích của từng người để chuẩn bị, để đưa đúng dụng cụ, không cần phải nhắc”, ĐD Nga tâm sự.
Viết nên quy trình tách song sinh
Dữ liệu về 4 ca mổ tách dính song sinh của ĐD Nga như được cài đặt sẵn trong đầu, bà nói một mạch về các ca mổ, bà nhớ từng li, từng tí một: Việt - Đức song sinh dính nhau vùng xương cùng và xương chậu chung nhau khung đại tràng có bốn tay hai chân một mỏm cụt, một bàng quang, một bộ phận sinh dục ngoài và một hậu môn.
ĐD Nga tiết lộ: “Dụng cụ “liên hợp quốc” mang đến từ nhiều BV để mổ cho Việt - Đức vào năm 1988. Sau khi mổ xong phải lựa dụng cụ ra để trả lại cho các BV, có đến hàng trăm loại dụng cụ”. Sau mổ, tất cả ê kíp mổ được biểu dương, khen thưởng, riêng bà còn được bằng khen của Đoàn TNCS và Huy hiệu TP.HCM.
Rồi đến ca mổ tách M.A - N.A (ngụ TP.HCM) dính nhau vùng ngực bụng, dính 1/3 dưới xương ức, dính màng tim, dính gan… được phẫu thuật ngày 2.11.2005, khi 2 bé được 17 tháng tuổi. Bà nói đây là ca mổ bà nhớ và có ấn tượng không kém ca mổ Việt - Đức, vì là lần đầu được thực hiện đúng quy chuẩn quốc tế, có dao mổ siêu âm để cắt gan và dao cầm máu...
Hay ca mổ B.T - H.T (quê Hà Tĩnh) cặp song sinh dính nhau phần ngực bụng và 1/3 dưới xương ức, dính màng tim, dính gan được phẫu thuật vào ngày 19.12.2012. Rồi đến ca thứ 4 là P.L - P.P (ngụ Ninh Thuận) song sinh dính nhau ngực bụng, xương ức, màng tim, chung vách thất tim, dính gan, được phẫu thuật 26.11.2013 lúc 2 bé 14 tháng tuổi. Vừa nói bà vừa lật những hình ảnh, thông tin 4 ca mổ này.
Bà bảo “tất cả được lưu lại và xem nó như những kỷ vật đời làm nghề của mình. Lúc nào nhớ nghề lại mở ra xem”.
Lâu năm hành nghề, bà đã viết ra quy trình tách song sinh rất rõ ràng và đã báo cáo trước hội nghị ĐD phòng mổ toàn quốc tổ chức tại Đà Nẵng năm 2013 và hội nghị ĐD BV Nhi đồng 2 năm 2014.
Nhìn quy trình của ĐD Nga, cho thấy ĐD dụng cụ giống như một “quản gia” trong phòng mổ vậy! Trước mổ, ĐD dụng cụ kiểm tra trang thiết bị, vận hành máy móc, kiểm tra điện nước, máy lạnh, đèn, vệ sinh bề mặt phòng mổ, khảo sát vi sinh không khí và bề mặt, kiểm tra đầy đủ từ chỉ phẫu thuật các loại, bông cầm máu, keo sinh học… Tất cả sắp xếp trình tự cho dễ lấy. Điều đặc biệt là ĐD phải sử dụng nhuần nhuyễn các máy móc, trang thiết bị tiên tiến. Còn sau mổ thì họ phải thu gom phân loại từng dụng cụ để đưa đi rửa, hấp.
“Trong phòng mổ, bản thân phải nhắc mọi người cùng tôn trọng thực hiện nghiêm ngặt các quy định về an toàn và nguyên tắc vô khuẩn. Đảm bảo an toàn bệnh nhân trước, trong và sau mổ. Kiểm tra đầy đủ, chính xác số lượng gạc, kim chỉ đã đưa vào và lấy ra khỏi cơ thể bệnh nhân... Để có kết quả tốt đẹp cần phải có sự chuẩn bị hết sức chu đáo”, ĐD Nga nói.
Trở thành bạn đời của vị phẫu thuật viên tài hoa
Chúng tôi hỏi vì sao bà quyết định gắn đời mình với phẫu thuật viên tài hoa - GS-TS Trần Đông A? Bà bảo: “GS-TS Trần Đông A được rất nhiều người trong và ngoài nước ngưỡng mộ và tôi cũng là một trong những người ngưỡng mộ ông. Khi chị Minh Tâm, vợ GS-TS Trần Đông A, là người làm con búp bê giống hệt Việt - Đức để cả kíp mổ thực tập (cũng là bạn thân của tôi), mất vì bệnh hiểm nghèo năm 2010, hai con ông đều đã thành đạt và có gia đình riêng, cũng mong ông có người bầu bạn để chia sẻ sau nhiều năm sống một mình. Vì vậy khi ông ngỏ lời thì tôi đồng ý về chung sống. Đám cưới được tổ chức đầu năm 2015”. 
Nói về nghề của bà xã, GS-TS Trần Đông A chia sẻ: Theo nghề phẫu thuật đã gần 50 năm, từng mổ rất nhiều ca khó trong hoàn cảnh ngặt nghèo, tôi rất thấm thía câu nói “một mối chỉ khâu đúng lúc có thể cứu cả mạng người”. Do vậy các phẫu thuật viên đều ý thức được sự cần thiết của các phụ tá (ĐD dụng cụ) nhạy bén, hiểu được khó khăn của từng ca mổ và của từng lúc mổ cùng các diễn biến không lường trước được để nhanh chóng có dụng cụ can thiệp kịp thời.
Ngoài ra còn hiểu được thói quen của mình nữa. Điều này giúp mình thành công và còn giúp mình đỡ căng thẳng rất nhiều. Có nhiều phẫu thuật viên chỉ chọn một ĐD dụng cụ trong suốt cuộc đời làm nghề phẫu thuật của mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.