Quán lụi nướng bà Sáu phố núi khiến người Sài Gòn 'quên lối về'

Lê Nam
Lê Nam
30/12/2018 12:06 GMT+7

Ở phố núi Gia Lai, có một quán lụi nướng thơm lừng, nức tiếng hàng chục năm nay, gắn bó với tuổi thơ của nhiều người, đó là lụi bà Sáu.

Bà Sáu tên thật Đinh Thị Chỉnh, 65 tuổi, bà mở quán lụi nướng tại số 122 Cao Bá Quát, P. Yên Đỗ, TP. Pleiku từ năm 2002. Chồng bà là người con thứ sáu trong nhà nên hàng xóm gọi bà là bà Sáu.
VIDEO: Lên phố núi ăn Lụi nướng bà Sáu - Thực hiện: Lê Nam

Lụi nướng khiến nhiều bạn trẻ phố núi mê mẩn mỗi chiều chính là những cây ram xiên (ram là bánh tráng cuốn một ít thịt heo bằm) rồi đem nướng chín trên bếp than đỏ lửa. Mỗi xiên lụi có từ 4 - 5 miếng ram. Khi nướng, bà Sáu thường cầm cả bó xiên ram, vừa nướng vừa quết mỡ heo lên trên, than hồng cuộn lên khiến xiên lụi kêu xèo xèo.

"Gọi món này là ram nướng hay lụi nướng đều được. Ram cuốn mà lụi vào bếp thì ra món lụi nướng”, bà Sáu nói.

Bà là Đinh Thị Chỉnh, năm nay 65 tuổi, mở quán lụi nướng từ 2002. Mọi người hay gọi bà là bà Sáu LÊ NAM

Trước khi thưởng thức, tôi hình dung lụi nướng cũng giống như món xiên thịt nướng ở Sài Gòn. Nhưng thật ra không phải. Nhân thịt heo bằm trong miếng ram khá ít, khi ăn thậm chí có miếng còn không cảm nhận được vị thịt. Nhưng cái ngon ở đây chính là vị giòn dai, càng nhai càng bùi của miếng ram nóng hổi. Ăn chơi cho bữa xế chiều rất hợp, nhất là tiết trời se lạnh của phố núi Pleiku.

Một xiên có chỉ giá 1.000 đồng LÊ NAM
Dĩa xiên lụi nướng là món ăn vặt yêu thích của giới trẻ phố núi LÊ NAM
Đặc biệt, nước chấm me chua ngọt – thứ nước sệt sánh được bà Sáu pha chế theo công thức riêng chính là bí kíp hút hồn người ăn. 
“Bà Sáu pha tương me, xì dầu với đường thôi. Khi ăn con phải chấm thật sâu miếng lụi nướng vào chén rồi ăn ngay. Chấm chút chút cũng không ngon đâu”, vừa nói vừa cầm xiên lụi đã chấm ngập chén nước tương me chua ngọt, ấy là bà Sáu đang hướng dẫn chúng tôi cách ăn lụi nướng đúng kiểu.

Ngoài lụi nướng, quán còn bán thêm 2 món là bò lá lốt và bánh cuốn (dùng bánh tráng mềm cuốn cả bò lá lốt và ram nướng, rau sống thành chiếc bánh to).

Nước chấm me chua ngọt đúng điệu. Bà Sáu hướng dẫn khi ăn, phải chấm miếng lụi nướng ngập chén mới ngon
Bò lá lốt cũng được nhiều người yêu thích Ảnh NVCC

Nhóm bạn của Dương Thị Ngọc Thúy, 22 tuổi, đến quán bà Sáu lụi vào thời điểm khá muộn, khoảng 20 giờ tối, khi quán gần đóng cửa. Thúy cho biết em sống ở Gia Lai nhưng đang theo học ở đại học Tây Nguyên (TP. Buôn Ma Thuột - Đăk Lăk). Mỗi khi có thời gian rảnh về thăm nhà, Thúy đều dẫn nhóm bạn của mình ghé quán lụi bà Sáu.

Thấy Thúy và các bạn ăn nhiệt tình, gọi bà Sáu bưng xiên lụi nướng mới ra không kịp, chúng tôi mới hỏi vui: “Đến đây em ăn được bao nhiêu xiên rồi?”, cô bạn ngập ngừng, giả bộ đếm que xiên trên bàn. “Nãy giờ em ăn mấy cái nhỉ? Em ăn có 5 cái chứ mấy.” Vừa dứt lời, nhóm bạn ồ lên chọc ghẹo: “Xạo, 50 cái thì có”. Thế là cả đám bạn là cười lên giòn tan, rộn ràng cả một góc phố núi.

Dương Thị Ngọc Thúy (áo hồng) và nhóm bạn thưởng thức lụi nướng phố núi LÊ NAM
Quán rôm rả hẳn lên khi có nhóm bạn trẻ ghé ăn LÊ NAM
Theo lời kể của bà Sáu, trước đây bà Sáu từng theo chồng mổ heo nhiều năm trời. Nhà ông Sáu có nhiều đời làm nghề này. Vì bà ngại sát sinh, muốn bỏ nghề nên đã quyết đi chùa ăn chay 10 năm để xin được chuyển nghề khác. Và rồi như cái duyên tự đến, bà chuyển sang bán hàng ăn, ngày một đông khách.

Cách đây hơn 15 năm, khi mới mở quán, bà Sáu chỉ bán lụi nướng kèm theo các món mắm nêm, heo quay buổi sáng cho học sinh. Mỗi sáng bán hết 5 kg thịt heo với 5 kg bún, còn lụi nướng chỉ là món ăn kèm. Những ngày đầu chỉ bán khoảng 20 chiếc bánh tráng Bình Định, sau dần tăng lên gấp 2-3 lần. Và đến nay, quán bán cả mấy trăm bánh tráng. Vì quá đông khách ăn lụi, bà Sáu không kịp cuốn nên chuyển hẳn sang bán lụi nướng từ chiều đến tối; đồng thời dành cả buổi sáng để nhân viên cuốn lụi.

Bánh tráng nhập từ An Thái, Bình Định - quê gốc của bà Sáu LÊ NAM
Bánh tráng to cắt ra thành những miếng nhỏ để cuốn LÊ NAM

Mỗi ngày, quán lụi bà Sáu mở từ đầu giờ chiều cho đến khoảng 21 giờ. Vì là món ăn vặt nên khá rẻ. Mỗi xiên lụi nướng chỉ từ 1.000 đồng/ xiên, trước đây có giá 500 đồng/ xiên, bò lát lốt 5.000 đồng/ cái, bánh cuốn (gỏi cuốn) là 10.000 đồng/ cái. Quán khiến cho biết bao người trẻ phố núi say mê món ăn giản dị này.

Ngày xưa quán của bà là “tiểu quán bình dân”, nhỏ lắm, mình đâu có so bì được với người ta. Từ đó dần dần tăng lên. Mấy cháu thích ăn ủng hộ cho bà Sáu, từ đó bà Sáu nổi lên luôn. Còn ví dụ tụi con ở xa về, tụi con yêu cầu bây giờ con thích ăn thì bà Sáu sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của mấy con thôi, không có vấn đề gì cả”, bà Sáu nở nụ cười tươi tắn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.