Quên mình cứu người

25/03/2018 14:00 GMT+7

Giữa đám cháy bùng phát dữ dội, khói độc bao trùm, hàng ngàn người tìm cách thoát thân, có những người xả thân, hy sinh tính mạng của mình để lao vào cứu người gặp nạn...

Đó là hình ảnh ông Trần Văn An (48 tuổi), bảo vệ; là hình ảnh hai bảo vệ trẻ tuổi Lê Gia An, Nguyễn Thanh Sang (cùng 20 tuổi, quê Bạc Liêu) và những người lính cứu hộ, cứu nạn… trong thảm họa cháy chung cư (CC) Carina Plaza (Q.8, TP.HCM) rạng sáng 23.3.
Ca trực đêm cuối cùng
Chiều tối 23.3, như mọi ngày ông Trần Văn An, bảo vệ CC Carina Plaza, đến chốt để thay ca trực đêm. Lúc ấy, ông mang theo tờ đơn và nói với những đồng nghiệp của mình ở đây rằng sau ca trực đêm sẽ xin nghỉ phép 1 ngày để nghỉ ngơi.
Đến đêm, tầng hầm giữ xe của CC bốc cháy dữ dội, khói ngùn ngụt khắp nơi. Ông An không kịp mang theo điện thoại, chạy lên từng tầng ở tòa nhà đập cửa, hô hoán các cư dân tỉnh giấc mà tháo chạy. Sau khi đưa được một tốp người ở các tầng thấp xuống đất an toàn, ông ngước lên tầng cao và thấy rất đông cư dân đang rọi đèn điện thoại kêu cứu, nên chạy ngược vào trong. Lần lượt từ tầng 1, 2, 3, 4, ông hô hoán, đập cửa để báo động cho cư dân chạy ra khu vực cầu thang thoát hiểm. Đến tầng 5, ông An kiệt sức, ngạt khói và gục chết trước cửa một căn hộ. Cảnh sát tìm thấy ông và đưa về nhà xác Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Đó là thời điểm kết thúc “ca trực cuối cùng” của người bảo vệ quả cảm.
Ông Trần Văn Tâm (43 tuổi, em ruột ông An) cho biết khi được công an thông báo đến nhận dạng, ông vào nhà xác và nhận ra anh trai mình nằm ở cuối phòng, mặc bộ đồ bảo vệ, cạnh đó là chiếc bộ đàm. Toàn thân ông An bị ám khói đen. Ông An được người thân đưa về căn nhà cấp 4 nằm lọt thỏm trong một con hẻm nhỏ ở đường An Dương Vương (Q.8), nơi thường ngày ông sống cùng mẹ già và cậu con trai 24 tuổi.
Trong đám tang người bảo vệ quả cảm hôm qua, ngoài người thân, hàng xóm, còn có rất nhiều người kính phục lòng xả thân cứu người của ông đến viếng, chia buồn cùng gia đình.
“Em không có gì để kể đâu”
Cũng như ông An, thời điểm xảy ra cháy còn có nhiều bảo vệ khác tham gia dập lửa và hỗ trợ di tản người dân. Điển hình là 2 thanh niên trẻ tuổi Lê Gia An, Nguyễn Thanh Sang. Sau khi tìm cách dập lửa ở tầng hầm, Gia An và Thanh Sang dùng áo thấm nước quấn trên mặt, chia nhau đi khắp các tầng ở tòa nhà để di tản cư dân.
Gia An kể lại thời khắc cứu người

Lúc ấy, khói đã phủ khắp nơi trong CC. Chạy bộ lên tầng 8, Gia An thấy một cụ bà lớn tuổi đang bước liêu xiêu nên cõng xuống đất rồi lập tức quay trở lại cõng thêm 2 - 3 người già, phụ nữ khác. Lúc này, ở một hướng khác, Thanh Sang cũng lần lượt cõng mấy người bị ngất xỉu, phụ nữ mang bầu xuống đất an toàn. Sau đó, vì thông thuộc hướng đi trong CC nên cả hai tiếp tục phối hợp cùng Cảnh sát PCCC di chuyển hàng chục người già, trẻ em, phụ nữ thoát xuống đất từ các ban công của tòa nhà. “Thời điểm đó tụi em không nghĩ gì hết, cứ chạy lên thấy người nào là cõng người đó. Rồi phụ với mấy anh cảnh sát đưa lần lượt trẻ em, người già, phụ nữ từ ban công xuống trước. Còn đàn ông, thanh niên thì từ từ đu dây hay nối chăn, mền, rèm cửa lại tụt xuống sau”, Gia An nói.
Đến gần 3 giờ sáng, hai chàng trai trở về phòng trọ rồi thiếp đi trong bộ đồng phục bảo vệ và mặt mũi vẫn còn ám khói đen.
Gặp chúng tôi, Gia An đang nằm thiếp trên võng trong phòng trọ: “Em mệt lắm. Không có gì để kể đâu”. Nhưng khi nghe chúng tôi nhắc đến hai mẹ con chị Nguyễn Thị Thanh Lam (30 tuổi, sống ở block A) muốn tìm gặp lại An để nói lời cảm ơn vì đã cứu mạng thì chàng trai trẻ bật dậy hỏi: “Chị đó sao rồi?”. Biết được hai mẹ con chị Lam cấp cứu ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương và sức khỏe đã dần ổn định, Gia An thở phào: “Em đưa con trai chị ấy xuống trước. Còn chị ấy thì em với anh thanh niên kia dùng dây của cứu hỏa đưa buộc vào bụng rồi đưa xuống bằng thang. Mà ơn nghĩa gì đâu, ai trong thời điểm đó cũng làm như chúng em thôi”.
Thanh Sang kể lại thời khắc cõng người phụ nữ mang bầu thoát khỏi đám cháy

Chia sẻ với chúng tôi, Gia An và Thanh Sang cho biết cả hai sống gần nhà nhau dưới quê, là bạn bè thân thiết từ nhỏ. Do cuộc sống ở quê khó khăn nên rủ nhau lên TP.HCM làm bảo vệ được mấy tháng thì gặp vụ việc đau lòng như trên.
Và những người lính
Trong thảm kịch cháy CC Carina Plaza, lực lượng Cảnh sát PCCC TP.HCM nhanh chóng có mặt dập lửa, cứu nạn hơn 1.000 người và cứu được gần 200 người.
Có mặt tại hiện trường vụ cháy, chứng kiến cảnh hàng trăm chiến sĩ Cảnh sát PCCC liên tục ra vào CC đang bao trùm khói đen mù mịt để cứu người, mới thấy hết những vất vả, hiểm nguy họ phải đối mặt. Khuôn mặt đen đúa vì khói, ngồi một góc thở hổn hển, đại úy Châu Thanh Quang (Đội trưởng Đội chữa cháy chuyên nghiệp thuộc Phòng Cảnh sát PCCC Q.8) chia sẻ anh em đã làm hết sức, chạy đua với thời gian để đưa tất cả mọi người ra ngoài. “Khi đến nơi thì phát hiện khói đen đã bao trùm CC, mất điện, trời tối, nhiều người dân la hét, đứng trên ban công cầu cứu. Lực lượng PCCC đã dùng xe thang đưa những người ở các tầng thấp ra trước, đồng thời các nhóm trinh sát đi sâu vào trong, lên tầng cao để cứu người. Trong CC rất tối, khói đen ngập tràn các hành lang, tràn vô các phòng. Các trinh sát phải vào từng phòng tìm người. Gặp người là anh em dùng khăn, vải ướt giúp che miệng nhằm tránh hít thêm nhiều khí độc, sau đó đưa ra xe thang đem xuống đất”, đại úy Quang nhớ lại.
Trung sĩ Lê Trường Sơn, Phòng Cảnh sát PCCC Q.8, chia sẻ khi vào CC thấy nhiều người dân rất hoảng loạn và có người đã ngất xỉu nằm ngay trước cửa phòng. Phát hiện một phụ nữ bế con nhỏ quờ quạng trong khói đen mịt mù, Sơn liền lao đến bồng đứa bé và hướng dẫn người mẹ theo mình ra hướng ban công có xe thang đang chờ và xuống đất. “Thấy mọi người được đưa ra ngoài an toàn, chúng em mừng lắm, giá như nhiều người giữ bình tĩnh và có kỹ năng chống khói độc thì sẽ hạn chế thương vong rất nhiều”, Sơn tâm sự.
Đánh giá cao công tác triển khai dập lửa và cứu người của lực lượng PCCC TP, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chia sẻ: “Nếu không có sự dũng cảm, kịp thời, chuyên nghiệp của Cảnh sát PCCC TP thì số người thiệt mạng không chỉ dừng lại con số 13”.
Tình người trong hoạn nạn
Hỏa hoạn kinh hoàng khiến nhiều người ở CC Carina thẫn thờ, có nhà mà không được vào. Cũng chính thời khắc khó khăn đó, nhiều tổ chức, cá nhân đã đứng ra tình nguyện hỗ trợ cơm, nước, quần áo miễn phí, qua đó xoa dịu bớt nỗi đau của cư dân trong vụ cháy.
Trong cái nắng oi ả giữa trưa 24.3, nhóm gần 10 người tình nguyện xách từng phần cơm, bánh canh, nước vào CC trao tận tay cư dân. Anh Huỳnh Hải, người đứng đầu nhóm, cho biết nhà anh ở phía trước CC Carina nên mọi diễn biến trong và sau đám cháy anh đều chứng kiến rất rõ. Rạng sáng đó, khi đám cháy bùng phát, anh thấy rất rõ những nạn nhân kêu cứu trên các tầng cao. Khi cảnh sát PCCC tới, anh liền mang thùng loa ra cho cảnh sát phát tin thông báo. Đến trưa, thấy bà con mệt lả vì vật vã cả đêm trong vụ cháy, anh cùng nhiều bạn bè gom góp tiền bạc, tình nguyện nấu cơm cấp tốc cho bà con. Đợt đầu tiên nhóm anh Hải hỗ trợ được 150 phần bánh canh, 50 phần cơm. Sau đó, anh duy trì nấu cơm qua ngày 24.3. Thấy vậy, những người đi đường khác đến cũng đóng góp thêm tiền để anh hỗ trợ người bị nạn. “Có người 100.000, có người vài trăm ngàn đóng góp chung với tôi để nấu cơm cho bà con ăn”, anh Hải chia sẻ.
Trong khi đó, phía CC đối diện - nơi cư dân gặp nạn đang tá túc tạm, đội tình nguyện hỗ trợ của Trung tâm công tác xã hội Thanh niên TP.HCM đã có mặt để chia sẻ khó khăn cùng người dân. Ngoài 300 phần cơm của trung tâm đã phát hết, mọi vật dụng sinh hoạt như mền, chiếu, gối... được nhiều tổ chức cá nhân mang đến đóng góp. Anh Nguyễn Nhất Phúc, Trưởng nhóm tình nguyện, chia sẻ có nhiều người hay tin mang nước, sữa và thức ăn đến hỗ trợ. Nhiều hộ dân sống gần đó mang cả bao tải quần áo từ lớn đến nhỏ dành tặng cho cư dân khi cần thiết. “Nhiều cư dân khi được người thân đến đón thì lập tức mang đồ đạc chúng tôi phát trước đó trả lại để nhường cho người khác cần hơn”, anh Phúc nói.
Đức Tiến - Phạm Hữu
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.