Quyền lực ngọt ngào của Hoàng gia Anh

07/10/2017 14:02 GMT+7

Cuối tháng 9 vừa qua, Hoàng tử William và Công nương Kate đã bán “đấu giá” một kỷ niệm ngày cưới của họ. Đó là miếng bánh được cắt ra từ chiếc bánh cưới 8 tầng năm 2011.

Những miếng bánh cưới đặc biệt của Hoàng gia Anh được xem là minh chứng sống động cho hôn nhân của những người “trị vì” xứ sở sương mù, từ Nữ hoàng Elizabeth II đến nay, dù không phải mối lương duyên nào cũng có cái kết đẹp.
Năm 1947, năm 1981 và năm 2011 lần lượt là những cột mốc không thể nào quên khi cả thế giới đều dõi theo những khởi đầu trong mơ cho cuộc hôn nhân của Nữ hoàng Elizabeth II với Hoàng thân Philip, của Thái tử Charles với Công nương Diana và của Hoàng tử William với Công nương Kate. Và trong những câu chuyện cổ tích giữa đời thường ấy, không thể không nhắc đến những chiếc bánh cưới kỳ công mà cho đến nay vẫn có những người may mắn giữ lại được.
Những “lát cắt lịch sử”
Vào tháng 3 vừa rồi, nhà đấu giá Hansons Auctioneers công bố bán đấu giá một miếng bánh cưới năm 1947 của Nữ hoàng Elizabeth II, được giữ gìn cẩn thận trong chiếc hộp nhỏ có trang trí hình những chuông cưới và lời từ “Được gởi tặng cho ông C.Dickman bởi Công chúa Elizabeth, ngày 20.11.1947”. Trước đó một miếng bánh khác tuổi thọ gần 7 thập niên cũng được bán ra công chúng vào tháng 1. Có khoảng 5 - 6 miếng bánh được cắt ra từ chiếc bánh trái cây tẩm rượu 4 tầng cao gần 3 m đã xuất hiện trên thị trường với mức giá trung bình khoảng 500 bảng Anh.
Quyền lực ngọt ngào của Hoàng gia Anh 1
Chiếc bánh này được đặt tên là chiếc bánh 10.000 dặm bởi các nguyên liệu được gửi đến Anh từ Úc còn rượu rum và brandy từ Nam Phi. Sau đám cưới, Công chúa Elizabeth đã gửi 1 tầng bánh đến Australian Guild Girls, tổ chức được lập ra năm 1910 để hỗ trợ các trẻ em gái ở Úc, như một lời cám ơn. Trong khi đó, 1 tầng bánh khác được giữ lại cho đến lễ rửa tội của Hoàng tử Charles. Hoàng thân Philip đã dùng kiếm của ông để cắt bánh trước khi 2.000 vị khách mời tại Điện Buckingham ngày ấy được thưởng thức chiếc bánh nặng gần 227 kg.
Hãng bánh McVitie & Price vinh dự được chọn làm bánh cưới cho Công chúa Elizabeth năm 1947 và sau này cho cháu nội của bà là Hoàng tử William năm 2011. Vừa qua, tại nhà đấu giá Chiswick, đích thân vợ chồng hoàng tử tổ chức đấu giá một miếng bánh ra bán để gây quỹ từ thiện, và thu được 855 USD. Chiếc bánh trái cây 8 tầng, được thiết kế bởi nữ đầu bếp Fiona Cairns, từng là tâm điểm chú ý của Điện Buckingham vào tháng 4.2011. Cairns cho biết chiếc bánh truyền tải thông điệp “ngôn ngữ của các loài hoa” theo yêu cầu chính công nương Kate, với tổng cộng 900 bông hoa thuộc 17 loài hoa khác nhau được làm từ bánh đường.
Miếng bánh được đặt trong hộp thiếc màu vàng kem, giống hệt như hộp đựng bánh dành cho các khách mời ở đám cưới cách đây 6 năm, cùng với tấm thiệp mang lời chúc của Thân vương Xứ Wales (tước hiệu của Thái tử Charles) và Nữ công tước xứ Cornwall (Công nương Camilla, vợ thứ 2 của Thái tử Charles). Trước đây, một miếng bánh khác được cắt ra từ chiếc bánh mà Cairnes và các cộng sự phải mất 5 tuần mới hoàn tất từng được bán với giá gần 8.000 bảng Anh.

Quyền lực ngọt ngào của Hoàng gia Anh 2
Quyền lực ngọt ngào của Hoàng gia Anh 4
Tình yêu qua đi…
Nhưng minh chứng ngọt ngào cho tình yêu vẫn còn đó dù người phụ nữ trong cuộc, người đã ra đi mãi mãi cách đây đúng 20 năm, đã không thể song hành hạnh phúc bên người đàn ông mà bà kết hôn vào tháng 7.1981.
Sắp tới đây, tại Mỹ sẽ có cuộc bán đấu giá một miếng bánh từ chiếc bánh cao hơn 150 cm và nặng hơn 115 kg này. Miếng bánh vẫn được giữ trong chiếc hộp kỷ niệm trên bìa có dòng chữ “CD, Điện Buckingham, ngày 27.7.1981” chưa được nhà đấu giá RR Auction ở Boston tiết lộ giá khởi điểm. Chỉ biết rằng người đang sở hữu từng bỏ ra 1.700 USD để mua cách đây 2 năm.
Người ta chỉ biết rằng tất cả những gì thuộc về Công nương Diana luôn có giá cao vì bà từng được gọi là “hoàng hậu của trái tim”, từng được bao người ngưỡng mộ bởi sắc đẹp và bởi tấm lòng nhân hậu. Một miếng bánh tương tự từ đám cưới của Công nương Di, tên gọi thân mật, với Thái tử Charles đã được bán với giá 5.200 USD tại Los Angeles năm 2014 trong khi một miếng khác cũng được bán ra tại London với mức giá tương đương.
Trong khi đó, anh John Hoatson (Florida, Mỹ) kiên quyết giữ lại kỷ vật ngọt ngào của Công nương Diana dù anh cho biết mình có thể bán đi bất kỳ món nào từ bộ sưu tập bao gồm rất nhiều thứ từ người phụ nữ này, với tổng trị giá ước tính khoảng 500.000 USD. Hoatson, người bắt đầu thần tượng Diana khi nhìn thấy bà trên ti vi từ lúc nhỏ, cho biết: “Miếng bánh cứ mãi như vậy. Nó được bảo quản bởi không khí. Tôi từng gửi chiếc bánh và cái hộp đến Anh để hai phù dâu của Diana ký tên lên chiếc hộp. Đó là India Hicks và Clemmie Hambro, hai cô nàng phù dâu bé bỏng, chỉ mới 5 tuổi ngày Diana lên xe hoa”.
“Chiếc bánh do trường dạy nấu ăn của Hải quân Hoàng gia Anh làm ra, với tôi, như là một ví dụ của sự hóa thạch và hơn thế là biểu tượng của tình yêu”, Hoatson nói. Còn với công chúng, những người yêu Công nương Di, một khi những miếng bánh còn đó thì họ vẫn còn nhớ đến bà - người từng trải qua cuộc hôn nhân đầy sóng gió suốt 15 năm và kết thúc cuộc đời đầy bí ẩn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.